Dạy học Ngữ văn: Tránh 'đồng phục' trong kiểm tra, đánh giá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên (GV) Ngữ văn sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình môn học để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp, theo đúng quy định. Đây được cho là chủ trương đúng đắn, giúp GV giải phóng tiềm năng sáng tạo.

Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Giải phóng tiềm năng sáng tạo

Giao quyền tự chủ cho các nhà trường và GV là chủ trương đúng đắn, tránh được sự “đồng phục” trong kiểm tra, đánh giá, tạo cơ hội cơ hội để mỗi GV có thể phát huy khả năng sáng tạo, xây dựng những đề kiểm tra phù hợp với điều kiện thực tế.

Khẳng định điều này, theo cô Nguyễn Ngọc Thuý, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), với môn Ngữ văn, khi giao quyền tự chủ, GV sẽ phải tư duy nhiều hơn trong lựa chọn ngữ liệu kiểm tra, thiết kế hệ thống câu hỏi/yêu cầu (ví dụ ngữ liệu được chọn phải đáp ứng những tiêu chí, yêu cầu của Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018); tạo ra cả động lực và áp lực để GV phải tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn; giúp GV cập nhật những vấn đề mới, mang “hơi thở” của cuộc sống, tạo hứng thú cho HS mà không phải lệ thuộc sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Ngọc Thuý khẳng định, tự chủ không có nghĩa là tùy tiện. Một trong những tính “mở” của Chương trình GDPT 2018 là chỉ quy định yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và tạo lập văn bản với mỗi thể loại hoặc loại hình văn bản. Ví dụ, một trong những yêu cầu của Chương trình Ngữ văn lớp 7 là HS phải đọc hiểu được truyện ngụ ngôn.

Khi kiểm tra, đánh giá, GV có thể lựa chọn bất cứ văn bản truyện ngụ ngôn nào làm ngữ liệu, sử dụng bất cứ loại câu hỏi nào, miễn là đánh giá được mức độ, khả năng đọc hiểu của HS. Để kiểm tra năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản theo thể loại hoặc loại hình, GV phải căn cứ vào Chương trình và những quy định về kiểm tra đánh giá trong Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT lựa chọn hình thức kiểm tra phù hợp với quy định.

Phần “cứng” là yêu cầu cần đạt của Chương trình và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Phần “mở” là sự linh hoạt, sáng tạo của GV khi lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá trên cơ sở bảo đảm đánh giá đúng nhất phẩm chất, năng lực HS.

Cô Trần Thị Kim Dung, GV Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP Pleiku, Gia Lai) đồng quan điểm khi đánh giá việc GV được chủ động sẽ giúp việc kiểm tra đánh giá Ngữ văn phù hợp với thực tế năng lực học tập của HS, cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, sắp xếp thời gian kiểm tra phù hợp với nhà trường.

GV tự chủ về chuyên môn, ở khía cạnh tích cực, sẽ phát huy được khả năng sáng tạo và có trách nhiệm của thầy cô trong việc ra đề, kiểm tra, đánh giá HS. Tuy nhiên, cô Trần Thị Kim Dung lưu ý, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khi được tự chủ chuyên môn, GV cũng cần được hỗ trợ, hướng dẫn, để tránh mò mẫm, làm việc theo ý chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Cần câu hỏi trắc nghiệm trong đề Ngữ văn?

Chia sẻ quan điểm cá nhân, thầy Hoàng Văn Chường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ), GV cốt cán Ngữ văn, từng tham gia xây dựng ma trận đề đặc tả của Bộ GD&ĐT năm 2021- thể hiện đồng tình với việc có phần câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề kiểm tra định kỳ Ngữ văn.

Tuy nhiên, câu hỏi trắc nghiệm chỉ nên dùng riêng cho phần Đọc hiểu và chủ yếu dành cho câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu. Về tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm hoàn toàn do thiết kế chủ động của các tổ, nhóm chuyên môn và GV; nhưng vẫn phải có sự thống nhất và bảo đảm tính khoa học. “Tỷ lệ điểm trắc nghiệm, theo tôi dao động khoảng từ 30 - 40% là phù hợp”.

Chia sẻ sâu thêm vì sao nên có câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Ngữ văn, thầy Hoàng Văn Chường đưa ra 3 lý do. Trước hết, từ trước đến nay, Ngữ văn là môn mà khi chấm bài, tính chủ quan của người chấm quá lớn, từ đó tính khách quan trong đánh giá chưa được bảo đảm như các môn học khác.

Trong khi đó, yêu cầu đánh giá trong Chương trình GDPT 2018 nêu rõ cần bảo đảm: Công bằng, chính xác, khách quan, toàn diện. Việc có câu hỏi trắc nghiệm góp phần khắc phục hạn chế này. Tiếp đó, hình thức trắc nghiệm khách quan là xu hướng đánh giá hiện đại chung của thế giới và các môn học khác đã đi trước một bước; môn Ngữ văn cũng nên cập nhật để đáp ứng xu hướng chung này. Đề kiểm tra Ngữ văn có câu hỏi trắc nghiệm không phải mới; việc này đã từng được triển khai bài bản ở Chương trình cũ (chương trình năm 2002).

Lý do cuối cùng thầy Hoàng Văn Chường đề cập đến là: Hiện nay, đề kiểm tra chỉ có ít câu tự luận, không phủ được kiến thức trong một giai đoạn (nửa kỳ, một kỳ, cả năm học…). Nhưng khi kiểm tra có câu hỏi trắc nghiệm, đề sẽ phủ được phạm vi kiến thức rộng, từ đó việc đánh giá sẽ toàn diện hơn.

Cô Nguyễn Ngọc Thuý cũng cho rằng, việc sử dụng dạng đề trắc nghiệm trong kiểm tra Ngữ văn là cần thiết, đặc biệt khi kiểm tra đọc - hiểu giúp kiểm tra được một cách hệ thống và toàn diện kiến thức, kỹ năng của HS, tránh được tình trạng học tủ, dạy tủ; phát huy phép loại trừ trong tư duy.

Lâu nay chỉ kiểm tra viết, mà viết - nhất là nghị luận văn học - thì dù có xây dựng tiêu chí chấm chặt chẽ đến mấy cũng không tránh khỏi cảm tính của người chấm. Thêm nữa, cứ nhìn những hội đồng chấm tự luận trong các kỳ chấm tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT thì sẽ thấy giáo viên khổ vô cùng vì phải tranh cãi về bài thi của thí sinh.

Tuy nhiên, mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá có những ưu, khuyết riêng, nên cô Nguyễn Ngọc Thuý đưa ra số lưu ý quan trọng: Căn cứ vào đặc trưng thể loại, yêu cầu cần đạt của chương trình để chọn ngữ liệu và đặt câu hỏi; câu hỏi cần tường minh, rõ lệnh, chỉ được hiểu theo một nghĩa - đó là nghĩa đen; chú trọng cách thức xây dựng các phương án nhiễu.

Đặc biệt GV cần trau dồi kiến thức, khả năng đọc - hiểu… để có thể đưa ra các đáp án chính xác nhất, không đánh đố và cũng không quá dễ để HS lựa chọn đáp án… “Tại Trường THCS Phan Chu Trinh, năm học vừa qua thầy cô đã sử dụng ngữ liệu ngoài, kết hợp hai hình thức kiểm tra và mang lại hiệu quả cao trong đánh giá HS” - cô Nguyễn Ngọc Thuý chia sẻ.

Cô Nguyễn Ngọc Thuý bày tỏ quan điểm: Một đề kiểm tra nên kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Phủ nhận trắc nghiệm là cực đoan, quá đề cao trắc nghiệm cũng là cực đoan. Vấn đề là phải kết hợp được mặt tích cực của hai loại hình câu hỏi. Bên cạnh đó, cần lưu ý xây dựng câu hỏi trắc nghiệm phù hợp với đặc thù môn Ngữ văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ