Nhật Bản: Thờ ơ với bất bình đẳng giáo dục

GD&TĐ - Nhật Bản vốn được coi có nền giáo dục chất lượng, công bằng nhất. Thực tế thì ngược lại, từ năm 2004, nước này có tới 46,4% người dân xem bất bình đẳng trong giáo dục là “chuyện không thể tránh khỏi”. 

Học sinh Nhật Bản nhận thức rõ vai trò của điều kiện kinh tế gia đình.
Học sinh Nhật Bản nhận thức rõ vai trò của điều kiện kinh tế gia đình.

Có tiền mới có ăn học

Tháng 4/2020, Tập đoàn Bảo hiểm Sony Life Insurance, Nhật Bản công bố kết quả khảo sát về yếu tố quyết định sự thành công trong giáo dục. Họ cho thấy, có tới 65,5% phụ huynh Nhật Bản thừa nhận: Tiền quyết định tất cả. Theo các phụ huynh này, từ khả năng đến thành tích học tập của con em đều phụ thuộc vào mức chi. “Số tiền mà bạn bỏ ra cho đám trẻ ăn học quyết định thành tích của chúng”, một người tuyên bố. “Tôi ưu tiên dành tiền cho con học thêm hơn là tiết kiệm”. 

Trong số 65,5% phụ huynh thừa nhận sức ảnh hưởng của tiền, chỉ có 1,7% hơi đắn đo, còn lại “hoàn toàn nhất trí”. 
Từ xưa, Nhật Bản đã nổi tiếng coi trọng vấn đề giáo dục. Hơn 73% người dân tin tưởng, “giáo dục quyết định tương lai của trẻ, cần được nghiêm túc tiến hành từ giai đoạn mầm non”. Xã hội Nhật Bản đồng thuận, mọi trẻ em đều nên và có quyền được hưởng một nền giáo dục như nhau. Thực tế bất bình đẳng thu nhập đã thay đổi tất cả. 

Năm 2018, Nhật Bản có hơn 55 triệu hộ gia đình. Trong đó: 1,27 triệu hộ sở hữu khối tài sản trên 100 triệu yen (trên 22 tỷ đồng), chiếm 2,3%; 3,2 triệu hộ sở hữu khối tài sản từ hơn 50 – 100 triệu yen (khoảng 11 - 22 tỷ đồng), chiếm 5,8%; 7,2 triệu hộ sở hữu khối tài sản từ 30 - 50 triệu yen (khoảng 6,6 – 11 tỷ đồng), chiếm 13%; còn lại là các hộ sở hữu khối tài sản dưới 30 triệu yen, chiếm 78,9%. 

Những năm gần đây, học phí trường đại học công lập ở Nhật rơi vào khoảng 530.000 yen/năm (hơn 116 triệu đồng). Với các hộ có trên 30 triệu yen, việc lo cho con em qua đại học chỉ là “chuyện nhỏ”. Với các hộ dưới 30 triệu yen, đó là khoản chi đáng kể. SV nghèo Nhật Bản chỉ có thể dựa vào học bổng. Khổ nỗi, SV muốn lấy được học bổng phải có thành tích cực kỳ xuất sắc. Chưa kể, hệ thống giáo dục của Nhật Bản còn rất ít các khoản học bổng. 

Dự báo, sự bất bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản sẽ không giảm.
Dự báo, sự bất bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản sẽ không giảm.

Chấp nhận chênh lệch

Một trong các lý do khiến Nhật Bản ít học bổng là vì sự công bằng, bảo đảm mọi HS, SV đều nhận được sự đãi ngộ như nhau. Họ cũng cố gắng giữ học phí trường công lập ở mức thấp. Vào thập niên 1970, học phí các trường đại học công lập Nhật Bản chỉ khoảng 12.000 yen/năm. Từ khi bước sang thế kỷ XXI, nó đột ngột tăng gấp trên 20 lần, lên khoảng 250.000 yen/năm. Cùng với nó, khoảng cách giàu – nghèo giữa các hộ gia đình ngày một nới rộng.

Sự bất bình đẳng trong giáo dục tất yếu xuất hiện. Các phụ huynh khá giả thoải mái cho con em học thêm, luyện thi, vào đại học. Các phụ huynh nghèo chỉ lo riêng việc đóng học phí cho con em qua hết phổ thông đã vấp khó khăn. Thay vì bất mãn, người Nhật Bản xem sự thiếu công bằng trong giáo dục là “chuyện không thể tránh khỏi”.

Vào năm 2004, Nhật Bản thực hiện một cuộc khảo sát về thái độ của người dân với sự bất bình đẳng trong giáo dục. Họ nhận được kết quả 46,4% xem nó là “chuyện đương nhiên”. Năm 2018, Nhật Bản tiến hành cuộc khảo sát cùng chủ đề. Số người chấp nhận thực tế bất bình đẳng giáo dục còn cao hơn nữa, lên tới 62,3%.

Đầu năm 2021, Quỹ Nippon (Nippon Foundation) Nhật Bản thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.000 thanh niên, từ 17 - 19 tuổi về sự bất bình đẳng trong giáo dục. Họ nhận được kết quả: 48,9% người thấy có và 51,2% người thấy không. 

Trong số 48,9% người thấy có, 31,7% cho rằng nguyên nhân là vì hoàn cảnh kinh tế gia đình. “Thu nhập của cha mẹ tôi bị giảm trong đại dịch Covid-19” - một HS cho biết - “Nếu không lấy được học bổng, tôi không cách nào theo học đại học”.

Phụ huynh Nhật Bản thừa nhận, tiền là yếu tố quyết định khả năng và thành tích học tập của con em.
Phụ huynh Nhật Bản thừa nhận, tiền là yếu tố quyết định khả năng và thành tích học tập của con em.

Từ bỏ đầu tư

Tại Nhật Bản, giáo dục bắt buộc chỉ tới hết cấp THCS. Từ THPT trở đi, việc tiếp tục hay ngừng học là tự nguyện. Trước thế kỷ XXI, người Nhật tin tưởng bằng đại học là tấm vé bảo đảm công ăn việc làm ổn định trong tương lai. Nhờ học phí vẫn còn thấp, thanh niên Nhật Bản được cha mẹ đài thọ ăn học thành tài.

Hai thập kỷ gần đây, Nhật Bản có xu hướng thừa cử nhân. Nhiều SV Nhật tốt nghiệp với bằng cấp xuất sắc không kiếm được việc làm như ý. Cộng với việc học phí trường đại học công lập ngày càng tăng mạnh, các phụ huynh nghèo bắt buộc phải cân nhắc chuyện đầu tư cho con em. 

Thực tế ở Nhật Bản chỉ ra, theo đuổi bằng cấp chỉ có lợi với “con ông, cháu cha”. Giới trẻ có cha mẹ thành đạt, trình độ học vấn và thu nhập cao có cơ hội lập nghiệp lớn hơn hẳn. Ngược lại, giới trẻ thuộc tầng lớp nghèo vừa tốn công sức lẫn thời gian, tiền của để lấy bằng cấp, vừa không bảo đảm sẽ xin được việc làm. 

Văn hóa lối sống của người Nhật đề cao sự tự lực, tự cường. Họ không than trách sự bất công, mà chấp nhận và tìm con đường khác để vượt qua. Nó khiến cho sự bất bình đẳng giáo dục có nguy cơ tiếp tục gia tăng. 
Trong tương lai, sự chênh lệch giáo dục ở Nhật Bản có lẽ cũng không giảm. Tại quốc gia này có rất nhiều trường và học viện luyện thi tư thục. Chúng phục vụ nhu cầu nâng cao kiến thức, hỗ trợ đầu vào đại học, nhưng chỉ với các đối tượng có điều kiện tài chính. 

Theo Nippon.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.