Chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới: Giải “bài toán” thiếu giáo viên ngoại ngữ ra sao?

GD&TĐ - Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 - 5 trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt ở vùng cao, khó khăn đang để lại nhiều nỗi lo về chất lượng dạy học khi thời điểm thực hiện CTGDPT mới đang đến gần. Để tháo gỡ dứt điểm, đòi hỏi các địa phương sớm tìm ra cách khắc phục mang tính bền vững, lâu dài.

Thiếu giáo viên ngoại ngữ đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương.	Ảnh: Đức Trí
Thiếu giáo viên ngoại ngữ đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương. Ảnh: Đức Trí

Thách thức nhìn từ trường vùng khó

Giáo viên (GV) là một trong những khâu quan trọng nhất để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ môn Tiếng Anh cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Tuy nhiên, tình trạng thiếu GV ở nhiều địa phương, nhà trường hiện nay chắc chắn sẽ khiến quá trình đổi mới giáo dục, thực hiện CTGDPT mới gặp khó khăn.

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý, Mường Lát – Thanh Hóa cho biết: Năm học này trường đã tuyển đủ GV văn hóa nhưng GV ngoại ngữ vẫn thiếu nên việc dạy và học chưa đáp ứng đủ số tiết học cho HS toàn trường.

Với môn học này, trường phải khắc phục bằng cách giảm tiết học, cho HS học dồn lớp, dồn điểm trường; dồn thời gian học (1 - 2 tuần HS mới học môn Tiếng Anh). Thậm chí vào những thời điểm khó khăn, việc học tiếng Anh của HS còn bị ngắt quãng theo kiểu năm nay học, năm sau thôi, sang năm tiếp lại học... Thiếu GV đang là nguyên nhân chính tác động đến chất lượng dạy học ngoại ngữ hiện nay của trường.

Thầy Tùng cho biết: Trước năm học mới, BGH luôn chủ động nắm bắt số lượng HS, GV thiếu để lập kế hoạch và gửi lên huyện xin cấp ngân sách bổ sung ký hợp đồng thêm. Tuy nhiên, với kinh phí 3 triệu đồng/tháng cho GV hợp đồng, việc tìm được GV đã khó càng thêm khó bởi kinh phí thấp.

“GV hợp đồng công tác ở vùng cao, vùng khó phải đảm nhiệm nhiệm vụ gần như một GV được biên chế. Số tiết dạy dày đặc, đường sá di chuyển giữa các điểm trường để đảm đương các tiết học lại xa xôi. Với số lương đó, họ gần như không đủ chi trả cho cuộc sống. Trong khi đó, các nghề khác tuy chỉ là lao động thời vụ, lao động tự do, hoặc công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp… cũng có mức lương “ăn đứt”. Vì vậy, nhiều SV chuyên ngành Tiếng Anh thậm chí cả GV tiếng Anh chấp nhận bỏ nghề, làm trái ngành nghề để đảm bảo cuộc sống”. Thấy Tùng phân trần.

Thầy Bùi Quang Hòa – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn huyện Quản Bạ, Hà Giang cũng chia sẻ: Toàn trường có 23 lớp học với 433 HS; có 4 điểm trường lẻ, 1 điểm trường chính… thế nhưng chỉ có duy nhất 1 GV tiếng Anh. Nhiều năm qua, việc dạy và học tiếng Anh ở trường mang tính chất “cho đủ” chứ việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vẫn là “mong muốn”.

 BGH nhà trường đã nỗ lực hợp đồng thêm GV tiếng Anh để tăng cường số lượng, bảo đảm chất lượng dạy học ngoại ngữ; tuy nhiên nguồn tuyển GV gần như không có. Số GV tốt nghiệp chuyên ngành đã ít, bên cạnh đó mức lương hợp đồng hạn hẹp càng không thể thu hút được GV chuyên ngành Tiếng Anh từ dưới xuôi lên vùng cao công tác. 
Thầy Hòa khẳng định.

Có thể thấy, thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt ở những vùng cao, khó khăn đã trở nên phổ biến. Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nhìn thẳng vào thực tế: Toàn huyện có 33 trường học với khoảng 16.361 HS. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu

CTGDPT mới thì số lượng GV môn Tiếng Anh cũng thiếu trầm trọng. Cả ngành GD - ĐT Vân Hồ có 7 GV tiếng Anh. Như vậy, việc bổ sung hàng chục GV ở môn này trong thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới không dễ dàng và phải có sự vào cuộc của các cấp ngành khác với những giải pháp chiến lược, bền vững.

Tăng cường cơ sở vật chất cho dạy học ngoại ngữ. Ảnh: T.G
 Tăng cường cơ sở vật chất cho dạy học ngoại ngữ. Ảnh: T.G

Lời giải nào cho “bài toán” thiếu GV?

Báo cáo từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk năm học qua cho thấy tình trạng thừa thiếu cục bộ GV ở một số trường học, địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Tình trạng thiếu GV tiếng Anh và một số bộ môn khác chưa được tháo gỡ bởi thiếu chỉ tiêu biên chế.

Một số trường học đã hợp đồng GV để thực hiện chương trình tiếng Anh nhưng lại không được bổ sung kinh phí hợp đồng hoặc không có cơ chế cho phép huy động các khoản thu hỗ trợ ngân sách. Chính vì vậy, các trường gặp nhiều khó khăn trong phát triển đội ngũ và phát triển quy mô lớp học, HS học tiếng Anh ở cấp tiểu học.

Thầy Bùi Quang Hòa cho biết: Tuy thiếu GV tiếng Anh nhưng vẫn phải nâng cao tỉ lệ HS lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh nên nhà trường đã nỗ lực thực hiện tốt Đề án 84 của UBND tỉnh về việc sáp nhập điểm trường, chuyển HS tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính. Cùng đó, tham mưu cho cấp trên đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ các phòng học, điều kiện dạy học cho GV và HS.

Đặc biệt, trường tạo điều kiện cho GV tiếng Anh bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm chắc kiến thức để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 cũng như chuẩn nghề nghiệp GV tiếng Anh tiểu học. Tổ chức cho GV đi thăm lớp dự giờ, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của các đồng nghiệp ở các đơn vị trường trong xã, huyện để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy được tốt hơn…

Tuy nhiên, thầy Hòa cũng thẳng thắn cho rằng, để đáp ứng tốt việc dạy và học tiếng Anh theo yêu cầu CTGDPT, vấn đề cơ bản vẫn là đội ngũ GV tiếng Anh đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Mà điều đó cần có sự vào cuộc tháo gỡ từ các cấp chính quyền địa phương. Chỉ các nhà trường, tích cực tháo gỡ thì chưa đủ.

Thầy Lê Quang Tùng chia sẻ thực tế tháo gỡ khó khăn: GV ngoại ngữ nói riêng và GV bộ môn nói chung đã ký hợp đồng với trường đa số là GV trẻ mới ra trường. Họ có nhiệt huyết, muốn học hỏi, đang chờ việc... nhưng lại thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Song nhà trường vẫn phải chấp nhận hợp đồng để bảo đảm về số lượng GV giảng dạy trong bối cảnh không có “đầu ra” để tuyển. Mặt khác, chấp nhận thêm nhiệm vụ bồi dưỡng GV trong quá trình công tác, giúp đỡ GV về nhà ở công vụ, động viên về tinh thần để GV yên tâm ở lại trường...

Rõ ràng, để bảo đảm đội ngũ GV ngoại ngữ cho các trường vùng sâu, khó khăn, các địa phương cần bảo đảm về biên chế, chế độ đãi ngộ… Không thể mãi “ăn đong” trong vấn đề số lượng và chất lượng đội ngũ GV ngoại ngữ khi môn học này trở thành bắt buộc trong quá trình triển khai CTGDPT mới.

Bổ sung vị trí việc làm GV môn Tin học và Tiếng Anh; Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc dạy và học 2 buổi/ngày; Bồi dưỡng đội ngũ GV… là hàng loạt các điều kiện mà địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi thực hiện CTGDPT mới. Để được như vậy, ngành GD - ĐT và các ban ngành mỗi địa phương cần chủ động, tích cực và linh hoạt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.