Tạo dựng thói quen gọn gàng, ngăn nắp ở trẻ:

Cách rèn thói quen dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp cho bé

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dạy trẻ có thói quen dọn dẹp đồ chơi được coi là một trong những kỹ năng nuôi dạy con mà phụ huynh nào cũng cần phải biết.

Cha mẹ có thể giúp trẻ hứng thú hơn với dọn dẹp thông qua trò chơi. Ảnh minh họa.
Cha mẹ có thể giúp trẻ hứng thú hơn với dọn dẹp thông qua trò chơi. Ảnh minh họa.

Để có thể cho trẻ học được tính gọn gàng, ngăn nắp thì đòi hỏi cần có sự kiên nhẫn, nhắc nhở, sự động viên và khích lệ của cha mẹ.

Thói quen vô tình ảnh hưởng xấu

Người lớn thường có những thói quen tưởng chừng như vô hại. Song, thực tế, những thói quen đó có thể ảnh hưởng không tốt tới trẻ. Một số hành động mà không ít phụ huynh thường làm là để trẻ ngủ dậy không gấp chăn màn, giường ngủ bề bộn. Hoặc, thậm chí khi đi làm về mệt quá, cha mẹ cũng để giày dép và túi xách không ngăn nắp. Những hành động này vô tình khiến trẻ nghĩ là đúng, bắt chước. Lâu dần sẽ trở thành thói quen xấu của trẻ khi lớn lên.

Trong khi đó, với trẻ em, khi chơi, các bé thường rất hiếu động. Chỉ trong thoáng chốc, trẻ sẽ biến những thứ đang gọn gàng thành một “bãi chiến trường” lộn xộn với đầy đồ chơi. Trẻ sẽ đem hết đồ chơi trên kệ hay trong rổ rồi mang rải ra khắp sàn nhà, đến nỗi không có một chỗ trống.

Khi xung quanh chỉ toàn là đồ chơi, nhiều trẻ thường tỏ ra vô cùng phấn khích và cảm thấy an toàn với “bãi chiến trường” đồ chơi.

Vì vậy, dạy trẻ biết dọn dẹp là gì có thể giúp các bé phát triển ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng. Đồng thời, giúp trẻ phát triển sự đánh giá cao đối với những thứ cha mẹ sở hữu và quan tâm. Khi đó, trẻ sẽ ít có xu hướng để đồ bẩn hoặc lộn xộn hơn. Bởi, các bé biết rằng, hành động của mình sẽ dẫn đến hậu quả.

Ngoài ra, việc dạy trẻ về các kỹ năng dọn dẹp ngay từ khi bé còn nhỏ có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh thông thường ở tuổi này, như hen suyễn hoặc bệnh về da.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Đinh Thị Phương Lan - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara - cho biết, dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng, khoa học là một kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mà cha mẹ cần lưu tâm. Điều này không chỉ đơn thuần do lười biếng hay không có kỹ năng dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc sao cho hợp lý, thuận tiện sử dụng nhất.

Thực tế, điều cha mẹ cần quan tâm đó là biến việc “gọn gàng, ngăn nắp trở thành thói quen cần xây dựng từ nhỏ ở trẻ”.

Đa phần những thói quen nhỏ của trẻ đều được hình thành dưới sự giám sát và khuyến khích của cha mẹ. Trong đó, tính cách gọn gàng, ngăn nắp cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, việc dạy trẻ dọn dẹp từ nhỏ giúp các bé tự lập, có trách nhiệm với bản thân, biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ. Ngoài ra, điều quan trọng mà cha mẹ nhận được, đó là có những đứa trẻ sở hữu kỹ năng cần thiết để bảo đảm cuộc sống độc lập của chúng sau này.

Việc dạy trẻ lên 5 cách dọn dẹp là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa.

Việc dạy trẻ lên 5 cách dọn dẹp là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa.

Dọn dẹp cho chính mình

Nữ giáo viên Phương Lan đã chia sẻ một số phương pháp để giúp trẻ biết gọn gàng, ngăn nắp ngay từ nhỏ. Trước hết, cha mẹ cần ra yêu cầu với con. Cha mẹ hãy làm cho con hiểu ngăn nắp, gọn gàng là một kỹ năng sống cần thiết đối với bất kỳ ai. Yêu cầu con phải tự dọn dẹp đồ chơi, quần áo và sắp xếp mọi thứ trong phòng của trẻ ngay lập tức.

Cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ hay cần thời gian để làm quen với việc dọn dẹp. Nếu từ lúc 2 tuổi, trẻ đã được cha mẹ yêu cầu “giúp đỡ” một số việc nhỏ trong nhà, 3 tuổi đã tự chọn đồ để mặc… thì việc bắt đầu tự dọn phòng vào lúc 5 tuổi là hoàn toàn bình thường. Điều đầu tiên trẻ cần hiểu đó là, con không phải đang dọn dẹp giúp cha mẹ. Thực tế, con đang làm việc của chính mình.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể thương lượng với trẻ khi cần thiết. Đặc biệt, trong những lần dọn dẹp đầu tiên của trẻ, phụ huynh nên giúp đỡ các bé. Đầu tiên, hãy giảm bớt khối lượng công việc của trẻ bằng cách cùng con lựa chọn đồ đạc cần thiết và loại bỏ những thứ không cần thiết trong phòng. Mẹ có thể thấy những con thú bông quá nhiều, hay món đồ chơi đã cũ, hỏng cần bỏ đi. Tuy nhiên, chưa chắc trẻ đã có suy nghĩ tương tự. Vì vậy, phụ huynh cần thương lượng với con về chuyện bỏ bớt đồ. Sau đó, hãy cho trẻ quyền quyết định sẽ giữ lại những món nào.

Công việc tiếp theo mà phụ huynh cần làm là hướng dẫn trẻ cách sắp xếp đồ dùng. Đối với các đồ cần thiết và thường dùng, con sẽ để ở những ngăn thấp trong tầm tay. Trong khi đó, những món ít dùng đến sẽ để trên ngăn cao. Ngoài ra, những món đồ mà cha mẹ cho rằng con cần được giám sát khi động vào cũng nên được để ở trên cao, xa hơn tầm với của trẻ. Nhờ đó, bảo đảm an toàn.

Đối với quần áo, cha mẹ nên dạy con cách phân loại trước khi đi giặt, gấp và cất vào tủ. Phụ huynh cũng lưu ý về những trang phục cần treo để giữ cho thẳng. Đối với đồ con hay dùng như ba lô, mũ, giày dép… cha mẹ sẽ cùng trẻ quy định chỗ để. Sau đó, yêu cầu trẻ nghiêm túc thực hiện.

Nếu con không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, cha mẹ cần nghiêm khắc yêu cầu trẻ làm lại. Qua đó, dần dần tạo thành thói quen tốt ở trẻ. Khi trẻ đã hiểu được ngăn nắp là kỹ năng sống cần thiết, thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Trẻ cần hiểu rằng, dọn dẹp là hành động con đang làm cho chính mình. Ảnh minh họa.

Trẻ cần hiểu rằng, dọn dẹp là hành động con đang làm cho chính mình. Ảnh minh họa.

Chị Phương Lan nhấn mạnh, cha mẹ cần là tấm gương để con làm theo. Không chỉ trong việc dọn dẹp, mà tất cả các kỹ năng khác cũng vậy. Thực tế, phụ huynh chỉ dạy được con mình khi bản thân gương mẫu. Thay vì việc bắt con ngồi nghe mình giảng giải hàng giờ, thì phụ huynh hãy hành động. Sau đó, làm mẫu và tốt hơn hết là cùng con thực hiện. Đó chính là cách tốt nhất để trẻ ghi nhớ và làm theo.

“Con sẽ chẳng bao giờ dọn dẹp gọn ghẽ phòng ngủ của mình nếu nhìn sang phòng của cha mẹ và thấy một đống rác trong đó. Sự ngăn nắp của cha mẹ sẽ tạo cho con suy nghĩ rằng, giữ cho mọi thứ đúng vị trí và sạch sẽ là điều đương nhiên. Ngoài ra, mỗi tuần gia đình nên tổ chức “tổng vệ sinh”, vào sáng thứ 7 chẳng hạn. Cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa rồi mới tiến hành những hoạt động giải trí cuối tuần khác”, nữ giáo viên chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhằm giúp trẻ hiểu rằng, gọn gàng ngăn nắp là một kỹ năng sống cần thiết, thay vì việc bắt ép con phải dọn dẹp phòng mỗi ngày, cha mẹ hãy để bé được làm chủ căn phòng của chính mình. Khi trẻ có ý thức trách nhiệm với căn phòng của riêng mình, dọn dẹp cũng là một cách thể hiện quyền sở hữu mà bé rất hào hứng.

Vài tháng một lần, mẹ có thể cùng con dọn dẹp với mục đích từ thiện. Cha mẹ cùng con chọn ra những món đồ chơi không hợp tuổi, hoặc bộ quần áo đã chật… để gửi tặng cơ sở từ thiện hoặc trại trẻ mồ côi. Chắc chắn đây là một việc đem lại rất nhiều lợi ích, giúp căn phòng đỡ chật chội. Đồng thời, dạy con về giá trị của việc cho đi.

Yếu tố cuối cùng là cha mẹ cần khen ngợi trẻ sau những cố gắng mà con đã làm được. Đó là điều vô cùng cần thiết để trẻ có thêm động lực hình thành những thói quen khác. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống hay khóa hè bán trú để con được rèn luyện tính gọn gàng ngăn nắp đúng cách nhất ngay từ nhỏ.

Theo các chuyên gia, phụ huynh cũng có thể rèn và dạy trẻ về việc dọn dẹp thông qua các trò chơi. Bởi, thế giới thú vị trong mắt của trẻ em là các trò chơi. Vì vậy, việc học và dạy trẻ qua các trò chơi được coi là cách làm vô cùng hiệu quả. Trẻ sẽ vừa được chơi vui, lại vừa được thực hành. Nhờ đó mà các thông điệp cha mẹ muốn truyền dạy trẻ cũng dễ được tiếp thu và nhớ lâu hơn.

Phụ huynh có thể tham khảo một số gợi ý để tạo ra các trò chơi và mời trẻ tham gia. Ví dụ, cha mẹ có thể tạo ra trò chơi “Xem ai nhanh hơn”. Khi đến giờ dọn dẹp, cha mẹ hãy thi đua với bé xem ai có thể dọn đồ nhanh hơn. Người nhanh hơn sẽ giành chiến thắng.

Hoặc, phụ huynh có thể tạo ra trò chơi “Ảo thuật”. Hãy biến việc cất đồ chơi thành những câu nói ảo thuật như: “Đồ chơi hãy được dọn dẹp và biến về chỗ cũ”. Sau đó, cất các món đồ chơi theo lời ảo thuật. Một trò chơi khác đó là Tạo “chọn món và đếm món để dọn”. Đây là trò chơi giúp trí não bé được vận động. Mẹ sẽ gọi tên đồ chơi và bé sẽ tìm món tương ứng để cất vào vị trí. Bé vừa cất đồ, vừa đếm số món đã cất được.

Phụ huynh cần lưu ý rằng, không nên chỉ dùng lời nói để dạy trẻ. Thay vào đó, phụ huynh còn cần cùng làm với trẻ. Sau đó, khéo léo chỉ dẫn để bé có thể tự làm. Hãy đưa ra gợi ý nhiều hơn là các câu lệnh. Phụ huynh nên khéo léo “cầm tay chỉ việc” cho trẻ chứ không nên quá áp đặt. Bởi, việc áp đặt có thể khiến trẻ rơi vào cảm giác bị gò ép.a

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ