Phụ đạo hè:

Vào mùa phụ đạo

GD&TĐ - Dịp nghỉ hè, nhiều trường học bắt tay vào phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém.

Giờ phụ đạo hè 2022 ở Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức).
Giờ phụ đạo hè 2022 ở Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức).

Hoạt động này nhằm giúp học trò bổ sung kiến thức, vững vàng khi bước vào năm học mới.

Nhà trường chủ động

Ngay sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Trường THCS Trần Quang Khải (Quận 12, TPHCM) tổ chức ôn tập cho học sinh các khối lớp 6, lớp 7 và 8 có học lực yếu, kém. Theo thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Thịnh, tổ chức ôn tập cho học sinh yếu, kém là giúp các em bổ sung kiến thức, đủ tự tin để vươn lên trong học tập. Vì vậy, trước khi kết thúc năm học 2022 - 2023, nhà trường đã lập danh sách từng em, thông tin đến phụ huynh để tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình đến lớp học “tiếp sức” trong hè.

“Theo danh sách thống kê các khối 6, 7 và 8 của Trường THCS Trần Quang Khải có 147/1.917 học sinh phải phụ đạo trong dịp hè năm nay. Nhà trường đã chia lớp theo từng bộ môn của khối, sau đó phân công giáo viên giảng dạy trong vòng 1 tháng, mỗi tuần 2 buổi. Trước đó, nhà trường cũng cho giáo viên đăng ký giảng dạy phụ đạo trong hè. Tất cả lớp học tiếp sức đều dạy miễn phí”, thầy Thịnh cho biết.

Tương tự, trong hè này, các trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng chủ động xây dựng kế hoạch hè, tập trung chủ yếu vào việc rèn luyện về hạnh kiểm và học lực của học sinh yếu. Đồng thời tận dụng thời gian để bồi dưỡng cho học sinh khi thay đổi lựa chọn môn học trong Chương trình GDPT 2018.

“Ngay sau khi tổng kết năm học, nhà trường chỉ đạo giáo viên tổ bộ môn, giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch ôn tập, đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh tạo điều kiện cho các em đến trường để rèn luyện học lực trong hè. Nhà trường cũng khuyến khích giáo viên xây dựng chương trình vừa ôn tập kết hợp trực tiếp, trực tuyến với hướng dẫn học sinh tự ôn tại nhà, giúp các em đủ kiến thức để đánh giá lại, vừa tạo điều kiện cho trò có thể tham gia các hoạt động trong thời gian này”, thầy Sở chia sẻ thêm.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang), kết thúc năm học, trường có 17 học sinh khối lớp 10 thuộc diện học sinh yếu, kém phải thực hiện kiểm tra lại. Do đó, nhà trường chủ động công tác rèn luyện kiến thức và tổ chức kiểm tra đánh giá lại cho các em sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10.

Còn tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), theo kế hoạch trong tháng 8 sẽ tổ chức phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém. Trước khi kết thúc năm học 2022 - 2023, ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch và giao giáo viên chủ nhiệm phổ biến tới các bậc phụ huynh về tình hình học tập của con em mình. Với những em chưa đạt, nhà trường đưa ra giải pháp phụ đạo trong hè. Trong quá trình phụ đạo, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ nỗ lực “dặm” lại tất cả kiến thức, kỹ năng mà trò còn yếu.

Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Những học sinh thuộc diện phải phụ đạo hè năm nay đa phần rơi vào các em diện hòa nhập. Do đó, giáo viên tận dụng dịp hè nỗ lực ôn tập để bù đắp kiến thức. Để đạt được kết quả như mong đợi, ngoài nỗ lực của giáo viên chủ nhiệm cũng cần sự phối hợp của phụ huynh trong việc sát sao, kèm cặp con em mình, có như vậy mới giúp các em vững vàng trước khi bước vào năm học mới”.

Học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tham quan trải nghiệm tại chùa Nam Nhã (quận Bình Thủy), nơi ở của chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ.

Học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tham quan trải nghiệm tại chùa Nam Nhã (quận Bình Thủy), nơi ở của chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ.

Chắc kiến thức, vững kỹ năng

Cuối tháng 5/2023, Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học từ tiểu học đến THPT trên địa bàn về việc tổ chức các hoạt động hè cho học sinh. Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị tất cả trường tuyệt đối không tổ chức ôn tập, dạy các nội dung liên quan đến chương trình học trong thời gian nghỉ hè, kể cả việc dạy chữ trước khi vào lớp 1. Các trường có thể tổ chức những lớp phụ đạo cho học sinh yếu, kém và không thu học phí.

Thầy Đinh Văn Thịnh cũng cho biết, đối với những lớp học hè đặc biệt này, trong quá trình ôn tập, giáo viên giảng chi tiết, cụ thể và luôn theo sát sức học của từng em. Đồng thời thường xuyên dò bài và cho học sinh làm dạng bài tập căn bản cũng như tìm hiểu nguyên nhân các em chưa hiểu bài, chưa làm được bài tập để có phương pháp dạy phù hợp. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích học sinh không thuộc diện phụ đạo đăng ký học chứ không nhất định phải là học sinh yếu.

Tại TP Cần Thơ, trước dịp nghỉ hè hằng năm, Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều đều chủ động kế hoạch hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có thể hỗ trợ học sinh bằng tổ chức giữ trẻ trong hè. Ngoài việc tổ chức ăn bán trú, trường tổ chức ôn tập kiến thức cũ và bồi dưỡng kỹ năng, hoạt động năng khiếu cho học sinh.

Thông tin từ ông Võ Hồng Lam, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, “phòng lưu ý các trường khi tổ chức giữ trẻ trong hè, không tập trung hết vào nội dung kiến thức mà chỉ dành 2 tiết vào buổi sáng để ôn tập, rèn luyện kiến thức cũ còn lại là thời gian hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng năng khiếu và kỹ năng phù hợp với năng lực cá nhân học sinh. Cùng với đó, phòng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch ôn cho phù hợp, đảm bảo giáo viên và học sinh đều được nghỉ, tham gia các hoạt động vui chơi, câu lạc bộ… trong kỳ nghỉ hè”, ông Lam nhấn mạnh.

“Với những em học trong dịp hè, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh từ công tác thông tin lịch học đến nhắc nhở con em mình ôn tập ở nhà để kết thúc đợt phụ đạo các em tiến bộ, nỗ lực vươn lên trong học tập”, thầy Thịnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.