Cách chia sẻ với con điều khó nói

Cách chia sẻ với con điều khó nói

(GD&TĐ) - Tình dục là một phần tự nhiên của loài người và cổ xưa như lịch sử loài người. Nói như vậy để thấy rằng tình dục là vấn đề quan trọng để mỗi người phải đối diện, tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Giáo dục sức khỏe giới tính, tình dục: Biết rồi, khổ lắm... đừng nói

Cho dù tình dục là sự thật hiển nhiên tồn tại song hành cùng đời sống mỗi người nhưng với các bậc cha mẹ, đây vẫn là vấn đề tế nhị, khó nói, thậm chí không thể chia sẻ với con cái. Đây là nguyên nhân chính khiến vị thành niên, thanh niên Việt Nam thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản sản, sức khỏe tình dục. 

Điều tra của Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển cho thấy chỉ có 19% nguồn cung cấp thông tin là thầy cô giáo và nhà trường, 14% từ nhân viên y tế hay dân số, 15% từ mẹ, 3% từ cha. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy, gần một nửa vị thành niên cho rằng cha mẹ ít nói chuyện với mình và có tới 10% không cảm nhận được tình thương của cha mẹ. Khi gặp khó khăn về  sức khỏe sinh sản, gần một nửa vị thành niên tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, chỉ 24% tìm đến sự giúp đỡ từ tư vấn tổng đài và hơn 13% giấu kín. 

Bạn Nguyễn Công Danh (Bình Chánh, TP HCM) tâm sự: Lúc trước, em nhút nhát, không dám nói chuyện với ai ở đám đông nên khi bước vào tuổi dậy thì, dù có nhiều thắc mắc, câu hỏi đặt ra nhưng cũng chỉ giữ kín trong lòng. Còn bạn Hà Thanh Tứ (Bình Chánh, TP HCM) cũng trải qua giai đoạn đầy “bức bối” khi bước vào tuổi dậy thì. “Khi đó em là người khó tính, không thích nói chuyện với ai và hay gây sự với cha mẹ”…

Theo BS Nguyễn Trọng An (Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TBXH), việc người lớn ngại nói chuyện với con trẻ những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ bị xâm hại, trẻ lớn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nạo phá thai gia tăng.

Cách chia sẻ với con điều khó nói ảnh 1
Tâm sự và chia sẻ của phụ huynh với con cái về SKSS là cần thiết Ảnh minh họa: Phan Hải

Nhiều hình thức để định hướng cho con

Cũng theo BS An,  giáo dục trong gia đình là một phần trọng cùng với giáo dục nhà trường và xã hội đối với mỗi con người. Giáo dục gia đình không đơn thuần là dạy chữ cho trẻ mà quan trọng hơn là dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính. 

Ban đầu chỉ đơn giản là  dạy trẻ ăn nói thế nào, đi đứng ra sao. Khi trẻ lớn hơn một chút, dạy trẻ cách bảo vệ bản thân (không được nhận đồ, đi chơi với người lạ, biết cách tự giải thoát khi gặp nguy hiểm hay bị xâm hại…). Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ có thể tâm sự, động viên trực tiếp hoặc gián tiếp về những   thay đổi tâm sinh lý sẽ giúp trẻ tự tin, luôn có lối sống lành mạnh và biết bảo vệ bản thân mình hơn.

GĐ Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển  Phạm Kim Ngọc lại cho rằng có nhiều hình thức để giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe tình dục cho con trẻ. “Các câu lạc bộ  dành cho bạn trẻ ngoài nhiệm vụ cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên còn là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình”, bà Ngọc cho biết. Bạn Hà Thanh Tứ chia sẻ: Khi tham gia câu lạc bộ em mới thấy mình “hổng” rất nhiều kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cách ứng xử với các vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục. Sau một thời gian tham gia câu lạc bộ, với kiến thức được trang bị, em đã tự tin, vui vẻ, thân thiện với mọi người. “Điều em vui nhất là nhờ có kiến thức mà em đã có thể tâm sự với cha mẹ, giúp cha mẹ hiểu thế nào là bạo lực gia đình, từ đó cha mẹ ít gây lộn, gia đình đầm ấm hơn”, Tứ tâm sự.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ