Phụ đạo hè:

Cách nào nâng cao hiệu quả dạy phụ đạo?

GD&TĐ - Dù số lượng học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học không nhiều, nhưng hoạt động dạy phụ đạo vẫn được các trường chú trọng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đây là một nhiệm vụ của nhà trường để tăng cường chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh yếu, bỏ học.

Ông Võ Văn Thịnh (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế): Xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng học sinh

Kết thúc năm học 2022 - 2023, học sinh tiểu học toàn huyện Phú Vang được đánh giá Hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,3%; trong đó 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Số lượng học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học cần rèn luyện trong hè là 72/10.798 học sinh, tỷ lệ 0,7%. Trong đó, lớp 1 có 59 học sinh; số lượng này với lớp 2 là 10, lớp 3 là 1 học sinh và lớp 4 là 2 học sinh. Các em chủ yếu chưa hoàn thành kiến thức theo yêu cầu cần đạt của môn Toán, Tiếng Việt.

Nhằm giúp học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học tiếp tục được phụ đạo, củng cố, ôn tập và nâng cao kiến thức, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phụ đạo trong hè. Kế hoạch được xây dựng chi tiết với thời gian, thời lượng và kiến thức cụ thể cho từng học sinh. Tùy vào nội dung kiến thức chưa hoàn thành của từng em, giáo viên có nội dung phụ đạo phù hợp giúp học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của môn học.

Các nhà trường phân công giáo viên phụ trách là người địa phương với khoảng cách đi lại gần. Kinh phí hỗ trợ giáo viên phụ đạo từ nguồn ngân sách của nhà trường được cấp hằng năm, kết hợp với các nguồn xã hội hóa hợp pháp. Các trường học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trường, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và phụ huynh có con rèn luyện trong hè để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các em tích cực tham gia buổi phụ đạo do nhà trường tổ chức trong hè.

Sau thời gian rèn luyện, học sinh được kiểm tra lại nhằm đánh giá quá trình rèn luyện và năng lực, kiến thức. Nếu đáp ứng được yêu cầu của môn học, nhà trường sẽ đánh giá hoàn thành chương trình lớp học và trò được học lên lớp.

Ông Võ Văn Thịnh.

Ông Võ Văn Thịnh.

Thầy Vũ Hữu Bạo (Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thụy An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): Phụ đạo không chỉ trong hè

Năm học 2021 - 2022, cấp THCS của trường còn 11/165 học sinh thuộc diện phải kiểm tra lại. Sau quá trình học phụ đạo, kiểm tra lại, có 2/11 học sinh bị lưu ban. Lớp 6 tuyển sinh đầu cấp, qua xét tuyển đánh giá có từ 11 - 15/62 học sinh có nhận thức chậm, tư duy yếu.

Học sinh phải kiểm tra lại có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số em lười học, ngại học; khả năng nhận thức chậm, kiến thức ở một số môn bị hổng do thiếu sự quan tâm, giám sát từ gia đình.

Về phía phụ huynh, có trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, neo người, bố mẹ thường xuyên đi làm ăn xa; một số ít gia đình quá nuông chiều, bao bọc con cái; tư tưởng phó mặc cho nhà trường. Với nhà trường cũng có nguyên nhân từ đội ngũ còn thiếu, giáo viên phải dạy nhiều tiết, môn; số ít chưa thực sự linh hoạt thay đổi phương pháp để động viên học sinh có học lực yếu, lười học.

Để khắc phục thực trạng học sinh lưu ban, ngay từ trong năm học, nhà trường đã phát động giáo viên nhận đăng ký giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu. Rà soát phân loại, bám sát những em cần kèm cặp phụ đạo nhiều hơn. Phân công giáo viên có kinh nghiệm phụ đạo. Tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn phải xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém gồm: Nội dung, thời lượng, mức độ cần đạt… Nhà trường xây dựng thời khóa biểu tổ chức dạy 3 buổi/tuần, bảo đảm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh được 1 buổi/ tuần.

Trong các tiết dạy, giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên, lựa chọn những câu hỏi phù hợp, kiểm tra ở yêu cầu cần đạt; đánh giá cho điểm theo mức độ tiến bộ của học sinh. Thầy cô còn tạo các nhóm học tập, đôi bạn học tập để giúp đỡ học sinh yếu. Bên cạnh đó, liên đội nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để tất cả học sinh hợp tác, giao lưu, tạo niềm vui, động lực để trò yếu có cơ hội thể hiện thế mạnh của mình như bóng đá, văn nghệ, thể dục thể thao, hoặc năng lực khác.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi, động viên, hỗ trợ, miễn giảm kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học chưa tốt. Thông báo kịp thời tình hình học tập, rèn luyện của học sinh với cha mẹ để phối kết hợp giáo dục; nhất là ý thức chuyên cần, ý thức học tập, chuẩn bị bài ở nhà để các em tự tin hơn khi đến lớp.

Trong năm học và nghỉ hè, giáo viên vẫn có kế hoạch giao bài, giám sát việc thực hiện qua hệ thống OLM, Zalo để học sinh có ý thức hơn trong học tập; đồng thời nắm chắc, củng cố kiến thức, nhất là phần còn hổng, chưa rõ. Những giải pháp trên góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường ổn định và nâng lên; tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi; giảm số học sinh yếu, chưa đạt. Học sinh được giúp đỡ đã tự tin, biết cách học, kiến thức chắc chắn hơn, ít vi phạm nội quy.

Thầy Trần Gia Thảo (Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mường Típ 2, Kỳ Sơn, Nghệ An): Mở lớp tình nguyện hè tại thôn bản

Thầy Trần Gia Thảo.

Thầy Trần Gia Thảo.

Trường PTDTBT Tiểu học Mường Típ 2 đóng trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để đến trường, có học sinh phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ, số ít em còn vắng học, chưa hoàn thành môn học. Việc sàng lọc học sinh chưa hoàn thành các môn học được trường thực hiện trước khi nghỉ hè và thông báo đến phụ huynh. Hằng năm có khoảng 6 - 8 em thuộc diện này.

Để bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh chưa hoàn thành chương trình, để sau hè các em đủ điều kiện lên lớp, nhà trường chỉ đạo tổ khối và giáo viên chủ nhiệm lập đề cương hệ thống lại kiến thức các môn học, những nội dung trọng tâm, phù hợp nhận thức học sinh, nội dung dễ nhớ, cơ bản nhất.

Cùng với đó, kết hợp với đoàn xã và chi đoàn bản mở lớp tình nguyện hè dành cho học sinh chưa hoàn thành nội dung các môn học và tổ chức sinh hoạt hè để các em vui chơi nâng cao vốn tiếng Việt. Đặc biệt, sau nghỉ hè, học sinh trở lại trường nhưng chưa vào học chính khóa, nhà trường tổ chức lớp ôn tập củng cố kiến thức và kiểm tra lại để các em đủ điều kiện học lên các lớp trên.

Những giải pháp trên có hiệu quả rõ rệt, thể hiện ở số lượng học sinh ở lại lớp tương đối ít, góp phần nâng cao chất lượng học sinh trong thời gian hè cũng như cho năm học tiếp theo. Việc làm tốt công tác huy động sĩ số và chăm lo chất lượng học sinh, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè cũng là giải pháp giúp chất lượng học sinh nhà trường luôn đứng tốp đầu của huyện, dù thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.