Cách yêu di sản của cậu học trò Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuấn Bình - cậu học trò Hà Nội - háo hức bước vào Xuân Quý Mão với sự chờ đón 'lì xì' đặc biệt ấy để có thể thỏa tình yêu di sản theo cách của mình.

Tuấn Bình bên bức tranh 'Cầu Doumer – Cầu Long Biên' đang được trưng bày tại triển lãm 'Cầu Doumer - Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử'. Ảnh: Bình Thanh
Tuấn Bình bên bức tranh 'Cầu Doumer – Cầu Long Biên' đang được trưng bày tại triển lãm 'Cầu Doumer - Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử'. Ảnh: Bình Thanh

“Món quà tuyệt vời nhất mà con muốn được bố mẹ mừng tuổi ngày Tết là những chuyến đi khám phá các công trình kiến trúc di sản. Còn gì thú vị hơn khi con được đi bộ và chụp hình dấu tích xưa trong niềm hân hoan Xuân về…”.

Tuấn Bình - cậu học trò Hà Nội - háo hức bước vào Xuân Quý Mão cùng sự chờ đón “lì xì” đặc biệt ấy để có thể thỏa tình yêu di sản theo cách của mình.

“Con chuột tìm thấy pho mát”

Trang sổ Tuấn Bình vẽ và ghi chép bằng tiếng Anh về tháp Bánh Ít. Ảnh: NVCC

Trang sổ Tuấn Bình vẽ và ghi chép bằng tiếng Anh về tháp Bánh Ít.

Ảnh: NVCC

Hiện đại trong cổ kính

- Nếu cái gì cũng trả lại và bảo tồn thì cũng không ổn, vẫn phải phát triển chứ, Tuấn Bình?

- Theo con, vẫn giữ cái cổ nhưng bên trong phải làm thế nào đây? Có thể là sự kết hợp truyền thống với hiện đại trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu bên ngoài còn bên trong có thể thay đổi thành những không gian trưng bày, showroom, homestay… Việc hiện đại hóa giữ nguyên cái bên ngoài để bắt nhịp với cuộc sống mà không phá vỡ cái cổ kính mà phải nằm trong đó, đáp ứng nhu cầu mới.

- Nhưng không thể cái gì cũng giữ mà nên chăng quy hoạch lại?

- Con cũng thấy phương án của con không khả thi đối với Hà Nội có cả một khu rộng trải dài từ các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng để phục hồi lại tất cả thì sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc không chỉ với Nhà nước mà với cả nhà dân. Hiện nay, trong một căn nhà cổ có hàng chục hộ sinh sống và họ cũng mưu sinh ngay tại đó. Con cũng bối rối, không biết nên làm thế nào…

Trong triển lãm “Cầu Doumer - Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử” (tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) đang mở cửa đón khách du Xuân có bức tranh “Cầu Doumer - Cầu Long Biên” của một học sinh lớp 10 Trường THPT Vinschool. Đó chính là tranh của Tuấn Bình, cậu học trò Hà Nội có niềm đam mê đặc biệt với kiến trúc di sản.

Dưới nét cọ của Tuấn Bình, cầu Long Biên hiện lên chỉ với một nhịp, không có bóng dáng hoạt động của con người và khá trầm mặc trong chiếc áo màu đen. Thế nhưng, nét trầm mặc ấy phần nào gợi cho người xem những phút giây hoài cổ về một cây cầu đã gắn đôi bờ sông Hồng suốt 120 năm và ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử quan trọng của Hà Nội và đất nước Việt Nam.

“Đây là một trong những bức tranh con vẽ về các công trình kiến trúc xưa, lúc phải ở nhà giãn cách vì Covid-19. Con vẽ cầu Long Biên bằng ấn tượng khi được nghe những câu chuyện lịch sử và niềm yêu mến vẻ đẹp dẫu xưa cũ nhưng luôn nổi bật trong sự riêng biệt của cây cầu”, rạng rỡ bên bó hoa hướng dương thay cho lời cảm ơn từ ban tổ chức triển lãm, Tuấn Bình cùng mẹ vui vẻ dẫn mở câu chuyện năm trước…

Ấy là một cuộc gặp gỡ tình cờ của chị Trần Tuyết Trang, mẹ Tuấn Bình, với bác Bruno Depale, kỹ sư kết cấu người Pháp, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào cuối năm 2020, dịp lớp Tuấn Bình đến đây tham quan.

Đang đứng bên ngoài chờ con, chị Trang đã khá bất ngờ khi thấy một người nước ngoài tiến đến giới thiệu là kỹ sư đến từ Pháp và đang tìm kiếm tư liệu về cầu Long Biên, tìm hiểu về nét văn hóa Việt Nam.

Chị cũng không ngờ cuộc gặp gỡ này không dừng lại ở đôi lần trao đổi mà được nối dài cho đến tận bây giờ và người giữ sợi dây liên kết ấy chính là Tuấn Bình với những bức tranh, bài vẽ gửi cho bác.

Nhưng sau đó, căn nhà nhỏ ấm cúng của gia đình giữa tĩnh lặng trong dịch Covid-19 vẫn rộn tiếng chuông cửa báo nhận những tấm bưu thiếp và sách đến từ Pháp.

Hóa ra, cậu con trai mê vẽ tranh của chị đã “tranh thủ” trò chuyện, thổ lộ niềm yêu thích của mình về các công trình kiến trúc cổ nên được bác gửi cho những bưu thiếp, con tem in ảnh các địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 để mà khám phá.

Những món quà không biên giới này là sự động viên khích lệ cho niềm đam mê di sản kiến trúc của Tuấn Bình. Cậu bé thường nâng niu, đặt từng tấm vào cuốn album rồi tìm kiếm câu chuyện về nó và vẽ.

Thế nên, trong bộ sưu tập của Tuấn Bình không chỉ có cầu Long Biên mà còn có Nhà thờ Lớn Hà Nội, Bảo tàng Maurice Long (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô), và nhiều địa danh khác.

Không chỉ thế, trong dịp sang Việt Nam cùng đồng nghiệp để khảo sát cầu Long Biên và phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về Phát triển Bền vững trong Kỹ thuật Xây dựng - ICSCE2022 do Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức, một ngày cuối tuần Tuấn Bình đã trở thành hướng dẫn viên giới thiệu với hai kỹ sư người Pháp này về những kiến trúc cổ của Hà thành.

Sau đó, chính bác đã gửi thư xin phép nghỉ học tới cô giáo chủ nhiệm của Tuấn Bình để cậu cùng tham dự cuộc gặp tại Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I, trong đó có lời yêu mến, động viên cậu bé kiên trì với đam mê.

“You and I are like two rats which have found a big part of cheese” (hai bác cháu như hai con chuột tìm thấy miếng pho mát to) - Đó là câu nói của bác Bruno với Tuấn Bình tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khiến tôi bật cười. Đó là sự hài hước và dí dỏm khi tìm thấy những tư liệu của những người có chung sở thích và niềm đam mê”, chị Tuyết Trang chia sẻ.

Tuấn Bình làm hướng dẫn viên cho bác Bruno Depale. Ảnh: NVCC

Tuấn Bình làm hướng dẫn viên cho bác Bruno Depale. Ảnh: NVCC

Ham đọc sách và khám phá

“Thấy con yêu thích di sản kiến trúc, chúng tôi luôn động viên, cổ vũ con bằng việc mua cho con những cuốn sách liên quan, lên kế hoạch đến nhiều vùng miền và cả nhà đi theo kế hoạch của con. Tuấn Bình có một album vài trăm tấm ảnh để so sánh cũ – mới. Khi đi chụp ảnh về con ghi lại trên máy tính.

Năm học lớp 6, nghe tin nhà thờ đức bà Paris bị cháy, Tuấn Bình liền vận động các bạn trong lớp quyên góp tiền ủng hộ và vẽ phương án khôi phục lại. Thế nhưng chúng tôi đã không ủng hộ vì nghĩ đây là dự án không khả thi. Hôm sau, tôi đọc được dòng chia sẻ trên Facebook của cô giáo về việc của con tôi mới nhận ra rằng không nên áp đặt mà cứ để con làm. Cuối cùng con quyên góp được ít tiền và muốn gửi sang Pháp. Tôi đã giúp con viết thư sang Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam với ý nghĩ động viên con là chính.

Nhưng thật bất ngờ khi Đại sứ quán Pháp đã mời con và các bạn đến. Ngay ở sảnh những bức tranh vẽ các phương án dựng mới lại nhà thờ Đức Bà Paris của Tuấn Bình được lồng khung kính và treo trang trọng. Một tờ hóa đơn từ đại sứ cũng được trao cho con và các bạn”, chị Trần Tuyết Trang chia sẻ về niềm đam mê với di sản của Tuấn Bình.

Đến giờ, chị Trang vẫn nhớ câu chuyện… “bực mình”: Ngày nhỏ, Tuấn Bình biếng ăn nên ngày nào bố mẹ cũng phải rong sang nhà bác hàng xóm để nghe tiếng chuông bính bong của chiếc đồng hồ cổ thì cậu bé mới chịu… há mồm.

Một dịp đi công tác, bố mua cho chiếc đồng hồ Big Ben, đó cũng là đồ chơi mà Tuấn Bình say mê suốt thời ấu thơ. Lớn hơn một chút, cậu chỉ thích đọc sách về lịch sử, kiến trúc di sản, nhất là cuốn “Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội” (1875 - 1945) của Viện Viễn Đông Bác cổ, Tuấn Bình đã đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi khi có tiết giới thiệu sách, Tuấn Bình liền kể cho cô giáo và các bạn nghe những cuốn sách ấy một cách say sưa…

Không chỉ yêu thích đọc sách di sản kiến trúc, cậu học trò này còn ưa… “xê dịch” để khám phá những di tích kiến trúc văn hóa, lịch sử. Ngày nhỏ còn lon ton theo chân bố mẹ nhưng đến khi học lớp 6, lớp 7 là Tuấn Bình trở thành người chỉ dẫn tin cậy.

Vào Bình Định, Tuấn Bình dành cả buổi để khám phá tháp Bánh Ít (tháp Bạc). Đi Hà Nam, Tuấn Bình tìm đến Vương cung thánh đường Sở Kiện (nhà thờ Kẻ Sở). Ở Thái Bình cậu cùng bố cuốc bộ cả quãng đường xa để thăm nhà thờ Chính Tòa lúc… 10 giờ đêm.

Sang Nam Định, cậu đến nhà thờ Đổ và còn gặp bác ngư dân nghe kể chuyện về lịch sử vùng đất cũng như mong ước sớm nhận được sự quan tâm trùng tu, tôn tạo. Thấy thế, Tuấn Bình liền bảo chắc chắn sau này sẽ làm ngành xây dựng và làm lại nhà thờ này.

Đó là câu chuyện của tương lai còn trong học kỳ vừa qua, Tuấn Bình và nhóm bạn đã hoàn thành một bài khảo sát, so sánh về ảnh hưởng của Thiên chúa giáo đến với kiến trúc Việt Nam khá thú vị.

Còn lần đi Đà Nẵng mới đây, Tuấn Bình đã dẫn cả nhà đến thành Điện Hải - một di tích ghi dấu những năm tháng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng nhân dân Đà Nẵng đánh giặc Pháp (1858 - 1860).

Tòa thành này dù nằm ở trung tâm thành phố và lọt thỏm trong những nhà cao tầng xung quanh nhưng Tuấn Bình vẫn tìm đến với sự quan tâm đặc biệt. Cũng dịp đó, khi vào Hội An Tuấn Bình một mình đạp xe vòng quanh phố cổ nổi tiếng này.

Cậu rất thích thú khi khám phá ra cách cẩu hàng khi gặp lụt của những thương gia xưa, ngắm nghía các hoa văn trên các cột nhà, xà ngang, phân biệt các họa tiết qua từng giai đoạn lịch sử và sự kết hợp của kiến trúc Pháp - Hoa trong những ngôi nhà đó.

Riêng với Hà Nội, sau những lần được bố “hộ tống”, mùa Hè 2022, lần đầu tiên Tuấn Bình được mẹ cho phép một mình lang thang phố. Mỗi chiều, khi nắng vừa nhạt, cậu học trò ấy rảo bước từ phố Hai Bà Trưng xuôi xuống Quán Sứ để qua nhà Me Tư Hồng rồi sang Thư viện Quốc gia, bốt Hàng Trống, tòa Khâm Sứ, nhà thờ Lớn, nhà cổ phố Chân Cầm, kem Thủy Tạ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đến một loạt nhà cổ ở phố Hàng Bạc, Nguyễn Quang Bích, nhà cổ Hoàng Thụy Chi…

Có khi cậu còn ghé nhà vườn ở phố Đinh Liệt, chợ Đồng Xuân, đường tàu… Đồng hành cùng cậu là chiếc iPad vừa để chỉ đường vừa để chụp lại hình ảnh những nơi mình qua. “Đến đâu con cũng được các cô bác ân cần hỏi han, mời uống nước và kể chuyện. Vì thế, trong lòng con thấy rất vui và đôi chân cũng bớt mỏi”, Tuấn Bình vừa kể vừa nhoẻn miệng cười.

Theo chị Tuyết Trang, mỗi năm, gia đình chị cố gắng đến một vài tỉnh, đi từ Tây Bắc xuôi về phương Nam. Tuấn Bình luôn là người lên kế hoạch điểm sẽ đến. “Nhiều khi con đưa chúng tôi đến điểm di tích rất mới lạ”, chị Trang chia sẻ.

Tuấn Bình thích thú so sánh một di sản kiến trúc thực tế và trong sách 'Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội'. Ảnh: Bruno Depale

Tuấn Bình thích thú so sánh một di sản kiến trúc thực tế và trong sách 'Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội'. Ảnh: Bruno Depale

Trân trọng lịch sử

Sau những chuyến đi, Tuấn Bình thường vẽ những công trình kiến trúc năm xưa theo góc nhìn của mình. Nhưng vì bận học và khá nhỏ con so với bạn đồng trang lứa nên mẹ thường hạn chế việc Tuấn Bình cầm cọ. Khi đó, cậu học trò này lại quay ra ghép và so sánh hình ảnh hôm nay với hình ảnh năm xưa trên những tấm bưu thiếp mà cậu được gửi tặng.

Chỉ tay vào tấm bưu thiếp có hình ảnh nhà thờ Bác Trạch (Thái Bình), Tuấn Bình bảo nhà thờ mới được xây khá đẹp nhưng vẫn không thể sánh với nhà thờ cũ. Hai tháp chuông vẫn được giữ nhưng bị khuất.

Với câu chuyện lăng mộ Hoàng Cao Khải và dãy nhà Me Tư Hồng ở Hà Nội bị lấn chiếm, xâm hại, Tuấn Bình bày tỏ sự không tán đồng. Theo Tuấn Bình, lịch sử là lịch sử và mỗi câu chuyện có giá trị khác nhau, không phải cứ xấu là xóa sạch.

“Ông Hoàng Cao Khải là Việt gian bán nước cầu vinh vậy tại sao không tiếp tục kể câu chuyện này để mọi người biết Việt gian là thế nào cũng như hiểu được vì sao ông ta bị dân oán giận để từ đó mỗi người có thể học hỏi điều gì đó từ lịch sử”, Tuấn Bình bày tỏ.

Cũng nhân đây, cậu học trò lớp 10 dẫn thêm trường hợp bức bích họa của Victor Tardieu ở Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày trước bị quét vôi trắng vì cho rằng đấy là chứng tích thực dân, liệu sinh viên có học tính xấu không? Nhưng theo Tuấn Bình, cần bỏ qua những gì liên quan đến chính trị, cứ chiêm ngưỡng và xét về mặt thẩm mỹ của bức bích họa được sáng tạo từ một họa sĩ rất yêu Việt Nam.

Từ góc nhìn ấy, Tuấn Bình mong muốn mỗi ngôi nhà cổ, điểm ghi dấu tích lịch sử được gìn giữ, khai thác để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ví như ngôi nhà cổ ở phố Chân Cầm trước bán bia nhếch nhác nhưng giờ tầng 2 đã được cải tạo thành quán café trông rất đẹp mắt. Cậu học trò lớp 10 đã cảm thấy rất vui khi bắt gặp những đổi thay tích cực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công nhân khai thác dưới hầm lò. Ảnh minh họa

Sập hầm lò, 3 công nhân tử vong

GD&TĐ - Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty than Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.