Cải cách giáo dục: Giáo viên cần được hỗ trợ nhiều hơn

GD&TĐ - Kể từ năm 1994, Ngày Nhà giáo Thế giới được tổ chức vào 5/10 hàng năm nhằm phản ánh những tiến bộ mà giáo viên đã đạt được.

Trong một lớp học ở Singapore.
Trong một lớp học ở Singapore.

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, vị thế nghề nghiệp của giáo viên đã giảm trong thập kỷ qua. 

Vị thế đang bị hạ thấp dần

Các nghiên cứu ở Anh, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc) cho thấy sự xói mòn quyền tự chủ của giáo viên và niềm tin của công chúng đối với người đứng trên bục giảng. Điều này khiến giáo viên cảm thấy bị mất quyền lực và tinh thần.

Sự hài lòng trong công việc cũng đã giảm sút trong giới giáo viên Mỹ, nơi giáo dục đã trở thành mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách, những người cho rằng nó cần tiêu chuẩn cao hơn và sự kiểm soát của nhà nước nhiều hơn.

Nhà nghiên cứu, Giáo sư quản lý giáo dục Garald K. LeTendre của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã xem xét các sáng kiến cải cách liên quan tới giáo viên trên khắp thế giới. Ông thấy rất ít các cuộc cải cách thực hiện được những gì chúng được thiết kế là cải thiện chất lượng công việc của giáo viên và vị thế chuyên môn của họ.

Cùng với các đồng nghiệp Mỹ, Thụy Điển và Hàn Quốc, ông Garald K. LeTendre đã nghiên cứu các chính sách tập trung vào giáo viên ở 4 quốc gia Bắc Âu (Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch) và các quốc gia Đông Á (Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc) từ 1995 - 2020.

Tất cả các quốc gia trên đều là nơi có nền dân chủ phát triển, ổn định mà hệ thống trường học được coi là có hệ thống giáo dục vững chắc, thậm chí là mẫu mực. Nói cách khác, người ta có thể không nghĩ rằng các quốc gia này lại lo lắng về giáo viên của mình.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu đối với một giai đoạn kéo dài 25 năm, Giáo sư Garald và các đồng sự thấy các quốc gia này đã thông qua tới tổng số 56 chính sách nhằm cải cách một số phần phát triển nghề nghiệp giáo viên, giáo dục và đào tạo. Thụy Điển là nước tích cực nhất với 12 cuộc cải cách, trong khi Phần Lan chỉ thông qua 2.

Đôi khi những cải cách này không thực sự giúp ích cho giáo viên. Trên thực tế, một số cải cách thực sự đã làm giảm chất lượng của lực lượng nhà giáo.

Cần làm cho các chính sách trở nên toàn diện

Các chính sách toàn diện về giáo viên đề cập đến ít nhất 3 lĩnh vực chính: Tuyển dụng và đào tạo, tuyển dụng và bố trí, phát triển nghề nghiệp. Điều này rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng như thiếu giáo viên, nhưng nếu chỉ tập trung vào tuyển dụng và đào tạo thôi sẽ không hiệu quả, ít nhất là ở Mỹ.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia trên đều thông qua các chính sách cải cách chỉ nhắm mục tiêu vào một trong những lĩnh vực trên. Một số quốc gia nhắm vào nhiều mục tiêu hơn nhưng các cuộc cải cách thường không có sự phối hợp. Bên cạnh đó, họ cũng bị ảnh hưởng bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dẫn đến những cải cách mâu thuẫn, làm suy giảm hiệu quả của các hệ thống.

Đan Mạch là quốc gia duy nhất nhắm mục tiêu cụ thể vào việc tuyển dụng bằng cách cố gắng tuyển giáo viên là sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc nhất. Thụy Điển là quốc gia duy nhất thông qua một chính sách liên quan đến việc phân bổ giáo viên một cách mơ hồ.

Họ nhanh chóng giúp người nhập cư có bằng cấp sư phạm dạy tại các trường học ở Thụy Điển. Các chương trình được phổ biến tại 6 trường đại học trên khắp đất nước trên sẽ khuyến khích đưa sinh viên tốt nghiệp ra khỏi khu vực Stockholm.

Trong khi đó, các nước còn lại tập trung vào các chính sách thiết lập tiêu chuẩn cho bằng cấp của giáo viên, cải thiện điều kiện việc làm và mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mặc dù, đây là những lĩnh vực quan trọng nhưng chúng không giải quyết được những điểm nghẽn quan trọng trong tuyển dụng và phân bổ. Nếu chỉ đặt ra các tiêu chuẩn sẽ không bảo đảm những giáo viên có trình độ luôn có sẵn ở nơi cần họ. Ví dụ, không ít trường hợp giáo viên thường được chỉ định dạy những môn họ không đủ khả năng.

Mặc dù, nhiều cuộc cải cách tập trung vào giáo viên đã diễn ra, việc thiếu giáo viên có trình độ vẫn là nguyên nhân chính gây ra bất bình đẳng giáo dục trên thế giới ngày nay.

Giáo viên giỏi là yếu tố cơ bản giúp nâng cao khả năng của học sinh.
Giáo viên giỏi là yếu tố cơ bản giúp nâng cao khả năng của học sinh.

Tập trung vào nhu cầu thực tế của giáo viên

Giáo dục và phát triển giáo viên hiệu quả liên quan đến việc cung cấp cho nhà giáo nhiều cơ hội để thực hành và thể hiện qua thực tế giảng dạy. Điều này có nghĩa là phát triển chuyên môn nên được lồng ghép vào các trường học địa phương, nơi giáo viên xác định được vấn đề mà họ phải đối mặt, đồng thời làm việc với các chuyên gia để tìm giải pháp.

Một ví dụ về thu hút giáo viên là chương trình OSAAVA ở Phần Lan. Chương trình này hỗ trợ các dự án, trong đó giáo viên và trường học có thể xác định chuyên môn mà họ đã có, những lĩnh vực chuyên môn cần phát triển thêm và cách duy trì sự phát triển chuyên môn này theo thời gian.

Ngoài việc tập trung vào các vấn đề thực tế, việc phát triển chuyên môn tốt sẽ hỗ trợ sự hợp tác giữa giáo viên, các trường đại học và cộng đồng nơi họ làm việc. Trong hầu hết các ngành nghề, việc phát triển nghề nghiệp do các chuyên gia trong từng lĩnh vực tạo ra. Tuy nhiên, sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên lại do các học giả trong trường đại học tạo ra. Để đạt được hiệu quả phát triển nghề nghiệp thường cần phải cải cách mối quan hệ giữa các trường đại học và trường phổ thông.

Để giáo viên là người trong cuộc

Ở các nước Bắc Âu và Đông Á được nghiên cứu, chính phủ thường chấp nhận các cải cách liên quan đến phát triển nghề nghiệp giáo viên bằng cách đặt ra tiêu chuẩn, nhưng rất ít chính phủ để giáo viên tham gia vào quá trình này. Đây là điều làm suy yếu vị thế nghề nghiệp và quyền tự chủ của giáo viên. Nó cũng có nghĩa là sự phát triển nghề nghiệp ít có khả năng đáp ứng nhu cầu của giáo viên.

Ở Nhật Bản, vào đầu những năm 2000, chính phủ áp dụng hình thức phát triển nghề nghiệp do giáo viên đứng đầu và lồng ghép nó vào sự phát triển nghề nghiệp mà giáo viên cần có. Tuy nhiên, điều này làm suy yếu sự hợp tác vốn cần thiết cho việc học tập hiệu quả của giáo viên.

Ngược lại, cuộc cải cách “Dạy ít hơn, học nhiều hơn” được thông qua ở Singapore vào năm 2005 cho phép các trường thuê thêm nhân viên để giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu hơn đối với cách trình bày bài giảng hoặc xem xét và thiết kế lại chương trình giảng dạy.

Nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học xác nhận chất lượng giáo viên có thể cải thiện thành tích của học sinh. Do vậy, hơn bao giờ hết, mọi quốc gia phải hỗ trợ giáo viên khi họ cung cấp giáo dục và kỹ năng tư duy phản biện mà trẻ em cần để giải quyết các vấn đề hiện tại và trong tương lai.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ