Bổ sung kỹ năng mềm cho trẻ trước khi vào lớp 1

GD&TĐ - Sự thay đổi về môi trường, thời gian và đối tượng tiếp xúc sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ khi bước vào lớp 1.

Bố mẹ cần kiên trì trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa
Bố mẹ cần kiên trì trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa

Do đó, cha mẹ cần “bỏ túi” những kỹ năng để đồng hành cùng con trong giai đoạn này.

Những chuyện dở khóc dở cười

Chị Nguyễn Thu Huyền (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, những ngày đầu con vào lớp 1 buồn bã, khóc lóc, chưa quen trường lớp và cách học mới khiến cha mẹ căng thẳng theo.

“Con nhút nhát và không muốn nói chuyện với bạn mới. Ngày nào về bé cũng khóc và đòi quay lại trường mầm non học. Cả nhà động viên, đưa ra nhiều cách, thậm chí chiều theo những ý thích của trẻ mà con sáng nào cũng không chịu đến trường”, chị Huyền nói.

Anh Đỗ Thành Đạt (cán bộ ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, hồi con anh vào lớp 1, cháu thường sợ các bạn cán bộ lớp. Bởi ở mầm non chưa có khái niệm này. Vì thế, mỗi lẫn nhìn thấy lớp trưởng, tổ trưởng đều sợ đến nỗi không nói được gì. Khi các bạn đến tận nơi thu bài còn run làm rơi sách vở. Chưa kể đến việc mấy ngày đầu, con còn đi nhầm vào lớp khác học…

Phụ huynh khác chia sẻ về việc học, mỗi lần ngồi kèm con làm bài là “điên đầu”. Dạy mãi con không hiểu, viết chữ không đúng cỡ, học Toán cũng chẳng đâu vào đâu. Mỗi ngày là cuộc chiến “dễ thế mà sao không làm được”…

Chuyên gia cho rằng, trước khi con vào tiểu học, hãy chuẩn bị không chỉ cho trẻ tâm lý vững vàng mà ngay cả người lớn. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), cho biết, có rất nhiều cha mẹ vì không chuẩn bị trước những kỹ năng cơ bản cho con nên khi vào tiểu học, cả gia đình đều “khủng hoảng”, thậm chí theo dây chuyền.

Có phụ huynh sốt sắng vì con không chịu học, không viết đẹp, không học được kiến thức mới. Có người lo lắng vì con không thích nghi được môi trường mới, nhút nhát, thiếu tự tin… Vì thế, cần nắm bắt xem con mình còn thiếu hay yếu ở đâu thì “bổ sung” ở đó.

Cô Loan lấy ví dụ, biết con hay e ngại, không bạo dạn thì cần giúp trẻ thích nghi với sự thay đổi. Ban đầu hãy kể cho con nghe về ngôi trường mới, nơi có nhiều bạn bè, thầy cô và hoạt động học tập, vui chơi thú vị. Bố mẹ có thể đưa con đến thăm trường, cho bé làm quen với không gian, phòng học, khu vui chơi và thầy, cô giáo.

Ngoài ra, cha mẹ hãy “cùng con học lớp 1”. Mỗi ngày đi học, hãy quan tâm cảm xúc của trẻ khi đón con như “Ở trường hôm nay có gì vui? Điều gì làm con thích thú”… Không mắng trẻ khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập mà nên tìm hiểu nguyên nhân và khích lệ để giúp trẻ học tốt hơn.

Tăng cường kỹ năng mềm

Theo cô Nguyễn Thị Loan, giai đoạn tiền tiểu học, cha mẹ nên chuẩn bị cho con những kỹ năng cơ bản, sự tự lập và khả năng chăm sóc bản thân. Có như vậy, trẻ mới không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm khi ở trường. Giữ trật tự trong lớp học cũng là một trong những kỹ năng trẻ cần được trang bị khi bước chân vào lớp 1. Để trẻ sớm có thói quen này, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khen phạt khi con học tập hay sinh hoạt tại nhà.

Phụ huynh cũng cần nói ra lý do vì sao trẻ phải giữ trật tự trong lớp học để tránh ảnh hưởng đến việc học của mình và của bạn bè. Không chỉ trong phạm vi lớp học, trẻ cũng cần được khuyến khích giữ im lặng tại một số nơi trang trọng như các buổi chào cờ hay các buổi lễ quan trọng.

Khi còn học mầm non, trẻ được bố mẹ hỗ trợ trong hầu hết hoạt động nhưng vào tiểu học bắt đầu phải tự lập. Thế nên, gia đình cần tập cho con các kỹ năng tự phục vụ, bảo vệ bản thân và giao tiếp trong tập thể.

“Kỹ năng tự phục vụ là quan trọng hàng đầu ở lớp 1, thể hiện trẻ đã có sự tiến bộ vượt bậc về ý thức so với lứa tuổi mầm non. Ngay từ khi 4 - 6 tuổi, bố mẹ hãy cho con tự làm các công việc trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống sạch sẽ. Đó là tự xúc ăn, cất dọn khay sau khi ăn, tự biết rót nước và uống khi khát, lấy vừa đủ nước và đổ nước thừa sau khi uống, tự vệ sinh cá nhân, biết rửa tay trước và sau khi ăn, biết sử dụng nhà vệ sinh”, cô Loan nói.

Trẻ cần biết cách cảm nhận cơ thể và báo với người lớn khi không khỏe. Các con cũng cần được hướng dẫn cách cởi và mặc áo, đi giày thành thạo ở nhà. Ở môi trường nào, trẻ cũng có thể gặp những nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, bố mẹ hãy trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ, khi bị người khác tấn công. Bên cạnh đó là cách giải quyết vấn đề, tìm kiếm sự trợ giúp trong những hoàn cảnh nguy hiểm, cách thoát hiểm khi có cháy, bị kẹt trong thang máy hay bỏ quên trên ô tô…

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen chào hỏi lễ phép với người lớn tuổi cũng như cách kết bạn bạn mới. Bởi làm quen và kết bạn cũng là kỹ năng cần thiết khi con bước vào lớp 1. Khi được trau dồi kỹ năng này từ sớm, con sẽ không gặp nhiều trở ngại trong việc bắt chuyện với người mới cũng như tự tin hơn để mở rộng mối quan hệ với các bạn ngoài lớp.

“Đối với trẻ chưa tập trung trong việc học, bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình áp đặt cho trẻ. Sự kỳ vọng quá lớn của các vị phụ huynh vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số học tập của con khi con học lớp 1 cũng là một áp lực lớn làm cho trẻ chán học”, cô Nguyễn Thị Loan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ