Cách nhận biết khi trẻ "nghĩ quẩn"

GD&TĐ - Tuổi mới lớn là giai đoạn tâm lý “chông chênh” nhất mà ý định tự tử rất dễ ghé thăm. Cha mẹ, thầy cô cần có quan sát đúng mực để phát hiện và ngăn chặn suy nghĩ tiêu cực của trẻ.

Cha mẹ, thầy cô cần quan sát những biểu hiện của trẻ để phát hiện ra những thay đổi bất thường.
Cha mẹ, thầy cô cần quan sát những biểu hiện của trẻ để phát hiện ra những thay đổi bất thường.

Hiểu lầm tai hại về tự tử

Tự tử là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Theo Tổ chức Y thế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng một triệu người chết do tự tử.

Hàng loạt vụ tự tử của học sinh thời gian gần đây khiến dư luận đau lòng hơn bao giờ hết. Sự ra đi của các bạn trẻ đến từ nhiều nguyên nhân. Đôi khi chỉ vì chứng minh mình trong sạch, muốn đối phương ân hận, muốn thoát khỏi hoàn cảnh hay cuộc sống buồn tẻ và vô vị, áp lực…

Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chỉ ra nhóm tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất là từ 16 - 20. Nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12 - 15 nhưng hiện có xu hướng trẻ hóa. Những trường hợp đã tự tử thành công được thống kê chỉ là con số nhỏ và những người nung nấu ý tưởng tự sát nhiều hơn từ 20 - 50 lần.

Nhiều phụ huynh cho rằng, mình quan tâm con, nhưng không hề nhận biết được các nguy cơ, không thể ngăn chặn hành vi tự tử của con từ sớm.

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An (Thành phố Hồ Chí Minh), có khá nhiều hiểu lầm tai hại về tự tử đang tồn tại trong cộng đồng. Nhiều người cho rằng, tự tử là một hành động do kích động, không có kế hoạch nên không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn những vụ tử tự đều được suy nghĩ cẩn thận, có ý thức và lên kế hoạch một vài lần.

Nhiều người cho rằng, nói chuyện với trẻ về chuyện tự tử sẽ thúc đẩy tới tự tử thật. Thế nhưng, việc hỏi về cảm giác đó khiến người nghe được giải tỏa, cảm thấy được quan tâm, lắng nghe để họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc này một cách nghiêm túc. Vì thế, cha mẹ không nên trốn tránh mà căn cứ vào đó để phân tích, giúp con hiểu được và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống.

Phụ huynh cũng đừng cho rằng tự tử một lần không thành công thì sẽ không tự tử nữa. Ngược lại, đa phần những người tự tử thành công đều có những kế hoạch tự tử trước đó nhưng có sự can thiệp của gia đình, bạn bè nên chưa thành công hoặc có thể từ bỏ ý định.

“Với những câu chuyện đã và đang xảy ra tôi muốn nhấn mạnh rằng sự “bỏ mặc”, “không quan tâm” của cha mẹ cũng góp phần gây ra chấn thương tâm lý với các em. Chính vì những lý giải đó, phụ huynh cần quan sát, chú ý khi con có biểu hiện bệnh tâm lý trầm trọng, nhất là nhen nhóm ý định tự tử”, TS Đào Lê Hòa An nói.

Những dấu hiệu cần lưu ý

Theo chuyên gia, dấu hiệu cảnh báo là con trẻ có đôi lúc nói rằng: “Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu” hay “Chả có gì quan trọng cả!”, “Mọi việc đều vô ích thôi!” hoặc “Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói”...

Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý. Hoặc con tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm các hành động như để trả ơn người này người kia.

Trước đó là những dấu hiệu trầm cảm như thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ. Đồng thời trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật. Bên cạnh đó, trẻ có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà, cẩu thả trong cách ăn mặc, thay đổi cá tính một cách bất ngờ. Ngoài ra, trẻ có thể biểu hiện là thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học. Thậm chí, con còn hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi, mất hứng thú về những thú vui cá nhân.

Cha mẹ cũng cần lưu ý những dấu hiệu “cấp báo” như nói đùa sẽ chết, viết truyện viết thơ về cái chết, có những hành vi tự hủy hoại như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào người hay hành vi liều lĩnh như đua xe, bỏ phanh. Trẻ cũng có thể sẽ nói tạm biệt với gia đình, tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.

Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, những biểu hiện dễ thấy nhất chính là sự thay đổi thói quen. Trẻ dần mất hứng thú với hầu hết các sở thích hoặc các hoạt động mỗi ngày. Đó là thường xuyên thấy trẻ bỏ bữa, hoặc ăn không ngon. Dù không có ý định giảm hoặc tăng cân nhưng số cân cơ thể có sự thay đổi (quá 5%/tháng).

Trẻ có thể mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Có suy nghĩ, ý định, lên kế hoạch, hoặc thậm chí đã từng thử thực hiện hành vi tự tử nhiều lần... Những triệu chứng này cần được quan sát trong một thời gian khoảng 2 tuần và xuất hiện đồng thời, liên tục.

Phải mất một thời gian đủ dài, ý định tự tử mới “ngấm” đủ sâu và gây ra những hậu quả thương tâm. Do đó, người lớn tuyệt đối không được bỏ qua các tín hiệu thay đổi của con cái.

Cách hiệu quả nhất để bảo vệ người thân của bạn khỏi hành vi tự sát là chủ động nói chuyện, đề cập vấn đề một cách nghiêm túc khi phát hiện những biểu hiện bất thường. Trong mọi trường hợp, không nên đùa cợt, xem nhẹ hoặc phán xét.

Do đó, gia đình có thể học cách tiếp cận với con thông qua việc kết nối trên nền tảng số. Không cấm đoán hay can thiệp quá sâu mà giữ sự quan sát vừa phải.

Gia đình cũng có thể trò chuyện thêm với một số người bạn thân của con để nhận được những sự cảnh báo kịp thời. Hơn hết chính là việc trang bị kiến thức tự nhận diện cảm xúc cho học sinh.

Trong những tiết sinh hoạt, giáo viên có thể tìm hiểu và bổ sung cho học sinh những kiến thức để nhận biết lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó là việc thể hiện, bày tỏ, kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh khi nhận ra bản thân có những dấu hiệu bất thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ