Cách dạy trẻ coi trọng con người hơn vật chất

GD&TĐ - Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em được nuông chiều quá mức có thể phải gánh chịu hậu quả suốt đời.

Việc trao cho trẻ vô số vật chất có thể khiến bé ngày càng đòi hỏi. Ảnh minh họa.
Việc trao cho trẻ vô số vật chất có thể khiến bé ngày càng đòi hỏi. Ảnh minh họa.

>>> Trẻ đua đòi, nguyên nhân một phần từ bố mẹ?

>>> 'Bắt bệnh' thói học đòi của con

Hệ lụy nghiêm trọng

Không ít gia đình đều có tủ quần áo “quá tải” và những chiếc rương đồ chơi chứa đầy những món đồ trị giá. Thay vì đòi một món đồ chơi nhỏ nhân dịp sinh nhật hoặc ngày lễ, nhiều trẻ em lại yêu cầu cha mẹ tặng mình những món quà công nghệ đắt tiền.

Không ít cha mẹ có thể nhận ra rằng, trẻ đang sở hữu quá nhiều món đồ. Tuy nhiên, việc thay đổi tình trạng này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em được nuông chiều quá mức có thể phải gánh chịu hậu quả suốt đời. Những trẻ như vậy lớn lên có thể trở thành người thường xuyên bất mãn và tự ái.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ thiên về vật chất cũng sẽ trở thành người trưởng thành như vậy. Điều đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, có thể gây ra nhiều bất hạnh hơn cho trẻ khi trưởng thành.

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng đã phát hiện, những đứa trẻ chú trọng về vật chất có hai niềm tin chính. Trẻ cho rằng, việc sở hữu những thứ có chất lượng cao cũng như một số của cải vật chất là định nghĩa của thành công. Đồng thời, nghĩ rằng, mua một số sản phẩm nhất định khiến bản thân trở nên hấp dẫn hơn.

Tất nhiên, hầu hết các phụ huynh đều không cố ý truyền đạt những niềm tin đó cho con mình. Thay vào đó, trẻ phát triển những niềm tin đó dựa trên phong cách nuôi dạy con và cách thực hành kỷ luật của cha mẹ, cũng như những gì người lớn làm gương.

Nghiên cứu cho thấy, cha mẹ ấm áp, yêu thương thường góp phần hình thành thái độ thiên về vật chất ở trẻ. Tuy nhiên, những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình mà chúng cảm thấy bị hắt hủi cũng có xu hướng thiên về vật chất.

Ví dụ, một đứa trẻ cảm thấy cha mẹ thất vọng về mình có xu hướng tìm kiếm sự thoải mái bằng của cải vật chất. Hoặc, một đứa trẻ không dành nhiều thời gian bên cha mẹ có thể đối mặt với sự cô đơn bằng cách sử dụng đồ chơi và đồ điện tử. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ba cách nuôi dạy con chính góp phần hình thành niềm tin vật chất ở trẻ.

Việc cha mẹ trả tiền cho con khi trẻ đạt điểm cao hoặc hứa cho chúng một chiếc điện thoại thông minh mới nếu chơi bóng đá giỏi có thể truyền đạt tư tưởng rằng, của cải vật chất là mục tiêu cuối cùng.

Việc cha mẹ tặng quà cho con như một biểu hiện tình yêu cũng có thể dạy trẻ rằng, được yêu thương đồng nghĩa với việc nhận được quà. Trái lại, cách cha mẹ tước vật chất khỏi con mình như một hình phạt cũng có thể khiến trẻ hiểu rằng, chúng cần của cải vật chất để cảm thấy dễ chịu.

Trẻ em được nuông chiều quá mức có thể phải gánh chịu hậu quả suốt đời. Ảnh minh họa.

Trẻ em được nuông chiều quá mức có thể phải gánh chịu hậu quả suốt đời. Ảnh minh họa.

Giảm bớt chủ nghĩa vật chất

Theo các chuyên gia, cha mẹ có thể thực hiện một số bước để ngăn con mình trở nên ham mê vật chất. Thực tế, phụ huynh không cần tước đoạt khỏi con mình một món đồ nào đó. Tặng quà cho con là điều tốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ phải mua mọi thứ trong danh sách yêu cầu của trẻ. Đồng thời, cha mẹ không có nghĩa vụ phải cung cấp mọi thứ trẻ muốn.

Điều quan trọng là cha mẹ cần nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ. Việc dạy trẻ biết ơn những gì đang có sẽ ngăn chúng nghĩ rằng, mình không thể hạnh phúc nếu không có nhiều hơn.

Ngoài ra, cha mẹ hãy tập trung vào thời gian chất lượng. Thay vì tặng quà cho con, hãy cùng nhau tham gia các hoạt động đơn giản. Cùng nhau đi dạo, chơi trong công viên hoặc chơi board game. Chi nhiều tiền hơn cho trải nghiệm thay vì quà tặng.

Trẻ sẽ học được nhiều điều từ hành động của cha mẹ hơn là lời nói. Do đó, hãy cho trẻ thấy rằng, cha mẹ là người tốt và luôn coi trọng con người hơn vật chất. Phụ huynh có thể làm gương bằng việc quyên góp cho tổ chức từ thiện và thường xuyên nói về lòng tốt. Có thể sẽ có lúc trẻ nhất quyết đòi mua những đôi giày mới, hoặc thiết bị công nghệ cao.

Đôi khi, hãy nói “không” với trẻ như một cách để dạy con về sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Cha mẹ hãy khen ngợi khi thấy trẻ cư xử tốt bụng hoặc hào phóng. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi trọng con người hơn là đồ vật.

Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia vào công việc tình nguyện. Ảnh minh họa.

Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia vào công việc tình nguyện. Ảnh minh họa.

Khơi dậy trái tim biết ơn

Hầu như mọi phụ huynh đều đã trải qua một số khoảnh khắc đáng xấu hổ khi thái độ vô ơn của con trở nên rõ ràng. Liệu trẻ có từng hỏi: “Đó có phải là tất cả những gì con nhận được trong ngày sinh nhật của mình không?” sau khi mở quà, hoặc: “Chả có điều gì thú vị” sau một ngày vui vẻ ở công viên. Thực tế, việc trẻ thiếu lòng biết ơn có thể khiến cha mẹ bực bội.

Theo các chuyên gia, việc khơi dậy một trái tim biết ơn không chỉ là dạy trẻ nói “vâng, làm ơn” và “cảm ơn”. Dưới đây là một số chiến lược kỷ luật có thể giúp trẻ học về lòng biết ơn.

Chỉ ra sự vô ơn

Khi nghe con nói hoặc làm điều gì đó thể hiện thái độ vô ơn, hãy chỉ ra điều đó. Hãy cụ thể mà không mang tính xúc phạm. Ví dụ, tránh nói những điều như: “Đừng cư xử như một đứa trẻ con nữa”.

Thay vào đó, hãy nói những điều như: “Phàn nàn về việc không được mua thêm quà là vô ơn. Bạn bè và gia đình đã rất tốt bụng khi mua cho con một món quà”.

Liên tục chỉ ra những sự việc thể hiện thái độ vô ơn sẽ giúp trẻ nhận thức rõ về hành vi của mình. Song, cha mẹ cần đảm bảo rằng, nhận xét của cha mẹ nhằm nâng cao nhận thức chứ không phải khiến trẻ xấu hổ.

Phụ huynh cũng có thể ngăn chặn hành vi vô ơn bằng cách nói chuyện với con trước bữa tiệc sinh nhật hoặc ngày lễ có tặng quà. Thảo luận về thực tế là việc mua quà khá tốn kém. Trong khi đó, mọi người thường dành nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên mua gì. Đồng thời, hãy nhắc trẻ rằng, người tặng thường rất hào hứng khi thấy trẻ mở quà. Vì vậy, đáp lại bằng thái độ vô ơn có thể thực sự gây tổn thương cho người khác.

Việc khiến trẻ nhìn thấy số tiền và công sức mà người khác bỏ vào một món quà sẽ giúp trẻ trân trọng món quà đó hơn. Khi đó, rất có thể, trẻ sẽ đáp lại bằng tấm lòng biết ơn hơn.

Dạy trẻ về sự đồng cảm

Trẻ em cần được giúp đỡ để hiểu hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Cha mẹ có thể làm điều đó bằng cách dạy con về sự đồng cảm. Nói chuyện với chúng về cách lời nói hoặc hành vi của con tác động đến người khác.

Hãy nói những câu như: “Khi nói rằng, gia đình mình không bao giờ làm được điều gì thú vị, điều đó khiến mẹ tổn thương. Mẹ cố gắng đảm bảo rằng, chúng ta sẽ cùng nhau làm nhiều điều thú vị, như đi công viên hoặc chơi trò chơi”.

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các tình huống trong sách và phim để khiến trẻ quan tâm đến cảm giác của người khác. Ví dụ, khi cả nhà đang đọc sách hoặc xem tivi cùng nhau, hãy tạm dừng và hỏi xem một số nhân vật có thể cảm thấy thế nào. Hãy hỏi những câu như: “Khi cậu bé đó nói những điều ác ý, con nghĩ anh trai cậu ấy cảm thấy thế nào?”. Sau đó, giúp trẻ xác định và gọi tên các từ chỉ cảm xúc.

Trì hoãn sự hài lòng

Việc trao cho con vô số vật chất có thể khiến trẻ ngày càng đòi hỏi. Trẻ em không thể biết ơn những gì chúng có, trừ khi sự hài lòng bị trì hoãn. Ví dụ, cha mẹ có thể nói “không” khi con đòi mua một món đồ chơi mới, hoặc đồ dùng đắt tiền. Thay vào đó, hãy nói rằng, trẻ cần đợi đến ngày sinh nhật. Hoặc, cha mẹ có thể dạy trẻ cách tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua thứ mình muốn.

Một cách khác để trì hoãn sự hài lòng là liên kết đặc quyền. Tuy nhiên, đừng bao giờ nhầm lẫn hối lộ với phần thưởng. Mua chuộc con sẽ chỉ tạo ra thái độ vô ơn. Ví dụ: “Đây là một quả bóng bay. Bây giờ, con ngồi ngoan nhé” là một hành vi hối lộ. Mặt khác, phần thưởng có nghĩa là: “Hôm nay con đã cư xử rất tốt. Mẹ thực sự tự hào về con. Do đó, con đã kiếm được một quả bóng bay”.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Có nhiều bước phụ huynh có thể thực hiện để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ. Một trong những bước quan trọng nhất là trở thành tấm gương tốt về thái độ biết ơn. Nói chuyện thường xuyên về tất cả những điều phụ huynh phải biết ơn mỗi ngày.

Bày tỏ lòng biết ơn đối với những điều có thể dễ dàng được coi là hiển nhiên, như thời gian cả gia đình bên nhau, ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp hoặc tìm được một chỗ đậu xe tuyệt vời.

Ngoài ra, hãy cố gắng thiết lập những thói quen gia đình nuôi dưỡng lòng biết ơn. Tạo một chiếc lọ biết ơn để mọi người viết ra điều mình biết ơn mỗi ngày. Sau đó, vào một ngày cụ thể, như dịp năm mới, hãy đọc tất cả tờ giấy này.

Phụ huynh cũng có thể tạo thói quen nói về lòng biết ơn mỗi ngày trước khi đi ngủ hoặc quanh bàn ăn tối. Hãy hỏi mọi người: “Điều tuyệt vời nhất trong ngày hôm nay là gì?”. Sau đó, thảo luận lý do tại sao nên cảm thấy biết ơn những điều tốt đẹp trong ngày.

Tập trung vào việc giúp đỡ người khác

Hãy biến lòng tốt thành thói quen của gia đình. Hãy dẫn trẻ theo khi phụ huynh giúp đỡ một người hàng xóm lớn tuổi. Hoặc, hãy để trẻ có cơ hội giúp mình chuẩn bị bữa ăn cho người cần sự giúp đỡ.

Phụ huynh cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia vào công việc tình nguyện. Hãy dạy trẻ rằng, chúng không bao giờ còn quá nhỏ để giúp đỡ người khác. Đồng thời, hãy thường xuyên nói về việc tử tế. Hãy tạo thói quen hằng ngày để hỏi: “Hôm nay con đã làm điều gì tử tế cho ai đó?”. Hoặc: “Hôm nay, con đã giúp thế giới tốt đẹp hơn như thế nào?”.

Khi thực hiện hành động tử tế, trẻ sẽ có xu hướng tập trung vào những gì chúng có thể cho đi hơn là thứ mình xứng đáng được nhận.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ