Đồng bộ các giải pháp về hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Công tác hướng nghiệp cho học sinh tại Phú Thọ có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ HS học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng dần qua từng năm.

Trường THCS Phú Lộc phân công đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, kinh nghiệm để xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức tư vấn nghề phù hợp.
Trường THCS Phú Lộc phân công đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, kinh nghiệm để xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức tư vấn nghề phù hợp.

Giải pháp từ nhiều phía

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là hoạt động cần thiết nhằm giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và của địa phương, từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế.

Thực hiện Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành, các đơn vị có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2799/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

Tập trung cho công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể trong năm học, xem đây các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm. Phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD&ĐT đã kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em cựu học sinh thành đạt, các doanh nghiệp, doanh nhân cùng tham gia tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, giúp các em hình thành ý thức về nghề nghiệp và lựa chọn các ngành học phù hợp với năng lực học tập và nguyện vọng của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình. 100% đơn vị trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định, đồng thời phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Kết quả, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Trong tổng số 19.625 học sinh THCS tốt nghiệp năm học 2020 - 2021 có 3.645 học sinh vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX, chiếm 18,57%. Tỉ lệ học sinh sau THCS tham gia học trình độ trung cấp, bổ túc văn hóa THPT gắn với học nghề được tăng lên. Quy mô học sinh học văn hóa cấp THPT kết hợp học trung cấp cũng có xu hướng tăng.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lộc, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết, nhà trường luôn chú trọng đến công tác giáo dục nghề nghiệp cho các em, góp phần phân luồng học sinh sau THCS một cách hiệu quả. Những em có học lực tốt sẽ tiếp tục bước vào cánh cửa THPT, thậm chí cao đẳng, đại học; ngược lại sẽ được định hướng vào các cơ sở dạy nghề. Qua tuyên truyền, vận động, nhà trường đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh trong việc giúp con em chọn nghề phù hợp theo khả năng của mình.

Kết quả, học sinh của nhà trường tốt nghiệp THCS học THPT và học nghề trong năm học 2020- 2021 là 126 (94%); trong năm học 2021- 2022 là 148 (94,3%). Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề trong năm học 2020- 2021 là 30 em (22,4%); Năm học 2021- 2022 là 23 em (chiếm 14,6%).

Trường THCS Phú Lộc luôn chú trọng đến công tác hướng nghiệp cho học sinh

Trường THCS Phú Lộc luôn chú trọng đến công tác hướng nghiệp cho học sinh

Tạo đột phá

Mặc dù đã chú trọng quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu song công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn khá nhiều thách thức. Nhiều phụ huynh còn tâm lý nặng nề việc mong muốn con phải học THPT sau THCS, không muốn con đi học nghề cho dù năng lực học sinh không đáp ứng. Một bộ phận phụ huynh cũng còn băn khoăn về hiệu quả sau đào tạo của các trường nghề: về chất lượng đào tạo cũng như công việc sau đào tạo. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng sau tốt nghiệp của một số trường học, một số cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa thực sự sâu rộng, còn nhiều hạn chế và mang tính hình thức…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự quan tâm phối hợp của các cấp, ngành. Tiếp tục triển khai các quy định, chính sách khuyến khích đối với học sinh tham gia học nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…

Cô giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lộc đánh giá: Chúng tôi đã đúc rút kinh nghiệm sau nhiều năm tổ chức giáo dục công tác hướng nghiệp cho học sinh, đó là phải đánh giá và cho học sinh tự đánh giá năng lực của bản thân chính xác. Đồng thời, phân công đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, có kinh nghiệm để xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức tư vấn nghề phù hợp. Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong việc phối hợp thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, việc mời được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để tuyên truyền sẽ giúp học sinh có nhận thức đầy đủ và quyết định đúng đắn để lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.