Cùng trong một tiết dạy, giáo viên sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho HS đủ để thi ĐH, CĐ.
Công tác kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều thay đổi mạnh mẽ với tinh thần vừa cung cấp kiến thức vừa hình thành phẩm chất, kỹ năng cho HS.
Cấu trúc “3W"
Ra đề theo hướng mở đối với những môn thi theo hình thức tự luận không còn là điều quá mới mẻ ở nhiều trường phổ thông. Thầy Nguyễn Đức Phước - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Lệ (Đà Nẵng) - cho biết: Nhà trường chủ trương kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra đề theo kiểu học thuộc.
Ngay như môn Ngữ văn, bao giờ cũng có một câu theo dạng nghị luận xã hội để giáo dục kỹ năng, thái độ của HS thông qua việc cho các em phát biểu quan điểm, suy nghĩ của cá nhân.
Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú đã hướng dẫn cho các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra theo hướng có tính phân hóa cao.
Ngoài một số môn của lớp 12 thi chung theo đề thi của Sở GD&ĐT, cấu trúc đề kiểm tra, đề thi học kỳ phải đảm bảo có các mức độ: Đánh giá nhận biết, thông thạo, vận dụng vào thực tiễn. Việc này được thể hiện trong ma trận câu hỏi, GV phải thiết kế các câu hỏi sao cho đảm bảo được yêu cầu phân hóa trình độ học sinh.
Chính tinh thần việc kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng ở kiến thức và kỹ năng HS học được, mà phải kiểm tra được khả năng và mức độ vận dụng đã tác động nhiều đến phương pháp giảng dạy của toàn bộ GV.
Theo ông Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), với việc ra đề mở của Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây, GV cũng dần dạy theo hướng mở, kiến thức được cũng được cung cấp theo hướng tập trung, không dàn trải.
Ngay cả trong mỗi tiết học, các GV cũng đều có những câu hỏi tình huống. “Không chỉ phương pháp kiểm tra mà cả phương pháp dạy cũng phải giải quyết ba câu hỏi: Tạo sao, làm gì và làm như thế nào? Bất kỳ đơn vị kiến thức nào cũng tập trung vào 3 câu hỏi này” - Ông Vinh nhấn mạnh.
Mỗi tháng, trong nội dung sinh hoạt các tổ chuyên môn ở Trường THPT Trần Phú đều có một chuyên đề nghiên cứu về vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục, từ phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá, ôn tập…
Về phía HS, Đoàn trường cũng tổ chức Hội nghị học tốt ở các lớp học và quy mô toàn trường để nhằm giúp HS chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm học tập, khai thác tài liệu để từ đó, tìm cho mình một cách thức học tập, tích lũy kiến thức phù hợp.
Theo cô Lê Thị Bích Thuận - Phó Hiệu trưởng, chủ trương hướng dẫn cho HS phương pháp tự học đã bước đầu có những diễn biến tốt khi số lượng thẻ thư viện cũng như lượng sách tham khảo mà HS mượn đã tăng đột biến so với các năm học trước.
Học đến đâu, ôn thi đến đấy
Một số trường ở Đà Nẵng như Trường THPT Trần Phú, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Hiền… đã sớm tổ chức cho HS đăng ký môn tự chọn còn lại để tổ chức lớp ôn tập. Như Trường THPT Trần Phú, HS được tư vấn chọn môn nằm trong tổ hợp một xét tuyển sinh ĐH, CĐ, việc tư vấn sẽ do GV bộ môn, GV chủ nhiệm đảm nhận trên cơ sở phân tích năng lực học tập cùng với nguyện vọng của HS.
HS cũng được lựa chọn GV để học ôn với môn tự chọn và được bố trí vào hai tiết của ngày thứ 5. “Việc HS được chọn GV để học ôn vừa phát huy tính dân chủ của HS, cũng vừa là “thông điệp” để GV nâng cao chất lượng bài giảng” - Cô Thuận cho biết. Việc ôn tập 3 môn thi bắt buộc đã được nhà trường tiến hành từ đầu tháng 11 thông qua các tiết tự chọn.
Để cho HS quen dần với cách thức, không khí thi cử, Trường THPT Nguyễn Hiền, THPT Trần Phú, Cẩm Lệ đã tổ chức kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ theo đề thi chung cho toàn khối và ngồi theo phòng thi như thi tốt nghiệp và cũng chấm điểm theo phòng thi.
Ông Lê Vinh cho biết: “Năm nay, điểm thi tốt nghiệp cũng sẽ tham gia xét tuyển ĐH, CĐ nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ rất cao. Việc đề thi có tính phân hóa cao cùng với việc tổ chức theo cụm thi nên khả năng “may mắn” cho thí sinh trong trao đổi bài là không có.
Chính vì vậy, chúng tôi phải “tập dượt” cho HS thông qua các kỳ kiểm tra, đây cũng là căn cứ để nhà trường điều chỉnh cách thức giảng dạy, ôn tập và định hướng cho HS, phụ huynh trong chọn trường, chọn nghề…”.
Thầy Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: Ngay từ khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi, Sở đã chỉ đạo cho các trường có những điều chỉnh trong mục tiêu dạy - học.
“Từ trước đến nay, các trường THPT chỉ tập trung cho mục tiêu thi tốt nghiệp THPT là chủ yếu. Với phương án này, GV sẽ phải dạy theo hướng phân hóa đối tượng, cùng trong một tiết dạy nhưng sẽ có nhiều mức độ cung cấp kiến thức khác nhau, vừa phải đảm bảo tính toàn diện, vừa phân hóa cho HS đủ để thi ĐH, CĐ.
Với những đổi mới phương thức thi như hiện nay, yêu cầu với các trường sẽ phải cao hơn: Vừa phải đảm bảo giáo dục toàn diện, vừa phải đảm bảo chất lượng của cả kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ”.
Cũng theo thầy Lê Trung Chinh thì với cách thức tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, HS sẽ được tăng thêm nhiều cơ hội trong việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai.
“Vấn đề còn lại là các trường học phải đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp. Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho ban tư vấn hướng nghiệp của các trường về thông tin nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động để có những định hướng thích hợp cho HS”.
“Với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, HS không thiếu thông tin về nghề nghiệp nhưng lại không xác định được năng lực của mình. Chính cách điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ sau khi có điểm thi sẽ giúp học trò nhìn nhận được năng lực thực tế của mình để lựa chọn trường phù hợp”.
Thầy Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng