Trước thực trạng trên, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Chất lượng dạy học môn Tiếng Anh thấp
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, việc dạy ngoại ngữ (NN) trong trường học chủ yếu là tiếng Anh. Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng lộ trình dạy học các môn NN khác bắt đầu từ năm 2026 đối với lớp 3.
Năm học 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 2.584 giáo viên tiếng Anh. Trong đó, cấp tiểu học là 936; THCS là 1.080 và THPT là 568 giáo viên. Theo số liệu khảo sát năm 2017, số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ, năng lực NN các cấp, gồm: Cấp tiểu học đạt 89,62%; cấp THCS đạt 70,9% và cấp THPT đạt 34,45%. Khảo sát năm 2019, số lượng giáo viên đạt trình độ năng lực NN theo yêu cầu Bộ GD&ĐT toàn tỉnh mới đạt 44,8%. Đến năm 2022, tỉnh có 1.057 giáo viên tiếng Anh tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học NN so với nhu cầu thực tế vẫn còn thiếu, không đạt chuẩn quy định, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy và học NN.
“Hầu hết các trường tiểu học, THCS không có phòng học tiếng chuyên dụng để dạy NN. Một số đơn vị còn thiếu cả phương tiện cần thiết, tối thiểu phục vụ dạy và học NN theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các điều kiện phục vụ dạy học tương tác, như: Thiết bị đa phương tiện, phần mềm phục vụ dạy học tương tác chưa được đầu tư tại các trường học”, ông Thức nói.
Cũng theo ông Thức, mặc dù chất lượng dạy học NN đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn phân hóa cao giữa chất lượng mũi nhọn và đại trà. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy, điểm trung bình môn của tỉnh Thanh Hóa ở mức thấp (4,51điểm) - đứng thứ 47 so với cả nước. Năm học 2021 - 2022 tăng 5 bậc so với năm học 2020 - 2021 và tăng 6 bậc so với năm học 2017 - 2028. Theo kết quả khảo sát đầu ra đối với lớp 12 năm học 2022 - 2023, điểm trung bình môn lớp 12 mới đạt 5,58 điểm.
“Nhìn chung, chất lượng dạy và học NN của tỉnh còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước. Phong trào học tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi phát triển chậm so với huyện miền xuôi của tỉnh”, ông Thức thông tin và cho rằng: Nguyên nhân của việc dạy và học NN chưa đáp ứng yêu cầu, đó là hầu hết người dạy, người học nhìn nhận NN là một môn kiến thức, không phải môn học ngôn ngữ cần quá trình thực hành, tập luyện để đạt được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.
Việc dạy và học NN vẫn chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học, mà ít quan tâm đến việc sử dụng như một công cụ giao tiếp, làm việc. Ở một số xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của việc học NN còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tiếng Anh thiếu về số lượng (hơn 350 giáo viên ở 3 cấp học). Riêng các trường THPT khu vực miền núi cơ bản đều thiếu giáo viên tiếng Anh. Năng lực của đội ngũ cũng hạn chế. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu trong Quyết định 3475 của UBND tỉnh, mới ở mức 26,27%.
Ngoài ra, khả năng nghe, nói, giao tiếp, sử dụng NN của giáo viên trong quá trình giảng dạy không đạt hiệu quả. Nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao, chưa có nhiều cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng của chuyên gia có kinh nghiệm ở trong nước, ngoài nước...
Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa về vấn đề thiếu giáo viên Ngoại ngữ. |
Tăng cường tuyển dụng, biệt phái
Trước thực trạng trên, ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định, HĐND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở GD&ĐT, Nội vụ, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, gồm: Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học.
HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo sở Nội vụ phối hợp với sở GD&ĐT khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với cấp tiểu học; Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với cấp THCS; Âm Nhạc, Mỹ thuật đối với cấp THPT.
Tiếp tục thực hiện biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, triển khai dạy liên môn, liên cấp, liên trường ở những nơi có điều kiện. Hợp đồng lao động với số giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm...
Về các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học NN trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc dạy, học NN, bao gồm tiếng Anh và các môn NN khác.
“Phấn đấu đến năm học 2025 - 2026, bố trí đủ giáo viên dạy học NN cho tất cả cấp học, nhất là huyện miền núi. Trước mắt, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng giáo viên NN, thực hiện biệt phái giáo viên tiếng Anh (THPT) từ miền xuôi lên miền núi để giảm thiểu tình trạng thiếu giáo viên NN khu vực miền núi”, ông Hưng thông tin.
Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học NN. Bảo đảm 100% giáo viên dạy NN đạt chuẩn trình độ theo quy định; 100% giáo viên đạt trình độ năng lực NN theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bố trí, sắp xếp công tác khác hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với giáo viên không đạt yêu cầu theo quy định.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho bộ môn NN. Chỉ đạo Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt kế hoạch đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng của các trường trên địa bàn tỉnh…
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận trách nhiệm khi năng lực NN của đội ngũ giáo viên tiếng Anh sau khảo sát có kết quả đạt thấp. Theo ông Thức, sở GD&ĐT chưa làm tốt công tác phối hợp với cơ sở để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Đối với công tác tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học NN, sở GD&ĐT triển khai còn chậm, chưa đúng tiến độ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học NN của sở chưa kịp thời, dẫn đến chất lượng dạy học môn Tiếng Anh thấp, tạo điểm nóng trong dư luận xã hội...