Phụ huynh dường như không thể đoán được khi nào trẻ sẽ có hành động gây mất tập trung trong lúc lái xe. Vì vậy, điều quan trọng là phải có những biện pháp giảm sự xao nhãng khi đang lái xe cùng trẻ em.
Để con hiểu tầm quan trọng của an toàn
Trước hết, cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ em về việc lái xe và cách con có thể giúp người lớn. Đó là một biện pháp quan trọng để phụ huynh bớt phân tâm khi lái xe. Dù đó là một chuyến đi dài hay ngắn, hãy dành vài phút để trò chuyện với con trước khi lên đường. Cha mẹ cần nói chuyện với trẻ về việc lái xe ngay khi chúng đủ lớn để hiểu.
Trẻ em không thể lái xe. Vì vậy, chúng không thể biết được cần tập trung bao nhiêu để chuyến đi an toàn. Do đó, phụ huynh nên giúp trẻ hiểu bằng cách nói chuyện về điều đó trước khi bắt đầu lái xe.
Ví dụ, có thể nói những câu như: “Việc lái xe cần rất nhiều sự tập trung và khi cha hoặc mẹ mất tập trung, con sẽ có nguy cơ gặp tai nạn”. Đồng thời, cha mẹ cũng cần nói về những yếu tố có thể gây xao nhãng khi lái xe. Ví dụ, cho trẻ biết rằng, nếu chúng ném thứ gì đó hoặc la hét trong xe, cha mẹ sẽ mất tập trung.
Hãy dành chút thời gian để cho trẻ biết, đâu là hành vi cha mẹ mong đợi ở trẻ khi ngồi trên xe. Phụ huynh có thể đồng ý với con rằng, nếu gây gổ với nhau khi đang trên xe, trẻ sẽ mất một đặc quyền (chẳng hạn như thời gian xem tivi). Nếu trẻ có những hành vi không phù hợp khi ngồi trên xe, cha mẹ hãy để con nhận hậu quả. Khi đó, con sẽ biết rằng, cần nghiêm túc khi ngồi trên xe.
Ngoài ra, cha mẹ có thể liệt kê một số hành động gây nguy hiểm như: Cố gắng mở cửa xe; Cố gắng tháo dây an toàn; Đưa đầu, cánh tay hoặc chân ra khỏi cửa sổ ô tô; La hét; Ném cái gì đó. Trẻ cũng cần biết về lý do tại sao nên ngồi ở ghế tựa dành cho trẻ em và thắt dây an toàn.
Đôi khi trẻ sẽ đánh lạc hướng người lái xe mà không suy nghĩ. Ví dụ, trẻ có thể đánh rơi đồ chơi và nhờ cha mẹ nhặt. Trước khi lên đường, phụ huynh hãy giải thích cho trẻ rằng, việc nhặt một món đồ khi đang lái xe là vô cùng nguy hiểm. Khi đó, trẻ cần biết rằng, nếu làm rơi thứ gì đó, con sẽ cần đợi đến khi xe dừng. Nếu trên xe có em bé, phụ huynh hãy lên kế hoạch đi đường trùng với thời gian ngủ trưa của trẻ. Hoặc, hãy lái xe ngay sau khi cho trẻ ăn. Khi đó, chúng sẽ không làm cha mẹ phân tâm vì đói hoặc mè nheo đòi vui chơi.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là yêu cầu trẻ đi vệ sinh trước khi lên xe. Cha mẹ cũng hãy đảm bảo mình đã sẵn sàng lái xe. Đó có thể là ngủ một giấc thật ngon, hay không chạy quá tốc độ hoặc bỏ qua thời gian nghỉ ngơi.
Trước khi bắt đầu lái xe cùng trẻ em, hãy đảm bảo rằng, cha mẹ đã chuẩn bị loại ghế an toàn phù hợp với lứa tuổi của con. Kiểm tra xem ghế ngồi trên ô tô đã được lắp đặt đúng cách chưa. Đồng thời, hãy để mọi đồ vật không cần thiết vào cốp xe - nơi chúng không gây nguy hiểm nếu người lái phanh gấp.
Phụ huynh hãy đảm bảo con được an toàn đúng cách bằng ghế ô tô dành cho trẻ em và dây an toàn. Cần lưu ý kích hoạt khóa an toàn cho trẻ em để ngăn việc mở cửa từ bên trong xe. Ngoài ra, các cha mẹ hãy đặt mọi thứ trẻ có thể cần trong tầm với khi ngồi trên xe, như chai nước. Nếu là ngày nắng, hãy đặt các tấm che trên cửa sổ để trẻ không bị quá nóng hoặc khó chịu vì ánh sáng Mặt trời.
Khi trẻ đã ngồi ổn định ở ghế ô tô hoặc thắt dây an toàn, phụ huynh hãy khen con vì sự hỗ trợ của trẻ. Kiểm tra xem mọi người đã thắt dây an toàn chưa và nói những câu như: “Bây giờ mọi người đã thắt dây an toàn. Chúng ta sẵn sàng bắt đầu”.
Giữ trẻ em bận rộn khi lái xe
Nếu buồn chán, trẻ có nhiều khả năng khiến cha mẹ mất tập trung khi lái xe. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh phải làm những việc để đầu óc trẻ luôn bận rộn. Đối với một chuyến đi ngắn ngày, cách làm đơn giản là thu hút trẻ tham gia vào cuộc trò chuyện. Đó cũng là cơ hội tốt để cha mẹ nhắc trẻ rằng, lái xe an toàn đòi hỏi sự tập trung. Cha mẹ có thể nói chuyện với con về tất cả những điều phải làm để lái xe an toàn.
Trong khi đó, trong những chuyến đi dài, nếu có thể, hãy để trẻ tương tác với một người lớn khác. Đồng thời, khiến chúng bận rộn với các trò chơi và cuộc trò chuyện, trong khi cha/mẹ tập trung lái xe. Chọn các trò chơi hoặc đồ chơi mềm để không làm trẻ bị thương. Âm nhạc trên xe cũng là yếu tố quan trọng. Phụ huynh hãy bật những giai điệu mà trẻ thích. Từ đó, khuyến khích chúng hát theo nhạc.
Cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi những hành vi tốt của trẻ khi ở trong xe. Ví dụ, hãy nhận xét rằng, cha mẹ thích lái xe khi con nói chuyện vui vẻ và không tháo dây an toàn. Đối với trẻ nhỏ hơn, phụ huynh có thể hứa sẽ thưởng nếu con có hành vi tốt. Cha mẹ có thể đồng ý rằng, nếu trẻ không tháo dây an toàn trong suốt chuyến đi, con sẽ được đọc câu chuyện hoặc chơi trò yêu thích khi về đến nhà. Khi trẻ đã quen với các quy tắc an toàn trong xe, phụ huynh có thể giảm dần tần suất trao thưởng.
Bên cạnh đó, đừng tiếc lời khen nếu trẻ cảnh báo cha mẹ về những nguy hiểm khi lái xe. Ví dụ, trẻ có thể được khen nếu nói với cha mẹ rằng, dây an toàn của con chưa được tháo ra (cho dù là do nghịch, hoặc vô tình không được thắt đúng cách khi bắt đầu), hay cửa đóng chưa chặt. Khi đó, phụ huynh cần tìm chỗ đỗ xe an toàn và giải quyết vấn đề.