Đứa trẻ tức giận không phải là đứa trẻ xấu

GD&TĐ - Theo chuyên gia, một đứa trẻ tức giận không phải là người xấu. Chỉ là chúng chưa biết cách kiềm chế cảm xúc. Do đó, cha mẹ hãy chấp nhận, đồng cảm với cảm xúc của trẻ và khéo léo giúp con tiết chế nó.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Cảm xúc luôn phải vừa đủ

TS Lê Thu Thủy – Viện Nghiên cứu tâm lý trẻ em cho rằng, nhiều cha mẹ thường chán nản khi mọi thứ không thành công ngay từ lần đầu tiên họ dạy con.

Ngày nay, nhiều trẻ em thường phản ứng theo cảm tính cá nhân, dễ nổi cáu và không biết kiềm chế bản thân. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con cách tiết chế cảm xúc, hình thành lối ứng xử tốt đẹp và hòa nhập với những người xung quanh.

Cảm xúc luôn cần được tiết chế ở mọi dạng. Vui quá cũng ảnh hưởng không tốt, mà buồn quá cũng vậy, kể cả sợ hãi. Vì thế, con người cần biết điều chỉnh những cảm xúc của mình, tránh việc biểu hiện ra thành hành vi ứng xử đối với người xung quanh, cảm xúc luôn luôn phải là vừa đủ.

“Một đứa trẻ tức giận không phải là người xấu. Chẳng qua là chúng chưa thể hoặc chưa học được cách kiềm chế cảm xúc và kiểm soát bản thân. Do đó, trong quá trình giúp trẻ học các kĩ năng này, cha mẹ hãy chấp nhận những cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm với trẻ” – TS Lê Thu Thủy cho biết.

Bà Thủy cũng chia sẻ thêm, một số trẻ bị rối loạn và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân dẫn đến các vấn đề về tự điều chỉnh. Chúng biểu hiện theo những cách khác nhau tùy thuộc vào từng đứa trẻ.

Những trẻ này thường có phản ứng tức thời một cách rất mạnh mẽ đối với tình huống chúng gặp phải. Ở đó không có sự dẫn dắt hay xây dựng nào và trẻ không thể kiềm chế được hành vi đó ngay lập tức.

Đối với những đứa trẻ khác, sự căng thẳng lại bị tích tụ và chúng dường như phải chịu đựng quá lâu. Cuối cùng, nó sẽ dẫn đến những hành vi bộc phát. Lúc này người lớn có thể thấy trẻ đi sai đường nhưng lại không biết cách ngăn chặn.

Theo TS Lê Thu Thủy, chìa khóa cho nhóm trẻ em này là giúp chúng học cách xử lý những phản ứng mạnh mẽ đó và tìm cách thể hiện cảm xúc hiệu quả hơn.

Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần giúp trẻ bình tĩnh trong việc lựa chọn một phản ứng hiệu quả thay vì bốc đồng. Theo đó, người lớn nên tiếp cận kĩ năng kiểm soát cảm xúc của trẻ giống như cách tiếp cận các kĩ năng khác. Hãy tách nó ra và tạo cơ hội để trẻ thực hành.

TS Lê Thu Thủy khuyên rằng: Điều đầu tiên bố mẹ cần trang bị cho con là các kiến thức về các trạng thái cảm xúc khác nhau như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Từ đó, bố mẹ dạy con cách ứng xử với từng tình huống, từng cung bậc cảm xúc, biết cách điều tiết khi những cảm xúc này thể hiện thái quá.

Cũng không phải một thời gian ngắn có thể thay đổi nhược điểm này của con, bố mẹ và con kiên trì thì dần dần con sẽ có những chuyển biến tích cực.

Đồng thời, cha mẹ hãy dạy con ghi lại những cảm xúc của mình. Khi chắc chắn rằng trẻ đã hiểu được ý nghĩa những hành động của mình, hãy động viên trẻ biết kiềm chế hoặc bộc lộ tâm trạng cho phù hợp với hoàn cảnh.

Cha mẹ hãy đồng cảm khi trẻ nóng giận mới có thể tiết chế được cảm xúc tiêu cực. Ảnh minh họa.
Cha mẹ hãy đồng cảm khi trẻ nóng giận mới có thể tiết chế được cảm xúc tiêu cực. Ảnh minh họa.

Nhận biết cảm xúc của người khác

Chìa khóa để giúp trẻ học được cách kiềm chế để tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc, theo cô giáo Bùi Thu Hằng – giáo viên Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội) chia sẻ, không phải là tránh các tình huống khó xử lý đối với trẻ, mà là huấn luyện trẻ thông qua chúng.

Hãy tưởng tượng một tình huống có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, giống như một bài tập toán học về nhà phức tạp khiến trẻ bực bội và căng thẳng. Nếu cha mẹ để ý và can thiệp đến việc học của trẻ quá nhiều lúc này, trẻ sẽ có nguy cơ bị tăng áp lực và lo lắng dẫn đến việc chúng phải điều tiết cảm xúc đó của mình.

Thay vì nhiệm vụ chính của trẻ là phải nhận ra vấn đề khó khăn cần giải quyết là bài tập về nhà và tìm cách xử lý, chúng lại cảm thấy cha mẹ mới là nguyên nhân đang làm chúng nản lòng.

Giá đỡ trong trường hợp này có thể là giúp trẻ giải quyết một phần của vấn đề và để trẻ tự xử lý phần còn lại. Trong quá trình đó, trẻ có thể nghỉ giải lao để thư giãn đầu óc cũng như lấy lại năng lượng. Giờ giải lao cũng là thời điểm cha mẹ có thể kiểm tra và khen ngợi những nỗ lực của trẻ.

Thực hành là một cách hiệu quả để trẻ dần học được kĩ năng tự kiểm soát cảm xúc của mình. Người lớn hãy tạo cơ hội cho trẻ thực hành từng bước nhỏ một. Vì như vậy, mọi thứ sẽ bớt căng thẳng hơn. Đồng thời cả cha mẹ và trẻ đều không thấy bị quá áp đặt.

Cô Bùi Thu Hằng cho rằng, để giúp trẻ học cách kiềm chế cảm xúc từ đó có thể kiểm soát và điều chỉnh hành vi của bản thân, cha mẹ hãy giúp trẻ nhận biết cảm xúc của người khác.

“Trẻ cũng cần học cách nhận biết người khác cảm thấy như thế nào thông qua biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể. Qua việc nhận ra được cảm giác của người khác, trẻ sẽ dần ý thức được cách tương tác phù hợp. Đồng thời, trẻ sẽ biết cách để tiết chế cảm xúc tiêu cực cho chính bản thân” – cô Hằng chia sẻ.

Cô Bùi Thu Hằng cũng cho biết thêm, cha mẹ hãy hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau và là duy nhất nên chúng cũng cần kỹ thuật khác nhau để lấy lại sự bình tĩnh. Người lớn có thể tham khảo một số gợi ý gồm: Cho trẻ nghe nhạc, tô màu, vẽ, đi đến một khu vực yên tĩnh, bóp bóng hoặc thú nhồi bông để giảm căng thẳng…

Một khi cha mẹ đã phân biệt được các yếu tố khác nhau có thể khiến trẻ mất kiểm soát cũng như xác định được các chiến lược đối phó phù hợp, hãy cùng trẻ viết lại những câu chuyện đã xảy ra hàng ngày.

Trong câu chuyện, các bậc phụ huynh hãy hướng trẻ viết về những điều khiến trẻ buồn bực, tức giận và những cách trẻ sử dụng để giúp bản thân bình tĩnh lại. Sau đó hãy cùng trẻ đọc lại và thảo luận về những câu chuyện này hàng ngày, cũng như về những tình huống có thể xảy ra sẽ khiến trẻ khó chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.