Có thể nói yếu tố quan trọng nhất đối với trí thông minh nhân tạo nằm ở khả năng tự nhận thức, nói nôm na là khả năng nhận ra chính mình như một cá nhân riêng biệt so với những người khác. Giờ đây, các nhà khoa học đến từ Mỹ đã làm được điều đó.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Rensselaer Polytechnic AI (New York, Hoa Kỳ) vừa qua đã thực hiện một bài thí nghiệm nho nhỏ đối với 3 chú robot có bề ngoài đáng yêu của mình. Trong thử nghiệm này, Selmer Bringsjord - chủ nhiệm khoa Khoa học nhận thức tại viện nghiên cứu, đã sử dụng mẫu robot NAO của công ty Pháp Aldebaran. Ông lập trình những robot này với một thuật toán độc quyền, được gọi là Deontic Cognitive Event Calculus, cho phép robot có thể lý luận.
Tiến hành bài test, 3 chú robot được bảo rằng: “2 trong số mấy đứa đã được cho uống thuốc ngu ngốc”, biểu hiện của điều này là robot không thể nói. Việc cho “uống thuốc ngu ngốc” thực chất chỉ là hành động ấn một nút nhỏ trên đầu hai robot nói trên. Tuy nhiên, không robot nào có thể biết được đâu là nhân vật không được cho uống thuốc. Sau đó, các nhà khoa học bắt đầu hỏi xem ai vẫn còn khả năng nói.
Trong đoạn video quay lại quá trình thử nghiệm, sau một hồi im lặng, một robot bỗng lên tiếng: “Tôi không biết”. Thực chất thì cả ba đều nghĩ được câu trả lời là thế, nhưng vì 2 trong số đó không được phép phát âm mà thôi. Ngay sau đó, NAO lập tức đưa tay lên như một cậu học sinh ngoan ngoãn và bẽn lẽn: ”Xin lỗi, tôi biết bây giờ tôi đã có thể chứng minh rằng tôi đã không được trao thuốc ngốc nghếch”.
Rõ ràng là robot trong thí nghiệm trên đã chứng minh nó có khả năng tự nhận thức, qua việc nắm được quy tắc của trò chơi, nhận ra khả năng nói của mình cũng như ý thức được nó là một cá thể riêng biệt so với 2 robot còn lại. Có thể xem đây là một bước tiến rất lớn giúp AI vươn lên thêm một bậc về khả năng tư duy. Dự kiến Bringsjord sẽ trình diễn những robot này tại hội nghị về robot và khả năng tương tác với con người - RO-MAN 2015 , được tổ chức tại Kobe (Nhật Bản) từ ngày 31/8 đến 4/9 sắp tới.