Tại Đức, Uber đã bị tòa án Frankfurt cấm trên toàn đất nước. Uber còn gặp nhiều rắc rối pháp lý tại Hà Lan, Tây Ban Nha, Braxin. Trong khi đó, Pháp đã chính thức cấm dịch vụ này và cảnh sát đột kích các văn phòng của Uber, thu giữ tài liệu, điện thoại di động của lái xe.
Tình hình Uber tại quốc gia châu Á Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn khi giám đốc nhãn hiệu bị bắt, CEO cũng đã có trát gọi hầu tòa.
Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng dịch vụ gọi taxi qua phần mềm Uber ngày càng tăng cao nên ở một số nước châu Á khác vẫn "mở cửa" đón nhận loại dịch vụ này nhưng quản rất chặt các điều kiện hoạt động.
Khi nhu cầu sử dụng dịch vụ ứng dụng gọi taxi như Uber nở rộ, Singapore là một trong số ít những nước "mở cửa" cho loại dịch vụ này. Vì điều kiện đường sá chật hẹp, Chính phủ Singapore luôn tìm mọi cách để hạn chế xe cá nhân.
Bởi lẽ đó, taxi rất phổ biến và giá rẻ hơn so với những nước phát triển khác. Singapore cũng đã thông qua Luật Cung cấp dịch vụ gọi taxi qua bên thứ 3 như Uber, Grab Taxi, Hailo…
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cũng có quan điểm "ủng hộ sáng kiến mới" nhưng vẫn siết chặt. Mặc dù đang phải cạnh tranh với Didi Kuaidi và Didi Dache cũng như một số dịch vụ khác, Uber vẫn "lạc quan" hoạt động kinh doanh của họ sẽ phát triển tại Trung Quốc.