Cách bảo vệ trẻ chưa tiêm vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Với những trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, phụ huynh cần chủ động bảo vệ con. Chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh lây bệnh và nâng cao sức khỏe của trẻ là hai chìa khóa quan trọng nhất.

Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).
Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

Chủ động phòng bệnh

Tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội ngày 2/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội không thể đợi tiêm hết vắc-xin hoặc không có Covid-19 mới cho học sinh đi học. Cần căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, linh hoạt, không máy móc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vắc-xin để Hà Nội tiêm cho toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội. Về vắc-xin cho trẻ em, Hà Nội cần tập trung tiêm cho trẻ tại vùng có nhiều ca bệnh trước.

Chia sẻ về việc bảo vệ những trẻ chưa được chủng ngừa Covid-19, bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: “Việt Nam cũng dần trở về trạng thái “bình thường mới”. Chúng ta tìm cách sống chung với dịch bệnh. Một trong những điều khiến các phụ huynh lo lắng nhất là các bé chưa được tiêm vắc-xin thì nên như thế nào trong bình thường mới”.

Chuyên gia này nhận định, đến nay, Covid-19 gây bệnh trên trẻ em không nguy hiểm như người lớn. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh nhi nhiễm Covid-19 được ghi nhận mắc Hội chứng viêm đa cơ quan do Covid-19 (Mis-C). Đây là hội chứng nguy hiểm và để lại hậu quả nặng nề.

“Vậy nên, trong khi trẻ em chưa được tiêm vắc-xin, ba mẹ cần chủ động tìm cách bảo vệ con trước đại dịch. Chủ động các biện pháp phòng tránh lây bệnh và nâng cao sức khỏe của trẻ là hai chìa khóa quan trọng nhất. Hai chìa khóa này bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.

Ví dụ như vệ sinh tay chân sạch sẽ giúp hạn chế nhiễm bệnh, không chỉ với Covid-19, mà còn các bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi nâng cao sức đề kháng của trẻ cũng là biện pháp rất tốt để phòng bệnh”, bác sĩ Công chia sẻ.

Phối hợp nhiều biện pháp

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp quyết định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao. Hiện, có 2 loại vắc-xin phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có một loại vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em là Pfizer.

Chuyên gia này nhấn mạnh, để con khỏe mạnh là kết quả từ sự phối hợp của nhiều biện pháp. Trong đó, dinh dưỡng là một phần vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, vững vàng trước đại dịch Covid-19.

Đồng thời, giúp trẻ đương đầu với các loại bệnh khác. Không những vậy, tăng cường đề kháng cho trẻ còn là nền tảng quan trọng trong mùa dịch, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt trong 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời.

“Đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định vai trò của dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng trong 1.000 ngày đầu đời quyết định đến chiều cao, cân nặng, sự phát triển của não bộ, sức đề kháng của trẻ và giảm khả năng mắc các bệnh sau này.

Sữa mẹ được xem là tiêu chuẩn vàng giúp dễ tiêu hoá, hấp thu và tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, với trường hợp mẹ thiếu sữa, hay đi làm mà không thể nuôi con 100% sữa mẹ, phụ huynh hoàn toàn có thể cân nhắc và sử dụng các loại sữa có công thức gần với sữa mẹ để bổ sung cho bé”, bác sĩ Công cho biết.

Ngoài ra, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng Glucid, Protid, Lipid, vitamin, khoáng chất… từ các nguồn tự nhiên vẫn đang sử dụng hằng ngày. Bác sĩ Phí Văn Công nhấn mạnh, để trẻ có được sức khỏe tốt, dinh dưỡng không chỉ đầy đủ mà còn cần cân bằng.

Trong khi đó, với trẻ được chủng ngừa Covid-19, ThS.BS Trần Thị Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý, cần luôn có người hỗ trợ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc-xin. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, cần tiếp tục theo dõi. Trường hợp sưng to nhanh, cần đi khám ngay. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Trường hợp không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, phụ huynh nên thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.