Buồn vui nghề giáo!

GD&TĐ - Người ta ví thầy cô giáo như những người lái đò chở khách sang sông. Tôi thấy cách ví von ấy thật hình ảnh nhưng chưa thật chính xác.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Những cơn gió cuối thu đầu đông cứ vô tình gọi mùa đến trên những con đường xoe tròn bóng lá. Tự cho mình lãng đãng một chút cùng gió để nghe lòng mình ngân nga tiếng tơ đàn muôn điệu, để gọi lòng ta xao xuyến trước khoảnh khắc giao mùa. Không gian lúc như ngưng đọng, lúc như vỡ òa để rồi lòng tôi thấy rưng rưng, thấy buồn vui lẫn lộn… khi nghĩ về nghề của mình.

Người ta ví thầy cô giáo như những người lái đò chở khách sang sông. Tôi thấy cách ví von ấy thật hình ảnh nhưng chưa thật chính xác. Bởi người lái đò mấy khi nhớ mặt khách? Khách đi đâu, về đâu người lái đò mấy khi bận tâm. Hơn nữa, khách sang sông mấy khi ngoảnh mặt nhìn người lái đò? Còn tôi và và những đồng nghiệp, vẫn đau đáu bởi những bước đi của trò.

Với những nghề khác họ có thể thấy kết quả ngay sau những công sức bỏ ra, nhưng nghề chúng tôi rất khác! Cũng giống như người trồng cây, phải đôi ba năm, năm năm, mười năm hay có thể lâu hơn nữa mình mới có thể thấy công vun trồng của mình đến đâu?

Vì lẽ đó tôi và bạn không hề vội vàng, cứ lặng lẽ âm thầm đốt cháy mình bằng những giờ lên lớp. Cứ lặng lẽ thắp lửa trong bao trái tim học trò - thắp lên ngọn lửa của ước mơ, thắp lên ngọn lửa của niềm tin vào cuộc sống, vào chính mình, thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương và thắp lên ngọn lửa tự hào về một Đất nước đầy nỗi nhọc nhằn.

Để mỗi trò có thể xót xa nhiều về một dáng mẹ dáng cha một nắng hái sương nuôi em ăn học, để em ơn nghĩa với bà con trong mỗi bước em đi. Để em không quên một thời đạn bom khói lửa, để em không quên một xứ sở đói nghèo, trong mỗi giấc ngủ của ông cha cũng ám ảnh mưa nguồn chớp bể. Để em mơ Đất nước ta mãi thanh bình và một mai có thể cất cánh!

Cô Nguyễn Thị Hương và học trò.

Cô Nguyễn Thị Hương và học trò.

Có thể ngoài kia, bố mẹ của các trò là những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lí tài ba, những người giàu có… cũng không thể có nhiều những giây phút thanh thản, tĩnh tại đến nhường ấy như của chúng tôi và của trò. Có lẽ đó là nguồn động lực lớn nhất cho những giáo viên vẫn tiếp tục gắn bó với nghề, sống cùng nghề!

Và cứ thế, các đồng nghiệp tiếp tục tự thắp lửa! Họ âm thầm, kiên nhẫn sống với những khát vọng của tuổi thanh xuân. Họ âm thầm gạt đi những giọt nước mắt, gạt đi những nỗi buồn để tiếp tục yêu thương, bao dung với học trò, sẻ chia với phụ huynh, xã hội dù có lúc họ làm mình tổn thương, bị xúc phạm!

Không muốn làm phép so sánh nhưng tôi thấy nghề của mình rất đỗi bình dị và nhiều lắm những yêu thương. Nghề mình cũng thật giàu có, không phải bởi tiền bạc mà là tình người. Tài sản vô giá của nghề mình là những học trò chăm ngoan, hiểu chuyện, giàu ước mơ, những đồng nghiệp tin cậy. Học trò đi dọc theo chiều dài Đất nước, thỉnh thoảng có ghé về thăm hay nhắn tin, gọi điện. Chỉ thế thôi mà làm nên hạnh phúc dịu ngọt, làm nên động lực cho những người cầm phấn!

Trong hành trình làm nghề giáo, những giáo viên được xem là trẻ như chúng tôi luôn có hình ảnh những người thầy đã mãi mãi rời xa cõi tạm. Đó là những người thầy, người cô nhiệt thành, tận tâm, trĩu nặng những yêu thương dành cho học trò và dìu dắt thế hệ giáo viên lứa 7X, 8X như chúng tôi.

Những nhà giáo ấy từng đi qua chiến tranh hoặc từng đi qua giai đoạn khó khăn khủng hoảng của đất nước thời bao cấp. Cả một đời cống hiến cho nghề giáo với bao nhọc nhằn, những ngày tháng nghỉ ngơi của các thầy cô thật ít ỏi, có những người thầy, người cô còn chưa kịp cầm sổ hưu.

Viết đến đây, tôi thấy nhớ, thấy thương các thầy các cô! Các thầy cô đã đi về một miền rất xa, những trong tim những người ở lại, bóng dáng những con người ấy vẫn còn lại ở các ngôi trường. Những nhà giáo đã lặng lẽ đã dành cả cuộc đời mình để góp phần làm nên một linh hồn các nhà trường hôm nay.

Làm bất cứ nghề gì ai cũng mong một sự sẻ chia! Những nhà giáo lại càng cần hơn thế! Cuộc sống quá nhiều bộn bề, áp lực nghề nghiệp ngày càng lớn nên không ít lần tôi và đồng nghiệp thấy tủi lòng, âu lo.

Có những người đồng nghiệp từng bén duyên với nghề, hẳn họ từng có tình yêu dành cho con trẻ. Nhưng vì nhiều lí do những người đồng nghiệp ấy phải đắn đo chọn lựa. Một trong những nguyên nhân là thu nhập từ lương không đủ trang trải cuộc sống. Và họ phải “bớt xén” thời gian đáng ra dành cho nghề để làm công việc khác, giải quyết gánh nặng mưu sinh. Và rõ ràng, điều đó làm cho chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Khi áp lực cuộc sống đè nặng, thì người giáo viên lương thiện nhất cũng đánh cắp tâm hồn, sự tập trung và thời gian dành cho giáo dục, một người đồng nghiệp của tôi đã nói vậy. Tôi thấy suy nghĩ đó là hoàn toàn chính xác.

Cô Nguyễn Thị Hương và học trò trong giờ trải nghiệm môn Ngữ văn.

Cô Nguyễn Thị Hương và học trò trong giờ trải nghiệm môn Ngữ văn.

Một số giáo viên vì lòng tự trọng nghề nghiệp cũng đã bỏ nghề vì họ cho rằng mình đã không chuyên tâm với con trẻ. Một số nữa là vì không chịu nổi những áp lực của nghề và sự cố gắng chưa đủ lớn.

Dù xuất phát từ lí do gì đi nữa thì đó cũng là điều đáng buồn! Bởi phần lớn đội ngũ giáo viên vẫn rất nhọc nhằn với hai chữ “mưu sinh”!

Nói ra những điều này tôi thấy nghèn nghẹn! Và rồi khát khao thật nhiều, mong ước thật nhiều! Khát khao tôi và đồng nghiệp có thể yêu nghề, yêu người, yêu cuộc sống đến cạn lòng!

Chúng tôi không quá mong một sự thiện đãi mà chỉ mong ước một ngày nào đó đội ngũ nhà giáo có thể sống được với nghề … Để rồi vẫn có thể hãnh diện về nghề, để có thể sống trọn vẹn với nghề!

Nghề giáo không phải là sự lựa chọn ban đầu của tôi. Nhưng thật may mắn khi chập chững bước vào nghề, tôi nhận được sự dìu dắt, động viên của rất nhiều thầy cô giáo giàu kinh nghiệm.

Và cứ thế, các thầy cô cứ lặng lẽ truyền cho tôi tình yêu nghề nghiệp, tôi đón nhận sự chở che, sự yêu thương và dần trưởng thành.

Và cứ thế, tình yêu nghề giáo trong tôi đã được lấp đầy lúc nào không hay! Nay tôi cũng đang sẻ chia tình yêu ấy cùng các đồng nghiệp trẻ hơn, cùng học trò.

Tôi luôn luôn tin rằng, khi đủ duyên, đủ nhiệt tâm thì tình yêu nghề giáo vẫn cháy trong mỗi trái tim người cầm phấn! Và đặc biệt tin, khi giáo dục đủ chất, cuộc đời mỗi người sẽ khác và khi giáo dục đủ mạnh, Đất nước sẽ sang trang!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.