Chật vật nuôi dưỡng tình yêu di sản

GD&TĐ - Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là việc cần thiết. Tuy nhiên, làm sao để nghệ nhân nuôi dưỡng mãi tình yêu di sản mới là việc khó.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong chuyến làm việc với tỉnh Bắc Ninh - giao lưu với nghệ nhân dân ca Quan họ ngày 26/2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong chuyến làm việc với tỉnh Bắc Ninh - giao lưu với nghệ nhân dân ca Quan họ ngày 26/2.

Trong những ngày qua, giới nghệ nhân vui mừng trước thông tin 671 người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.

Cần ưu đãi đặc biệt

Hội đồng cấp Nhà nước đã xét 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, xét 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.

Có 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Cùng với đó là 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đạt từ 90% số phiếu thành viên đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu.

671 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu là những “báu vật nhân văn sống”. Họ là những nhân tố đã và đang nắm giữ, bảo vệ - trao truyền những giá trị tinh túy của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống.

Danh hiệu là liều thuốc tinh thần quý báu đối với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân cảm thấy tủi thân vì nhận danh hiệu mà lâm vào cảnh thất nghiệp. Lại có người vẫn phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, để giữ mãi tình yêu với di sản.

NSND Trần Minh Ngọc nói rằng, “báu vật nhân văn sống” luôn đứng trước nguy cơ mai một vì tuổi già. Trong khi đó, để có cơ chế đặc thù, mức lương cố định cho nghệ nhân yên tâm giảng dạy, truyền nghề thì còn là một hành trình dài.

Cuối tháng 2 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng đã gặp gỡ, chia sẻ với giới nghệ nhân.

Theo các nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh, ngày nay trước nhiều sức ép của kinh tế, xã hội. Quan họ cổ cũng phải đối mặt với một thách thức lớn là nguy cơ bị mai một, thậm chí có thể bị mất hẳn nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ lâu dài cho thế hệ trẻ.

“Tôi rất vui mừng vì được biết, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có dân ca Quan họ. Nhờ đó, các nghệ nhân dân ca Quan họ được quan tâm cả về chế độ, tinh thần. Đồng thời, tỉnh cũng đã đầu tư cơ sở vật chất để giúp bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân ca Quan họ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Như vậy, có thể thấy ngoài các chế độ theo quy định Nhà nước, mỗi địa phương đều có quyền ban hành các chính sách trong việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng quan tâm đến di sản, ưu đãi đặc biệt với các nghệ nhân như Bắc Ninh.

Cố Nghệ nhân Ưu tú Triệu Đình Hồng – người gắn bó với di sản múa Bồng làng Triều Khúc.
Cố Nghệ nhân Ưu tú Triệu Đình Hồng – người gắn bó với di sản múa Bồng làng Triều Khúc.

Chật vật sống để giữ di sản

“Hầu hết nghệ nhân không sống được bằng nghề, thường chỉ hoạt động vào dịp lễ hội trong năm. Vì vậy, dù được tôn vinh nhưng nhiều nghệ nhân tuổi cao vẫn đang phải vật lộn mưu sinh. Họ sẽ làm gì để sống và để truyền nghề? Đó là vấn đề nan giải cần sớm được tháo gỡ”. NNƯT Ngọc Đào

Bên cạnh niềm tự hào được tặng danh hiệu, vẫn còn không ít trăn trở khi đa phần các nghệ nhân tuổi đã cao, việc trao truyền di sản gặp nhiều khó khăn. Trong khi chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng với những công lao, cống hiến của họ.

Nghệ nhân Nhân dân Chu Chí Cang - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu xã An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội) theo chế độ nghỉ mất sức được hưởng khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Do đã có chế độ này, nên không thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp về hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị May, xã Đại Thành (Quốc Oai) cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, do không chứng minh được thu nhập hiện có thấp hơn mức lương cơ bản hiện hành. Điều này có nghĩa, ngoài số tiền 10 triệu đồng tặng kèm danh hiệu lĩnh từ năm 2015, suốt hơn 20 năm cống hiến cho chiếu chèo quê hương, bà không có thêm khoản hỗ trợ nào khác.

Cùng với những chật vật trong cuộc sống, nghệ nhân còn phải trải qua nhiều khó khăn để vừa nuôi dưỡng tình yêu di sản, vừa trao truyền cho thế hệ sau. Trong khi đó, đa số nghệ nhân thuộc thế hệ cao tuổi, không biết sẽ ra đi lúc nào. Đó chính là thách thức lớn trong công tác bảo tồn, khi chế độ ưu đãi còn rất mỏng – gần như chỉ mang tính động viên.

Trường hợp Nghệ nhân Ưu tú Triệu Đình Hồng, làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì) là một ví dụ. Với di sản múa Bồng nổi tiếng có từ thời Bố cái Đại vương Phùng Hưng, trải qua bao thế hệ trao truyền đến đời ông Hồng gần như là lớp người cuối cùng am hiểu về di sản này.

Thế nhưng, chế độ đãi ngộ dành cho nghệ nhân dường như chưa đủ sức để ghi nhận những cống hiến. Khi còn sống, ông Hồng dù khá khó khăn cũng chỉ dám mong địa phương quan tâm việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB múa Bồng. Năm 2021, ông Hồng qua đời nhưng may mắn là kịp trao truyền những điệu múa cổ truyền nổi tiếng nhất Thăng Long.

Theo GS.TS Tô Ngọc Thanh - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết, trước đây, ngoài phong tặng danh hiệu, hội còn sử dụng nguồn Quỹ Ford (Mỹ) để hỗ trợ. Tuy nhiên từ sau năm 2010 đến nay, nguồn tài trợ này không còn.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo việc hỗ trợ đối với nghệ nhân dân gian. Theo đó, những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ, dự kiến mức cao nhất là 1,1 triệu đồng/tháng, hỗ trợ BHYT, chi phí mai táng khi qua đời… Mong sao, quy định sớm đi vào cuộc sống để dộng viên tinh thần các nghệ nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ