Hà Lan: Tranh cãi quanh bất bình đẳng giáo dục

GD&TĐ - Cơ quan tư vấn cấp cao của chính phủ Hà Lan (SER) mới đây cho biết, hệ thống giáo dục quốc gia đang gia tăng bất bình đẳng về cơ hội học tập dành cho trẻ em.

Hà Lan còn thiếu quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hà Lan còn thiếu quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không nhận được sự quan tâm đầy đủ và bị ảnh hưởng nặng bởi việc trường học đóng cửa so với bạn bè thuộc gia đình khá giả.

SER kêu gọi chính phủ tăng cường biện pháp cải thiện chất lượng giáo dục như giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; giảm sĩ số lớp học; trang bị lại kỹ năng ngôn ngữ và số học cho trẻ.

Điều này là đặc biệt quan trọng đối với học sinh 12 tuổi, chuẩn bị bước vào năm đầu trung học. Nếu không được quan tâm đúng mực, trình độ học tập của nhóm học sinh này sẽ ngày càng chênh lệch.

Đại diện SER cho biết: Giáo dục có vai trò trang bị kỹ năng để trẻ giải quyết khó khăn khi trưởng thành. Nhưng giáo dục Hà Lan hiện chưa phải công cụ tốt. Hệ thống giáo dục của chúng ta đang làm tăng bất bình đẳng giữa các nhóm học sinh thay vì tạo nên sự cân bằng.

Trước đó, đầu năm 2021, Hội đồng giáo dục Hà Lan, Onderwijsraad, cũng đưa ra khuyến nghị tương tự. Đại diện Onderwijsraad đánh giá Covid-19 đang nới rộng sự khác biệt giữa các nhóm dân số.

Lời kêu gọi này xuất phát từ khảo sát cho thấy trong năm học, học sinh tiểu học có trình độ ngang nhau. Nhưng trong kỳ thi cuối cấp tiểu học, điểm số của các em thuộc gia đình khá giả cao hơn bạn bè có hoàn cảnh khó khăn.

Những gia đình có điều kiện mạnh tay chi tiền thuê gia sư, đăng ký học thêm để con cái bứt tốc trong các kỳ thi. Tình trạng này càng rõ nét hơn vào thời điểm dịch Covid-19.

Ước tính khoảng 54% trẻ 12 tuổi tại Hà Lan hiện đang học tại trường vmbo (chương trình học kết hợp giữa đào tạo nghề và lý thuyết), trong khi 46% đăng ký vào các trường trung học, chuẩn bị hành trang vào đại học.

Các chuyên gia khẳng định sự chênh lệch trong giáo dục phổ thông có thể gia tăng sự phân biệt trong xã hội. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại các thành phố lớn, nơi trẻ em theo học tại các trường phù hợp với tình hình kinh tế gia đình. Nó ngăn trẻ em cùng nhau học tập như những công dân trong một xã hội đa dạng.

Chính phủ Hà Lan từng bị chỉ trích vì cách xử lý khủng hoảng Covid-19 trong lĩnh vực giáo dục. Các chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch được cho là không hướng đến nhóm thanh, thiếu niên trong độ tuổi đến trường.

Trước đó, tháng 12/2020, Hà Lan thông báo đóng cửa trường phổ thông các cấp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em và người thân trong gia đình trước làn sóng Covid-19.

Bước sang học kỳ mùa xuân năm 2021, chính phủ vẫn không tái mở cửa trường học dù tình hình dịch bệnh tương đối được kiểm soát. Trong khi các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo việc học trực tuyến không hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt tại cấp tiểu học.

Sự phản ứng chậm trễ của Hà Lan kéo theo thời gian dài học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải vật lộn tự học tại nhà, thiếu hướng dẫn và tương tác với giáo viên. Trong tương lai, các em khó được bù đắp khoảng thời gian mất mát này.

Theo Dutch News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.