Café chủ nhật: Nghề nào cũng quý

GD&TĐ - Ai tồn tại mà không muốn mình có công việc tốt, một cuộc sống đủ đầy như ý. Nhưng trong thâm tâm ai cũng tự liệu cho đời sống của mình rồi.

Minh họa: Vietpink.
Minh họa: Vietpink.

Nhiều lần trong những cuộc tán gẫu, tôi hay nghe người ta bày tỏ sự xót thương cho người xyz nào đó vì nỗi cực nhọc khi chạy xe ôm công nghệ, bán hột vịt lộn, làm nhân viên phục vụ theo ca… Hoặc những tiếng thở dài sườn sượt khi một người quen biết bỗng về vườn làm nông hoặc lao động tay chân.

Nhưng ngoài sự xót thương xuất phát từ lòng trắc ẩn, đôi khi tôi thấy người ta thiếu sự tôn trọng lựa chọn nghề nghiệp của người khác. Đôi khi chúng ta còn cho rằng những nghề vừa kể ngoài sự cực nhọc còn đi kèm với vẻ thấp kém, tương lai không được đảm bảo.

Xin khoan cho rằng tôi có trái tim lạnh lẽo không nhìn thấy sự vất vả của công việc lao động chân tay. Dĩ nhiên tôi chia sẻ với sự vất vả của họ chứ. Để tôi kể câu chuyện nhỏ. Tôi có mối xe ôm công nghệ là một cậu em đi nghĩa vụ quân sự về cách đây ít lâu. Sau cuốc xe đầu, thấy cậu này chân chất lại ở khá gần chỗ mình nên mỗi khi đi đâu không tiện đi xe máy, tôi thường gọi thẳng cho cậu.

Ruột để ngoài da, cậu kể mình sống với mẹ và em gái. Cậu định đi nghĩa vụ xong kiếm việc gì đó làm thì đúng thời điểm làn sóng xe ôm công nghệ lên cao. Chàng trai tính cho tôi nghe rằng cũng chẳng tốn gì nhiều ngoài việc sửa sang lại con xe, rồi chia phần trăm cho hãng xe. “Với tốn sức thôi”, cậu nói nghe thật đơn giản.

Cậu cũng chẳng có gì để mắc cỡ. Người thân quen sau một thời gian lo lắng, tội nghiệp lẫn một chút thái độ xem thường thì cũng xong, không ai nói gì nữa. Ai rồi cũng phải sống cuộc đời của người nấy, sau những “bữa tiệc” bàn tán, cám cảnh cho người khác.

Rồi để chia sẻ với cậu, tôi kể công việc tôi cũng áp lực lắm. Khi nghe tôi nói từ nhà tới cơ quan của tôi mất một tiếng chạy xe, cậu hồn nhiên: “Hay là chị chuyển qua chạy xe như em đi, ngày kiếm ít gì cũng vài trăm nghìn đồng. Chủ nhật em tắt áp (app), hôm nào mệt thì chạy ít lại. Tối ngủ một lèo chẳng phải suy nghĩ gì”. Tôi bật cười. Rõ là đứng từ góc giếng rêu hay góc căn nhà yên ổn của mình, ai cũng nghĩ công việc của mình là êm đềm hơn cả.

Em trai này nói cậu có thể hùn vốn với mẹ bán bánh xèo vì mẹ “đổ bánh xèo hết chỗ chê”. Nhưng nghĩ mẹ già rồi còn bán buôn cực quá, cậu quyết định “thôi để em nuôi”. “Nếu em có lựa chọn khác, hoặc có bằng đại học thì sao, em có chạy xe vầy nữa không?”. “Không biết nữa chị ơi, mà em thấy cứ nếu nếu hoài cũng mệt”.

Vậy là cả cậu và tôi không nhìn thấy cơ hội trong công việc của đối phương. Cậu còn tỏ ra tội nghiệp khi cho rằng tôi phải đi làm xa, ngồi máy tính suốt ngày, họp hành tất bật, phải sửa soạn quần áo để “coi được được chút”, có thể bị sếp mắng vô chừng…

Tôi kể câu chuyện em trai xe ôm công nghệ với ý thiển cận, là có lẽ chúng ta không cần thiết phải xót thương quá mức và đánh giá công việc của người khác theo suy nghĩ của mình. Chắc gì một ngày tám tiếng văn phòng, lương 6 - 8 triệu đồng, ừ cho là chưa kể thưởng và tiền đi du lịch nọ kia, sẽ ngon nghẻ hay sẽ hạnh phúc hơn một anh tài xế, một chị làm vườn, một cô giúp việc nhà.

nghe nao cung quy.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Chắc gì việc phóng xe vù vù ngoài đường, tìm nhà khách hàng sẽ đau khổ hơn việc bị sa thải, ngồi hàng giờ soạn văn bản, chầu chực mời chào đối tác. Chắc gì một người bán xôi mỗi ngày lời được vài trăm nghìn đồng, làm cái nghề truyền nhiều đời, có thời gian dọn dẹp nhà cửa và đủ sức nuôi con ăn học sẽ cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn người khác.

Rồi nữa, sự xót thương cũng có thể bắt nguồn từ sự mặc định phải có việc làm đúng chuyên môn hoặc ít nhất cũng phải ngồi máy lạnh, làm việc đầu óc. Còn những việc lao động phổ thông là kém sang, là không có cơ hội phát triển. Tiêu chuẩn nào đây. Cái gì cũng có giá của nó.

Nếu nói về hạnh phúc thì chưa chắc ai bất hạnh hơn ai. Nếu về thu nhập thì cũng khó mà đoán định. Nếu về vị trí xã hội thì thật sự nó có giúp ta có được niềm vui như ta tưởng hay không. Rồi sự phân công lao động xã hội đôi khi buộc ta chấp nhận công việc hợp với trình độ và thể lực của ta nữa chứ.

Có lẽ, cái chính là cách thức giáo dục, là tâm lý chung của chúng ta phải được nhìn nhận lại. Những điều này nhằm tạo cho đứa trẻ suy nghĩ hạnh phúc với nghề mà chúng chọn, điều mà chúng thích.

Như vậy, những người thợ sửa ống nước, tài xế xe ôm công nghệ, người tỉa cây cảnh sẽ thêm động lực vui vẻ trở về nhà bên bữa tối cùng người thân. Và như vậy mới có những buổi tụ họp mà khi ta nói ra công việc của mình thì người đối diện không biểu hiện gì khác ngoài sự quan tâm ta làm nghề đó ổn không, cuộc sống có vui không. Và cũng có những viện trưởng, giáo sư, nhân viên văn phòng vui với niềm vui bé mọn và sáng hôm sau hồ hởi bước ra khỏi nhà.

Muốn vậy, một ngày nào đó chúng ta có con, hoặc con nói: “Mẹ ơi, mai mốt lớn con muốn thành người nuôi gà”, hi vọng chúng ta đừng gạt đi. Như một người mẹ ở New Zealand mà cô bạn tôi khi học bên đó tiếp xúc, người mẹ cười vang khi nghe con mình nói vậy. Người mẹ gật gù: “Ừ nghe hay đấy, nhưng giờ con phải học và làm bài tập chăm chỉ để biết cách nuôi gà”. Kiến thức là để ta có hiểu biết, có cách ứng xử và một nhân sinh quan không méo mó. Kiến thức đâu phải chiếc vương miện để ta che lấp người xung quanh.

Ừ thì ai tồn tại mà không muốn mình có công việc tốt, một cuộc sống đủ đầy như ý. Nhưng trong thâm tâm ai cũng tự liệu cho đời sống của mình rồi. Nên động viên mọi người cùng vui sống với nghề nghiệp đã chọn. Đôi khi, tình thương của chúng ta khi lo lắng tương lai nghề nghiệp người khác lại là rào cản ngăn họ vào đời, ngăn họ có cuộc sống mà họ mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các lớp học tại Pháp thường rơi vào tình trạng quá tải.

Vì sao giáo viên Pháp đồng loạt bỏ nghề?

GD&TĐ - Trước tình trạng lương thấp, sĩ số lớp học đông và nhu cầu đổi mới giáo dục ngày càng tăng, giáo viên Pháp đồng loạt bỏ việc với số lượng kỷ lục.

Thời tiết hôm nay 18/9: Cả nước có mưa

Thời tiết hôm nay 18/9: Cả nước có mưa

GD&TĐ - Dự báo thời tiết hôm nay (18/9), Bắc Bộ mưa rào, có nơi mưa to; Trung Bộ mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; Nam Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to.