Cha mẹ phải làm gì trong thời điểm nhạy cảm này?
Quan sát, nhận diện những nguy cơ tự gây tổn thương, phụ huynh cần tiếp cận con với thái độ ân cần. Hãy thể hiện rằng, cha mẹ luôn yêu quý và chấp nhận con, dẫu không đồng tình với một số hành vi cụ thể.
Lắng nghe con
Đại dịch Covid-19 gây ra sự xáo trộn lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là tâm lý. Trong đó, trẻ em - với tâm hồn non nớt, sẽ là nhóm chịu tác động tiêu cực nhất.
Để giúp các em nhỏ vượt qua thời kỳ này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhiều khuyến cáo tới phụ huynh. Cụ thể, khi nghỉ học với thời gian khá lâu, trẻ em ít được tiếp xúc, vui chơi với bạn bè. Từ đó, dẫn đến tình trạng trẻ có thể phản ứng với sự căng thẳng theo nhiều cách khác nhau.
Trước tình trạng trên, phụ huynh được khuyến khích hãy đáp lại theo cách cảm thông, lắng nghe những lo lắng của con. Đồng thời, dành cho trẻ tình yêu thương và sự quan tâm. Các cha mẹ cần nhớ rằng, hãy lắng nghe, nói chuyện nhẹ nhàng và trấn an trẻ. Nếu có thể, hãy tạo điều kiện để các em được vui chơi và nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên cố gắng thu xếp cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình, tránh việc chia cách trẻ với người chăm sóc. Nếu phải chia tách, hãy đảm bảo có sự liên hệ thường xuyên (như qua điện thoại) để trấn an con.
Các phụ huynh có thể lên kế hoạch và duy trì lịch trình hoạt động hằng ngày, hoặc tạo ra những lịch trình mới ở những môi trường mới, như học tập và vui chơi, giải trí an toàn.
Đồng thời, cha mẹ cần nói thật với trẻ về việc đã xảy ra. Nên dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi của con. Nhờ đó, giải thích cho trẻ biết việc gì đang diễn ra, kèm theo những thông tin rõ ràng về cách thức để giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Điều này bao gồm việc cho trẻ biết thông tin về những điều có thể xảy ra như: Một thành viên trong gia đình hoặc chính các em có thể sẽ cảm thấy không khỏe. Thậm chí là có thể sẽ phải vào viện một thời gian để bác sĩ giúp người đó được khỏe mạnh hơn...
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong bối cảnh này, sức khỏe trẻ em đang là mối quan tâm hàng đầu. Bởi, đây là nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, do ở nhà trong thời gian dài, nhiều cha mẹ có xu hướng để trẻ thoải mái ăn những món con thích. Thậm chí, con có thể ăn bất cứ lúc nào trẻ muốn.
Chị Hồng Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bé Gấu nhà chị đã tăng 2kg kể từ khi nghỉ học ở nhà do Covid-19.
“Tôi cũng giật mình khi thấy cháu tăng cân nhanh như vậy. Có thể là do ở nhà, vợ chồng tôi cho phép con ăn nhiều món. Thậm chí, tôi mua sẵn nhiều đồ ăn vặt để ở bếp vì sợ con hay đói”, chị Ngọc bày tỏ.
Có lẽ, đây là tình trạng mà nhiều gia đình đang gặp, khi trẻ “tăng cân không phanh” do ở nhà thời đại dịch. Song, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng sức đề kháng, nhưng tránh thừa cân, béo phì.
GS.TS Nguyễn Gia Khánh - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo, phụ huynh cần cung cấp cho trẻ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ vitamin, chất xơ và khoáng chất. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng nên bao gồm đạm, mỡ, carbohydrate và đường để con phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, phụ huynh cần giáo dục trẻ về dinh dưỡng đa dạng, cân đối. Từ đó, giúp con hiểu về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm.
Cũng theo các chuyên gia, phụ huynh không nên nuông chiều cho phép con ăn thỏa thích. Thay vào đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn đủ bữa, đúng giờ. Đồng thời, cho trẻ hoạt động, rèn luyện thể lực đều đặn tại nhà.
Không cho con thức khuya, xem tivi, điện thoại trong lúc ăn cơm, hạn chế tối đa thời gian tĩnh tại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, tất cả trẻ nhỏ nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ. Trong đó, với trẻ 3 - 4 tuổi, nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.
Nhận diện nguy cơ gây tổn thương
Tuy nhiên, có lẽ, mối lo lớn nhất của nhiều phụ huynh trong thời Covid-19 là trẻ có thể nghĩ quẩn, dẫn đến gây hại bản thân. PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Đại dịch khiến cuộc sống của chúng ta trở nên căng thẳng và bất định hơn bao giờ hết. Trẻ em bị tách khỏi những hoạt động thường ngày, mất kết nối thực người - người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng. Trẻ chứng kiến những người quen mắc bệnh và sợ hãi cái chết”.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong nhiều trường hợp, trẻ cũng phải chịu đựng sự bỏ mặc hoặc chứng kiến hành vi bạo hành của những thành viên khác trong gia đình. Hệ quả là, tỷ lệ hành vi tự gây hại (như cắt tay) và suy nghĩ tự tử ở giới trẻ tăng lên một cách đáng báo động.
PGS.TS Trần Thành Nam lý giải, hành vi tự gây hại của trẻ mang nhiều ý nghĩa. Đó có thể là cách trẻ đối phó, dùng nỗi đau cơ thể để làm xao lãng các cảm xúc tiêu cực không thể chịu nổi như tức giận và trầm uất. Hoặc, cũng có thể, đó là cách để trẻ tự cứu mình khỏi cảm giác tê liệt, trống rỗng sau một thời gian dài giãn cách. Đó cũng có thể là cách trẻ tự trừng phạt bản thân vì đã gây thêm gánh nặng cũng như không đạt được kỳ vọng từ cha mẹ.
Hoặc, hành động này là cách “từ chối” khéo những kỳ vọng bất khả thi từ cha mẹ, né tránh việc phải ở cùng các thành viên trong gia đình. Hay, để khiến những người lớn phải cư xử khác. Đó cũng có thể là lời kêu cứu của trẻ, để mọi người thấy con đã thất vọng thế nào.
“Người lớn có thể nhận diện những nguy cơ tự gây tổn thương qua các biểu hiện hành vi cảm xúc kết hợp cùng với các dấu hiệu tổn thương cơ thể. Trẻ có thể thể hiện bằng những hành động nguy cơ cao, như nhảy từ trên ban công xuống, làm chảy máu các vết thương cũ, hút thuốc và dí tàn thuốc đang cháy lên tay. Các em cũng có những thay đổi trong cách thể hiện cảm xúc như cảm xúc khô lạnh hơn, tự ti trong giao tiếp, hay tách khỏi các tương tác giao tiếp trong gia đình và sử dụng nhà vệ sinh lâu hơn bình thường”, chuyên gia dẫn chứng.
Ngoài ra, cơ thể trẻ có thể sẽ xuất hiện những vết xước, bầm tím. Quan sát trong hoạt động hằng ngày cũng có thể thấy trẻ tự đánh vào đầu, giật tóc, cắn tay, đập tay xuống bàn… Thậm chí, một số trẻ tự làm mình đau bằng hình thức ẩn giấu hơn và được xã hội chấp nhận, như xăm mình, xỏ khuyên, bất chấp cha mẹ kịch liệt phản đối.
“Khi nhận diện được những dấu hiệu như vậy, điều chúng ta nên làm là rà soát và cách ly hết tất cả những vật dụng sắc nhọn có nguy cơ gây tổn thương khỏi tầm với của trẻ. Hãy tiếp cận các em với một thái độ ân cần. Thể hiện rằng, chúng ta luôn yêu quý và chấp nhận trẻ, dẫu không đồng tình với một số hành vi cụ thể. Hãy nói rằng, chúng ta thực lòng quan tâm và tin tưởng vào khả năng của các em”, PGS Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cha mẹ được khuyến khích trở thành người sẵn lòng lắng nghe những nỗi đau và cách thức tự làm đau bản thân. Bởi, đó là cách để phụ huynh và con đối phó với tình trạng này.
“Cha mẹ có thể hỏi con rằng, nếu những vết cắt, vết bỏng có thể nói chuyện thì chúng sẽ nói gì với con. Hỏi con có muốn gặp các chuyên gia tâm lý để trò chuyện không. Khuyến khích các em tới gặp chuyên gia bằng việc sẵn sàng tìm kiếm và tham dự cùng trẻ. Thời gian này, người lớn cần ưu tiên dành thời gian khi các em có điều muốn nói. Hãy bắt lấy những khoảnh khắc thể hiện điểm mạnh của con (như hoàn thành một hoạt động yêu thích)”, PGS.TS Trần Thành Nam gợi ý.
Cách làm này sẽ hướng sự chú ý của trẻ vào những hoạt động thế mạnh của con. Cha mẹ cũng có thể động viên con vận động và tham gia những hoạt động kết nối cảm xúc khác.
“Có thể nói, trong bối cảnh của đại dịch, các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, hành vi tự gây hại, những suy nghĩ tự tử sẽ không phải là một vấn đề hiếm gặp. Đặc biệt, với lứa tuổi 13 - 15, tình trạng này càng phổ biến hơn.
Để phòng ngừa những hậu quả nặng nề, người lớn cần ý thức về tính nghiêm trọng của vấn đề. Tự tìm hiểu để nhận diện xác định sớm nguy cơ, cũng như dành thời gian cho việc làm dịu, tìm kiếm sự hỗ trợ online. Hướng các em vào những hoạt động vốn là thế mạnh của mình như những hoạt động sở thích cá nhân trước đây”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.