Để kéo học trò đến lớp phụ đạo, thầy cô linh động nhiều giải pháp, trong đó có cả việc đến tận nhà học sinh vận động, lên rẫy giao bài, thậm chí đón trò về nhà.
Đón trò về nhà
Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) có một học sinh chưa đạt chuẩn môn Tiếng Việt. Để trò đáp ứng yêu cầu chương trình đề ra, trong thời gian nghỉ hè, cô Lầu Thị Sua, giáo viên chủ nhiệm, đề xuất nhà trường và phụ huynh hai phương án: Một là cô đón trò về nhà giảng dạy từ 1/6 đến hết tháng 8. Phương án 2 của cô Sua, đầu tháng 8 sẽ vận động học sinh lên trường, cô trò cùng nhau học. Ngay sau khi nhận được đề xuất, ban giám hiệu nhà trường, cô Sua, gia đình đã bàn và thống nhất để cô Sua đón học sinh về nhà giảng dạy.
Chia sẻ về lý do xin đón học sinh về nhà kèm cặp, cô Sua nói: “Em học môn Toán rất tốt, tuy nhiên môn Tiếng Việt chưa đọc thông, viết thạo. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã thay đổi phương pháp nhưng em vẫn chậm tiến bộ. Do đó lần phụ đạo này, tôi nghĩ phải thay đổi môi trường học, cho em được giao tiếp nhiều với tiếng phổ thông. Vì vậy, tôi quyết định đón em về nhà phụ đạo trong mấy tháng hè để cuối tháng 8, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá lại”.
Sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình học trò, cô Sua cũng tâm sự với người thân trong gia đình. Rất may, cô được chồng ủng hộ việc đón trò về nhà. “Chồng nói về đây có gì ăn nấy, miễn sao cô trò học với nhau vui vẻ, tiến bộ là được. Nhà trường cũng ủng hộ gạo để nuôi trò trong thời gian em học ở nhà tôi”, cô Sua tâm sự.
Học sinh được cô Lầu Thị Sua đón về nhà chăm sóc và dạy phụ đạo trong thời gian nghỉ hè. Ảnh NVCC |
Thầy Ngô Văn Hồi, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông, cho biết: “Trong thời gian học, cô sẽ hỗ trợ ăn, ở miễn phí, đây cũng là hình thức linh động trong phụ đạo hè. Học sinh chưa đạt chuẩn môn Tiếng Việt vì vậy khi thay đổi môi trường học, được giao tiếp nhiều bằng Tiếng Việt cộng thêm sự quan tâm, đồng hành của cô giáo, hy vọng sẽ giúp em tiến bộ”.
Cũng giống như Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông, Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) năm nay có 2 học sinh chưa đạt chuẩn. Theo đó, sau khi tổng kết năm học, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã họp lại để lên kế hoạch phụ đạo cho hai học sinh này trong thời gian nghỉ hè.
Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Xuân, hai em chưa đạt chuẩn là học sinh lớp 1, môn Tiếng Việt. Do đó để phụ đạo cho các em, giáo viên chủ nhiệm đã giao bài tập; hướng dẫn phụ huynh kèm cặp tại nhà. Hằng tuần, cô giáo sẽ liên lạc với gia đình để kiểm tra bài, dạy lại những phần các em chưa hiểu. Đầu tháng 8, nhà trường tổ chức lớp dạy phụ đạo tại trường, cuối tháng sẽ kiểm tra, đánh giá lại học sinh.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh NVCC |
Không để nước đến chân mới nhảy
Nhiều năm nay, để giảm tình trạng học sinh không đạt chuẩn, Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông đã tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại, có phương pháp, kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng học trò. Song song với đó, hằng tháng, các tổ chuyên môn, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả dạy, học của cô và trò; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thống kê những học sinh yếu, đưa kế hoạch giảng dạy, phụ đạo cho các em nhằm cải thiện tình trạng học tập.
“Bên cạnh đó, trường cũng đảm nhiệm công tác giảng dạy lớp xóa mù chữ. Vì vậy, tôi khuyến khích giáo viên giảng dạy ở các lớp xóa mù vận động học sinh sắp vào lớp 1 tham gia để được tăng cường tiếng Việt. Thầy cô đồng thời dạy cách cầm bút, bảng chữ cái. Được giao tiếp, trao đổi bằng tiếng Việt nhiều hơn, nhờ vậy mà nhiều năm trở lại đây, nhà trường giảm được số học sinh không đạt chuẩn sau mỗi năm học”, thầy Ngô Văn Hồi trao đổi.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên), năm học 2022 - 2023 toàn huyện có hơn 16 nghìn học sinh phổ thông, sau khi đánh giá xếp loại, kết hợp với kết quả khảo sát chất lượng cuối năm, huyện có 10 học sinh tiểu học phải rèn luyện thêm trong hè.
Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch phụ đạo cho các em bằng nhiều hình thức như: Giao phiếu học tập, phối hợp với phụ huynh, học kèm theo nhóm bạn cùng dân cư, học sinh đến trường ôn luyện (ưu tiên bố trí giáo viên tình nguyện dạy phụ đạo trong hè, trường bố trí nghỉ phép cho giáo viên đảm bảo chế độ trong năm học)… Kết thúc nghỉ hè, các trường bố trí thời gian ôn tập củng cố cho học sinh và tổ chức kiểm tra lại (có giám sát của phòng GD&ĐT). Nếu các em đạt được yêu cầu thì xét lên lớp theo quy định.
Ông Đỗ Văn Sơn cũng cho biết thêm, để nâng cao chất lượng, ngăn ngừa tình trạng học kém, lưu ban, học sinh chưa đạt yêu cầu một số môn học, ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường phân loại học sinh. Quá trình phân loại, nhà trường phải căn cứ kết quả của năm học trước, khảo sát đầu năm và kết hợp việc dạy học hằng ngày trên lớp.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các trường thiết kế bài giảng phù hợp với từng nhóm học sinh; xây dựng nhóm học tập như: “Đôi bạn đến trường”; “đôi bạn cùng tiến”; tạo môi trường học tập thân thiện, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập, phát triển thế mạnh bản thân.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức chương trình phụ đạo, bồi dưỡng, hoạt động giao lưu để trò tham gia, tạo môi trường học tập tự nhiên. Phối hợp cùng gia đình để động viên khuyến khích trẻ tự giác học; giáo viên thường xuyên quan tâm giúp đỡ học sinh trong học tập, vui chơi để tiến bộ toàn diện”, ông Sơn cho biết.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Trong thời gian nghỉ hè, sở chỉ đạo các trường tổ chức một số hoạt động rèn luyện kỹ năng cần thiết cho trẻ. Cùng với đó, học sinh có học lực yếu, kém được tham gia lớp phụ đạo. Kết thúc kỳ nghỉ, các trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại xem học sinh đó đạt chuẩn để lên lớp chưa; việc phụ đạo này hoàn toàn miễn phí. Sở cũng lưu ý các trường học không được tổ chức dạy thêm trong thời gian nghỉ hè”.