Tiêm vắc-xin cho trẻ em: Nguy cơ dài hạn thấp

GD&TĐ - Biến cố viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trẻ em là có, nhưng tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, nguy cơ dài hạn ở vắc-xin thường ít hoặc không có.

Theo kế hoạch, trẻ từ 12 - 15 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào tháng 12.
Theo kế hoạch, trẻ từ 12 - 15 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào tháng 12.

Trẻ có bệnh nền tiêm chủng tại bệnh viện

Chiều 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc “Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em”. Theo đó, ở phần sàng lọc, bảng kiểm tra trước tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đối với trẻ em gồm có các yêu cầu như: Đo thân nhiệt, nhịp tim.

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Nếu trẻ đủ điều kiện, tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngoài ra, theo Bộ Y tế, chống chỉ định tiêm vắc-xin cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin Covid-19. Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.

Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - cho biết, vắc-xin Pfizer-BioNTech được lựa chọn cho chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em. Liều sử dụng và kỹ thuật tiêm tương tự như đối với người lớn.

Thứ tự ưu tiên lần lượt cho nhóm trẻ từ lứa tuổi cao đến thấp. Theo đó, trong tháng 11, sẽ ưu tiên tiêm trước cho trẻ trong độ tuổi 16 - 17. Đến tháng 12, tiếp tục triển khai cho nhóm độ tuổi từ 12 - 15 tuổi.

Ngoài ra, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc thực hiện khám, sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện mở ra cơ hội lớn cho các bé mắc bệnh nền được tiếp cận với tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Từ đó, góp phần tạo nên miễn dịch cộng đồng.

Nguy cơ thấp

Vắc-xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi là Comirnaty của Pfizer. Vắc-xin được sử dụng ở trẻ tương tự người từ 18 tuổi trở lên, với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm giữa mũi 1 và mũi 2 là 4 tuần (28 ngày).

Trong khi đó, TS.BS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - dẫn chứng, từ tháng 4, các trường hợp biến cố liên quan đến viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim tăng sau khi tiêm phòng Covid-19.

Theo báo cáo tính đến ngày 26/6, trong tổng số 322 triệu liều vắc-xin, lứa tuổi từ 12 - 15 tuổi bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có 2 bệnh nhân, lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi có 16 bệnh nhân, lứa tuổi từ 18 - 24 tuổi có 196 bệnh nhân. Như vậy, biến cố viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trẻ em là có, nhưng tỷ lệ rất nhỏ.

TS Tùng giải thích, các biểu hiện viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có thể khởi phát trong tuần đầu, thông thường là sau ngày thứ ba. Tuy nhiên, các biến cố này có thể xảy ra muộn hơn.

Theo ghi nhận, trong vòng 42 ngày sau tiêm, bệnh nhân vẫn có thể xuất hiện các biến cố liên quan đến tim mạch. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, những người trẻ có biểu hiện phản ứng nhẹ, hồi phục nhanh và đáp ứng tốt với điều trị.

Theo TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ), nhiều người lo lắng về nguy cơ an toàn dài hạn của vắc-xin ở trẻ em. Tuy nhiên, nguy cơ này ở vắc-xin nói chung thường ít hoặc không có.

“99,99% các nguy cơ an toàn. Nếu có, thường xảy ra ngay trong vòng 5 - 6 tuần sau tiêm”, chuyên gia chia sẻ.

Theo TS Trung, hiện tại, trẻ từ 12 - 17 tuổi có thể và nên tiêm Pfizer hoặc Moderna. Với trẻ có bệnh nền (bao gồm béo phì), hoặc sống cùng người cao tuổi, người có bệnh nền, nên tiêm sớm. Hai vắc-xin Pfizer và Moderna được coi là an toàn. Tác dụng phụ nguy hiểm hầu như hiếm. Nếu có, người bệnh cũng có thể tự khỏi hoặc chữa được. Đồng thời, lợi ích lớn hơn nhiều so với nguy cơ.

“Do chưa có đủ thông tin về hiệu lực và an toàn của vắc-xin Trung Quốc/ Cuba trong nhóm dưới 18 tuổi và do nguy cơ bệnh nặng thấp, theo tôi, Việt Nam chưa nên dùng 2 vắc-xin này ở trẻ em. Với nhóm 5 - 11 tuổi, kể cả khi Pfizer đã được sử dụng ở Mỹ, chưa chắc vắc-xin này đã được dùng rộng rãi ở châu Âu hay các nước khác vì nguy cơ bệnh nặng do Covid-19 ở nhóm tuổi này rất thấp. Việt Nam nên chờ Mỹ sử dụng trước và có thêm số liệu an toàn cho nhóm 5 - 11 tuổi”, chuyên gia nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.