Vì sao trẻ bướng bỉnh?
Theo các nhà tâm lý học, độ tuổi lên 3 chính là một trong những giai đoạn “chông gai” nhất mà trẻ cùng bố mẹ trải qua. Đây là giai đoạn trẻ phát triển vượt trội về mọi mặt cả về thể chất lẫn tâm lý, trí tuệ.
Ở giai đoạn này, hầu như bé nào cũng trở nên lì lợm, bướng bỉnh,không nghe lời bố mẹ và đòi làm mọi thứ theo cách của mình khiến nhiều ba mẹ cảm thấy bất lực trước những thay đổi này của con trẻ.
Những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này như ngoan cố, chống đổi – nổi loạn, tự thích làm theo ý thích cá nhân, không nghe lời người lớn, có tính chiếm hữu cao…
Tuy nhiên, đây là giai đoạn thay đổi tâm lý bình thường của con trẻ, phụ huynh không nên quá lo lắng, quy kết bé hư hỏng mà la mắng và đặc biệt là đánh trẻ. Bởi điều đó chỉ làm cho bé thêm căng thẳng và trở nên hung hăng, chống đối hơn mà thôi.
Chiều chuộng theo mọi yêu cầu của con cũng không phải là cách vì bé sẽ nhận thấy khóc lóc, ăn vạ hay đập phá là cơ hội để bé được đáp ứng mọi đòi hỏi.
Thay vào đó, cha mẹ hãy cố gắng uốn nắn từ từ, giúp trẻ nhận biết đúng sai. Sau đây là cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh các bậc phụ huynh có thể tham khảo và thực hiện.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ 3 tuổi không nghe lời?
Giai đoạn con 3 tuổi là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh cách dạy con, giúp bé hình thành nền tảng nhân cách lành mạnh. Các bậc làm cha làm mẹ cần phải:
Giữ bình tĩnh
Trước hiện tượng khủng hoảng tâm lý của trẻ, cách dạy con 3 tuổi không nghe lời của các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, đừng để mình bị kích động rồi chính mình lại bực tức và lại dồn sang cho con và vòng luẩn quẩn này làm cho cả gia đình căng thẳng, không thể kiểm soát được cảm xúc.
Cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh trong trường hợp trẻ khóc lóc, ăn vạ thay vì quát mắng hay dùng đòn roi để trừng phạt - Ảnh minh họa: Internet.
Mềm mỏng nhưng kiên quyết
Không phải lúc nào trẻ con cũng nghe lời cha mẹ. Thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết là phương pháp dạy trẻ lì lợm. Hãy phân tích nhẹ nhàng cho trẻ biết đâu là đúng, đâu là sai và giới hạn của mỗi hành vi là như thế nào, hãy đưa ra cho con hơn một sự lựa chọn ví dụ như “con thích mặc áo màu xanh hay màu đỏ”, như vậy bé sẽ cảm thấy mình là có quyền tự lựa chọn và vui vẻ thực hiện theo.
Cha mẹ cũng cần kiên quyết phớt lờ với những đòi hỏi quá đáng của con và giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ.
Theo đó, nếu đòi hỏi không được bé sẽ chuyển qua thái độ tức giận, ăn vạ, khóc lóc. Hãy cố gắng phớt lờ hành vi không tốt này của con, một thời gian bé sẽ tự hiểu rằng khóc lóc và ăn vạ cũng không thể giúp bé đáp ứng được các mình muốn, đây là phương pháp dạy con biết nghe lời bố mẹ không nên bỏ qua.
Cha mẹ hãy phớt lờ thái độ khóc lóc, ăn vạ của con để con hiểu được đây không phải là cách giúp bé đạt được ý muốn - Ảnh minh họa: Internet.
Khi cần có thể áp dụng các biện pháp xử phạt hạn chế trẻ không được đi chơi bên ngoài hoặc không đọc truyện, kể chuyện cho bé nghe thay cho hình thức đòn sẽ khiến trẻ trở nên ương bướng hơn.
Động viên, khen ngợi trẻ
Khi con cố gắng thực hiện một việc tốt, cho dù là nhỏ nhặt nhất như tự dọn đồ chơi, tự xúc cơm ăn… Thì bạn hãy nên dành cho trẻ những lời khen ngợi, âu yếm hoặc một phần thưởng nho nhỏ nào đó, đây là cách dạy trẻ 3 tuổi không nghe lời cha mẹ cần lưu ý.
Đừng vội cáu gắt, tức giận khi thấy con làm sai mà hãy phân tích từ từ để bé hiểu. Bởi trẻ 3 tuổi sẽ bắt đầu học theo thái độ, cách cư xử của người lớn nên ba mẹ hãy là tấm gương tốt cho trẻ noi theo.
Khi trẻ làm việc tốt, dù là việc nhỏ nhất nhưng bố mẹ vẫn nên dành những lời động viên, khen ngợi cho bé - Ảnh minh họa: Internet.
Tạo cơ hội cho con được thể hiện mình
Trẻ lên ba có khả năng tự thực hiện một số các hoạt động như tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, rửa chén… mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Nhiều ông bà, bố mẹ lo lắng trẻ chưa có khả năng thực hiện hoặc thực hiện sai nên thường tự mình chăm sóc trẻ theo ý mình, làm thay trẻ thay vì khuyến khích trẻ thực hiện.
Cách dạy trẻ 3 tuổi nghe lời là tạo cơ hội cho trẻ được thể hiện bản thân, cha mẹ chỉ nên quan sát và hướng dẫn trẻ kịp thời để tránh trẻ hình thành những thói quen xấu.
Ví dụ việc tập cho trẻ cầm đũa nhiều người thường lo lắng trẻ cầm vật nhọn sẽ nguy hiểm nên ngăn cản, chỉ cho trẻ tập dùng muỗng khi ăn.
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ cầm đũa đúng cách và quan sát, điều chỉnh cho con để con cầm đũa được chính xác. Lưu ý nhắc con không được cầm đũa khi chạy nhảy để đảo bao an toàn.
Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho con được tự thể hiện bản thân mình và xây dựng tính cách độc lập cho con - Ảnh minh họa: Internet.
Một vài lời khuyên của chuyên gia giúp mẹ dạy con nghe lời
- Nếu ý muốn của trẻ là đúng đắn thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được thực hiện ý muốn của mình, khuyến khích trẻ thực hiện và giúp đỡ trẻ khi trẻ cần.
- Xem trẻ như người lớn, hãy cho trẻ được giúp mẹ một số việc như: lấy rổ rá cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, lau bàn, lấy nước cho mẹ… trẻ sẽ rất thích thú khi thực hiện.
- Hình thành tính độc lập tích cực cho trẻ bằng việc cho trẻ thực hiện một số thao tác tự chăm sóc bản thân trẻ.
- Nếu trẻ ăn vạ thì nên lờ đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác.
- Khi cần xử phạt thì không nên đánh, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau trẻ sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Có thể xử phạt bằng cách là không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho trẻ nghe.
- Cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, tâm sự để hiểu tâm lý con nhiều hơn - Ảnh minh họa: Internet.
- Hoạt động đóng vai trong giai đoạn này đối với trẻ vô cùng quan trọng. Trẻ thích là người lớn, nhưng vốn kinh nghiệm sống chưa đủ để trẻ “làm người lớn” thật sự.
- Chỉ có thể cho trẻ vui chơi bằng các trò chơi đóng vai. Vì lúc này trẻ muốn được khẳng định mình, muốn trở thành người lớn nên có thể cho trẻ nhập vào những vai mà trẻ thích như: làm cô giáo, bác sĩ…
- Nên cho trẻ mở rộng các hoạt động giao tiếp bên ngoài với bạn bè cùng lứa. Nên cho trẻ đến trường để trẻ có thêm bạn bè, học thêm các kỹ năng mới và khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ tốt hơn.
Sinh con đã khó, nuôi dạy để con trưởng thành và nên người còn khó khăn hơn. Nếu con bạn bướng bỉnh, nghịch ngợm trong giai đoạn này thì chúng ta có thể hoàn toàn khắc phục được nếu biết cách.
Do đó, bạn không nên quá lo lắng, hãy thực hiện những cách dạy trẻ 3 tuổi nghe lời như trên chắc chắn bạn sẽ có được kết quả như mong muốn.