Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ tâm lý vào lớp 1

GD&TĐ - Sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt và môi trường học tập là một trong những khó khăn chính của trẻ khi bước vào lớp 1.

Cha mẹ cần đồng hành với con vượt qua tâm lý thiếu tự tin, lo lắng khi vào lớp 1.
Cha mẹ cần đồng hành với con vượt qua tâm lý thiếu tự tin, lo lắng khi vào lớp 1.

Trước khi con vào lớp 1, bố mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý vững vàng cho con.

Dễ gặp khó trong môi trường mới

Khoảnh khắc bước vào lớp 1 vô cùng quan trọng với trẻ. Rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho con trước bước ngoặt này.

Theo cô Phạm Thị Huế - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao (Hà Nội), trẻ bước vào lớp 1 sẽ gặp 3 khó khăn chính. Đầu tiên là sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt. Từ việc ngồi ở trường mầm non với bàn ghế sặc sỡ sắc màu, sắp xếp tự do, con phải ngồi bàn gỗ ngăn nắp, chỉ được học mà không có khoảng không gian chơi. Nhiều trẻ thấy việc ngồi bàn học ngay ngắn thực sự ngột ngạt, bí bách.

Khó khăn thứ hai đến từ thay đổi hoạt động trí tuệ từ tư duy trực quan bằng hình ảnh sang tư duy trừu tượng. Điều đó khiến rất nhiều trẻ sợ học, sợ sách vở và đôi khi cảm thấy áp lực.

Khó khăn thứ ba là sự thay đổi trong quan hệ giao tiếp. Ở mầm non cô giáo xưng cô - con, dạy trẻ thường kèm theo cưng nựng, chăm sóc trẻ là chính. Ở lớp 1, nhiệm vụ của cô là hoàn thành mục tiêu giáo dục nhà trường đề ra cho nên nhiều trẻ cảm thấy e ngại, sợ cô giáo.

Không còn là những hoạt động vui chơi như chương trình mầm non, giờ đây, các em sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học một cách nghiêm túc và kỷ luật nhất. Điều này cũng đòi hỏi các em phải có sự thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của các hoạt động diễn ra trong ngày.

Hơn nữa, đối với một số bé đã quen với sự chăm sóc của cha mẹ hay các cô giáo mầm non, các em sẽ gặp khó khăn khi phải thay đổi môi trường sinh hoạt mới, nơi các giáo viên sẽ dành phần lớn sự quan tâm cho việc học tập của các em. Áp lực về thành tích học tập cũng sẽ là một trong những vấn đề mà các em học sinh lớp 1 phải sớm làm quen.

“Chính những thay đổi về mặt tâm sinh lý cũng như một số áp lực vô hình đã khiến cho các em có cảm giác hoang mang, lo sợ khi biết mình sắp vào lớp 1. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý cũng như sự can thiệp kịp thời của cha mẹ, con sẽ dễ gặp trở ngại trong một môi trường hoàn toàn mới này”, cô Huế bày tỏ.

Ngoài ra, theo cô Phạm Thị Huế, một số trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học rơi vào hội chứng sợ trường lớp đa phần do sợ phải xa cách cha mẹ, sợ không an toàn. Và cũng vì thế mà không ít các trường hợp đang ngồi học thì nhớ mẹ và khóc hoặc khi thấy bố mẹ đến đón, cứ thế ôm cặp, vừa chạy về vừa chào cô mặc dù chưa tan học.

Bên cạnh đó, còn một số khó khăn khác nữa trong quan hệ với thầy cô giáo và bạn bè mà nhiều học sinh lớp 1 thường mắc phải.

Điều đáng nói là những khó khăn đó có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng, thái độ và kết quả học tập của các con. Vì vậy, việc chuẩn bị để giảm bớt những khó khăn cho trẻ trong thời gian đầu lớp 1 không phải chỉ là việc chọn trường, lớp hay cho trẻ làm quen với đọc và viết, mà các bậc phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý cho con.

Đặc biệt, việc giáo dục nề nếp, phương pháp học tập cho con rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến kết quả học tập trước mắt và lâu dài. Hơn thế, khi đã thành nếp, thành thói quen thì rất khó thay đổi.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Chuẩn bị tâm lý chuyển cấp

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao, chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ. Đây là khoảng thời gian trẻ phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức. Đồng thời, là điểm khởi đầu cho việc học tập có chủ đích.

Sự khởi đầu thành công ở trường học có mối liên hệ chặt chẽ với kết quả học tập và nhận thức xã hội trong tương lai của trẻ. Những trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này sẽ có tác động lâu dài đến khả năng thích nghi đối với sự thay đổi của con.

“Việc chuẩn bị cho trẻ mầm non vào tiểu học là đảm bảo sự chuyển tiếp, liên thông giữa mầm non và tiểu học, đòi hỏi cả 3 đối tượng phải luôn sẵn sàng là trẻ mầm non sẵn sàng, nhà trường - giáo viên sẵn sàng, gia đình sẵn sàng”, cô Huế nói.

Cũng theo cô Huế, điều tuyệt vời và đúng đắn nhất cha mẹ cần chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 chính là tâm thế thoải mái trước khi bước vào môi trường mới, khích lệ con học tập qua việc tạo động lực cho trẻ. Bên cạnh đó là giúp con vượt qua những khó khăn về tâm lý.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao ba mẹ cần thực hiện một số công tác tư tưởng theo cách dễ tiếp thu nhất trước khi con chính thức bắt đầu hành trình của mình. Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng ở độ tuổi này, người lớn chính là những người cộng sự tuyệt vời giúp con vượt qua mọi rào cản. Vì vậy, hãy làm hậu phương hẫu thuận cho con về tất cả mọi mặt.

Cô Phạm Thị Huế cho rằng, muốn giúp con vượt qua tâm lý sợ hãi, nhút nhát thì hãy trở thành một người bạn luôn kề vai sát cánh bên con trên mỗi bước hành trình con đi và cũng cần tôn trọng quyền riêng tư của con. Lắng nghe mọi câu chuyện của con và cùng con trao đổi, thảo luận nếu đó là điều làm con thắc mắc hoặc nghi vấn.

Cha mẹ cũng cần khơi gợi sự yêu thích đối với việc học trong con, hạn chế việc trách mắng nếu trẻ không làm bài tốt hay đạt điểm kém trong học tập. Đồng thời, trao đổi thật chi tiết với con về những hành trang mà cả gia đình cần chuẩn bị để con vào lớp 1 tốt nhất.

Nếu được, hãy dành thời gian để đưa con tham quan trường tiểu học mà con sẽ được học. Giới thiệu với con về những không gian học tập, các môn học tại trường, những hoạt động hiện có của trường,…

Ngoài ra, cha mẹ cần điều chỉnh thời gian của các hoạt động hàng ngày của con như ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng cách. Giúp con tìm những nhóm bạn có cùng sở thích để con dễ dàng làm quen và bắt nhịp với bạn bè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ