Điều tuyệt vời và đúng đắn nhất cha mẹ cần chuẩn bị để trẻ vào lớp 1 không bỡ ngỡ, để con vui tới lớp chính là tâm thế thoải mái trước khi bước vào môi trường mới, khích lệ con học tập qua việc tạo động lực.
Khó khăn của trẻ
Mỗi một hành trình đều cần có những hành trang thiết yếu. Bước vào lớp 1 được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như vậy.
Nhiều phụ huynh đã đặt ra câu hỏi về việc liệu mình có thể làm gì để giúp trẻ có một hành trang tốt bước vào trường học? Bà Phan Hường - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống Cara chia sẻ, sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt và môi trường học tập là một trong những khó khăn chính của trẻ khi bước vào lớp 1. Vì vậy, bố mẹ nào cũng cần phải chuẩn bị hành trang cho con.
“Khoảnh khắc bước vào lớp 1 vô cùng quan trọng với trẻ. Rất nhiều phụ huynh quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho con trước bước ngoặt này”, bà Hường chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, một số bố mẹ cho rằng, trẻ 6 tuổi đã phát triển bộ não (khoảng 90%) và thể chất khá tương đối. Do đó, họ để con tự nhiên vào lớp 1 mà không có sự can thiệp, chuẩn bị gì. Trái lại, có những phụ huynh hoang mang, không tin các con có thể đọc, viết, tính toán thành thạo trong 15 - 30 tuần ở trường. Do đó, họ chọn cách cho trẻ đi học trước (từ 5 tháng thậm chí 1 năm) và nghĩ rằng, đó là sự chuẩn bị cho khởi đầu chắc chắn, bền vững nhất.
Những phụ huynh còn lại cho rằng, chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 là chuẩn bị cách thức, phương hướng tư duy và tâm thế.
Bà Phan Hường cho biết, trẻ bước vào lớp 1 sẽ gặp một số khó khăn. Trước hết là sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt. Ở trường mầm non, trẻ được ngồi bàn ghế sặc sỡ, sắp xếp tự do. Vào lớp 1, trẻ phải ngồi bàn gỗ ngăn nắp, chỉ được học, không được chơi. Đặc biệt, một số trẻ không thể tìm thấy nhà vệ sinh ở trường học mới. Hoặc, trẻ e ngại, lo sợ không dám tự đi vệ sinh một mình.
Một khó khăn khác đến từ thay đổi hoạt động trí tuệ từ tư duy trực quan bằng hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (bậc tiểu học). Điều đó khiến rất nhiều trẻ sợ học, sợ sách vở. Ngoài ra, trẻ cũng phải đối mặt với sự thay đổi trong quan hệ giao tiếp. Ở mầm non, cô giáo xưng cô - con, dạy trẻ nhưng cưng nựng, chăm sóc là chính. Trong khi đó, ở lớp 1, nhiệm vụ của cô là hoàn thành mục tiêu giáo dục nhà trường đề ra. Vì vậy, nhiều trẻ cảm thấy e ngại, sợ cô giáo.
Phụ huynh cần khích lệ, tạo động lực cho trẻ. Ảnh minh hoạ. |
Tạo tâm thế thoải mái
“Điều tuyệt vời và đúng đắn nhất cha mẹ cần chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1 chính là tâm thế thoải mái trước khi bước vào môi trường mới, khích lệ con học tập qua việc tạo động lực cho trẻ”, bà Phan Hường cho biết. Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho trẻ tâm thế vui vẻ. Bởi, đó là sự xuất phát tốt nhất. Nếu ngay từ đầu trẻ đã sợ, con sẽ không học tốt được. Ngược lại, nếu khiến trẻ vui, con sẽ muốn học, tiếp nhận kiến thức và có kết quả tốt.
Bà Phan Hường dẫn chứng, theo tâm lý học ứng dụng, bộ não con người có 3 phần: Não người - đại não (chuyên xử lý các vấn đề ngôn ngữ, tính toán, logic, sáng tạo); não thú (xử lý cảm xúc); não bò sát (phản xạ không điều kiện). Thông tin được tiếp nhận sẽ đi qua não thú đầu tiên. Não thú như một cái van. Nếu thông tin tiêu cực, não thú sẽ khóa năng lượng lại không cho đi lên đại não. Đó là lý do khi cha mẹ quát, trách phạt, trẻ sẽ phản ứng tiêu cực thay vì nghe lời và hợp tác.
Ngược lại, nếu cha mẹ nhẹ nhàng, động viên thì thông tin tích cực được não thú mở ra. Từ đó, đưa lên não người, giúp trẻ nhận thức, tính toán, logic. Khi đó, trẻ sẽ hợp tác, học tiến bộ.
“Bởi vậy, muốn phát huy bộ não, muốn trẻ học tập, cha mẹ phải chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, tích cực, an toàn cho trẻ. Lưu ý thêm, bố mẹ không cần quá lo lắng nếu con vào lớp 1 nhưng viết chưa đẹp, học Toán chưa giỏi. Đó là điều rất bình thường”, nữ giáo viên chia sẻ.
Bà Phan Hường giải thích, mỗi đứa trẻ đều có 9 loại hình thông minh. Tuy nhiên, chỉ số của loại thông minh ở mỗi đứa trẻ là không giống nhau. Có trẻ nói nhiều (thông minh ngôn ngữ), vẽ giỏi (thông minh không gian). Hoặc, có trẻ giỏi Toán (thông minh logic), thích nghịch ngợm chạy nhảy (thông minh vận động)… Mỗi đứa trẻ thông minh theo cách của mình. Vì vậy, cha mẹ không nên so sánh con mình với trẻ khác.
“Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, đồng hành cùng con sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với dạy con. Bí quyết để đồng hành, trang bị hành trang cho con vào lớp 1 là thấu hiểu. Muốn thấu hiểu con thì trước hết phải tạo thiện cảm. Muốn tạo thiện cảm với con, bố mẹ nên lưu ý: Cười với con, khen ngợi, khích lệ chúng, hỏi trẻ nhiều hơn và lắng nghe trẻ”, bà Hường chia sẻ.
Do đó, phụ huynh cần là người đồng hành cùng con, tạo động lực tự nhiên. Nhờ đó, giúp trẻ học tốt, nuôi dưỡng đam mê; Đồng thời, để con được vui vẻ và muốn khám phá tri thức.
Ngoài ra, theo bà Hường, để chuẩn bị tốt hành trang cho con vào lớp 1, phụ huynh cần phát triển kỹ năng sống cho trẻ ngay từ ban đầu.
Bố mẹ có thể cho con tham gia vào các khóa trại hè bán trú, chương trình... Khi đó, trẻ sẽ có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn cùng lứa, phát triển tốt các kỹ năng cần thiết.
Trẻ phải đối mặt với nhiều thay đổi khi lên lớp 1. Ảnh minh hoạ. |
Kỹ năng cần thiết
Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), vào đầu năm học, không ít phụ huynh đưa trẻ đến khám tâm lý. Bởi, khi vào học lớp 1, những trẻ này bị nhận xét là lăng xăng, kém tập trung, ít làm theo yêu cầu, chậm tiếp thu…
Chuyên gia này cho biết, đa số mọi người đều cho rằng, độ tuổi thích hợp để bé đi nhà trẻ là từ khoảng 3 tuổi. Bởi, ba năm học ở trường mẫu giáo sẽ giúp trẻ học được các kỹ năng quan trọng như lắng nghe người khác, giúp đỡ lẫn nhau… Tiếp xúc với những đứa trẻ cùng độ tuổi có thể giúp trẻ giao tiếp tốt hơn.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ có những nền tảng cơ bản nhất của việc học đọc và viết. Trẻ sẽ được học những kiến thức cơ bản về bảng chữ cái, đếm số và các kỹ năng khác như cách ngồi yên, chờ đợi, lắng nghe.
Trẻ đi học mầm non cũng được làm quen với môi trường học đường. Nhờ đó, trẻ sẽ biết được những gì xảy ra trong lớp học. Điều này giúp trẻ dễ làm quen với việc đi học khi lớn lên. Trẻ được học các kỹ năng phù hợp với từng độ tuổi như rửa tay, đánh răng, dọn đồ chơi, tự xúc ăn, mặc quần áo… Từ đó, giúp trẻ phát triển tính tự lập. Vì vậy, khi vào lớp 1, trẻ sẽ không phải lãng phí thời gian để thích nghi với những đứa trẻ khác, môi trường học mới.
Theo bà Thuý Trinh, trước khi vào lớp 1, trẻ cần nói rõ, không ngọng; biết kể một câu chuyện đơn giản với những câu đầy đủ mà không bị sai cấu trúc văn phạm. Trẻ cũng cần nói được họ tên, tuổi, ngày sinh, địa chỉ nhà, số điện thoại bố mẹ.
Về mặt nhận thức, trẻ cần biết đếm tối thiểu 10 đồ vật, vẽ hình một người với tối thiểu 6 bộ phận, viết vài chữ cái hoặc số. Ngoài ra, bé cũng cần biết thực hiện một số hoạt động thể chất như: Đứng trên một bàn chân tối thiểu 10 giây, hảy lò cò, có thể tự tắm, tự lập hoàn toàn việc đi vệ sinh.
Bà Thuý Trinh khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa phát triển hành vi và các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp bé có một trong những dấu hiệu bất thường. Trong đó, bao gồm không bày tỏ nhiều cảm xúc, có hành vi thái quá (quá sợ hãi, hung hăng, nhút nhát hoặc buồn bã), dễ xao nhãng, khó tập trung vào một sinh hoạt hơn 5 phút. Hoặc, trẻ không đáp ứng với người khác, không thể nói điều gì thật và giả vờ, không tham gia những trò chơi và sinh hoạt đa dạng...
Một số dấu hiệu bất thường khác cũng có thể là: Không nói được họ tên, tuổi; Không dùng số nhiều hoặc thì quá khứ một cách phù hợp; Không nói về những sinh hoạt hoặc kinh nghiệm hằng ngày; Không vẽ hình; Không thể đánh răng, rửa và lau khô bàn tay, cởi quần áo; Mất các kỹ năng đã đạt được
“6 năm đầu đời là khoảng thời gian vàng để cha mẹ đầu tư cho con. Làm cha mẹ thật không dễ dàng, bởi chúng ta không chỉ yêu thương và chăm sóc, mà phải yêu thương và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, để giúp trẻ lớn lên một cách lành mạnh, cha mẹ cần có một số kỹ năng như: Nuôi dưỡng, hướng dẫn, bảo vệ, chia sẻ và làm gương cho trẻ. Đồng thời, dành thời gian cho trẻ, nâng cao nhận thức bản thân để giáo dục con và tìm sự giúp đỡ khi cần. Đó là một trong những kỹ năng cha mẹ cần có để giúp con khởi đầu cuộc sống tốt nhất”, bà Thuý Trinh chia sẻ.