Đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông cho học trò

GD&TĐ - Thực hiện công tác đào tạo cho lứa tuổi học sinh là điều cấp thiết để xây dựng xã hội giao thông văn minh và an toàn.

Giáo dục cho học sinh là điều cần thiết để xây dựng xã hội giao thông an toàn và văn minh.
Giáo dục cho học sinh là điều cần thiết để xây dựng xã hội giao thông an toàn và văn minh.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.175 người và bị thương 5.645 người. Trung bình mỗi năm, cả nước có đến 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số vụ TNGT ở lứa tuổi học sinh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhận thức của các em còn chưa cao. Học sinh tham gia thao thông còn chưa nắm rõ về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông còn hạn chế.

Ngoài ra, tâm lý tuổi mới lớn dễ nảy sinh những hành động bồng bột, thiếu kiểm soát trên đường phố như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông.

Do đó, công tác tăng cường ý thức và nhận thức về ATGT ở học sinh bằng những buổi tuyên truyền, chương trình đào tạo về chủ đề ATGT từ khi còn trên ghế nhà trường là việc rất cần thiết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như nhà trường, gia đình và xã hội. Đó cũng là lý do Công ty Honda Việt Nam (HVN) khởi động chương trình giáo dục "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" dành cho học sinh cấp THCS và THPT năm học 2021-2022. 

Trong tháng 11/2021 vừa qua, HVN đã phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên của các Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chia sẻ về nội dung, phương pháp giảng dạy và kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục ATGT cấp THCS của 63 tỉnh/thành trên cả nước thông qua hình thức họp trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn dịch bênh Covid-19 hiện nay. 

Các thầy cô thảo luận về phương pháp và kế hoạch giảng dạy.
Các thầy cô thảo luận về phương pháp và kế hoạch giảng dạy.

Tại buổi tập huấn, các cán bộ quản lý và giáo viên của những cơ sở giáo dục đã có cơ hội học tập, thảo luận nhiều nội dung mới, cùng trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy cho học sinh cấp THCS để nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng dạy và học ATGT.

Sau 2 ngày tập huấn, chương trình "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" năm học 2021-2022 được triển khai đến 63 tỉnh/thành phố, dự kiến sẽ đào tạo cho khoảng 2,5 triệu học sinh THPT và 5,3 triệu học sinh THCS cả nước.

Hoạt động đánh giá hành vi tham gia giao thông học sinh sẽ được tiến hành sau khi chương trình giảng dạy kết thúc.
Hoạt động đánh giá hành vi tham gia giao thông học sinh sẽ được tiến hành sau khi chương trình giảng dạy kết thúc.

Bên cạnh đó, cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" dự kiến sẽ được phát động từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022 để đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục trong trường học, khuyến khích thầy và trò không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học về ATGT. Đây là sân chơi để giáo viên và học sinh thể hiện hiểu biết và kỹ năng về tham gia giao thông an toàn. Vòng chung kết và lễ trao giải của cuộc thi dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2022.

"An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" là hoạt động thường niên được HVN tổ chức, cho thấy sự đồng hành của đơn vị trong việc góp phần giúp học sinh trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia gia thông. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm tình trạng TNGT ở học sinh, hướng đến xây dựng xã hội giao thông Việt Nam an toàn và văn minh.

 "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" là chương trình giảng dạy về ATGT cho học sinh khối trung học do HVN phối hợp cùng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai từ năm 2011. HVN mong muốn trang bị cho các em kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cũng như những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từ đó hình thành văn hóa giao thông, ý thức tuân thủ luật pháp nói chung và Luật Giao thông nói riêng.

Chương trình được triển khai với 2 đối tượng gồm học sinh THPT (từ năm 2011 tại 5 tỉnh/thành và mở rộng đến 63/tỉnh thành từ năm học 2016-2017) và học sinh THCS (từ năm 2017 tại 10 tỉnh/thành và mở rộng đến 63 tỉnh/thành vào năm học 2021-2022).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ