Các loại thuốc lá ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của sinh viên

GD&TĐ - Các loại thuốc lá không chỉ tác động đến cơ thể, sức khỏe của sinh viên mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của các em.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sau 1 tuần tham gia tuần sinh hoạt công dân, tân sinh viên Nguyễn Thế Học – Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đã nhận thức sâu sắc về tác hại thuốc lá đối với học sinh, sinh viên.

Dù không nghiện nhưng Thế Học thừa nhận, những năm học THPT có cùng bạn bè hút thuốc lá trong một số cuộc vui sinh nhật. Rất nhiều lần, Thế Học phải hút thuốc lá thụ động. “Nay được các thầy, cô Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá, em sẽ chủ động tránh xa nó để không ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai” – Thế Học chia sẻ.

Sinh viên Đỗ Hoàng Giang - lớp K13A-TLHGD, Học viện Quản lý giáo dục - cho hay, hiện vẫn còn một số bạn hút thuốc lá, thuốc lào. Một số bạn còn sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha…

Sau khi được Hội sinh viên, đoàn thanh niên tuyên truyền, nhiều sinh viên đã tự nguyện bỏ và nói không với thuốc lá. Nhiều bạn đã tích cực chung tay xây dựng giảng đường, nơi ở không khói thuốc. “Ở trường, chúng em được tham gia nhiều chương trình, hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có phòng chống tác hại của thuốc lá”- Hoàng Giang chia sẻ.

TS Đặng Thị Thanh Thảo – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục Chính trị - Công tác sinh viên (Học viện Quản lý Giáo dục) – cho hay, thực tế vẫn còn sinh viên hút thuốc lá. Các loại thuốc lá không chỉ tác động đến cơ thể, sức khỏe của sinh viên mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của các em.

Đặc biệt, trong thuốc lá có chất nicotin gây nghiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra, những học sinh, sinh viên hút thuốc lá thường bị thay đổi tâm tính, từ hiền lành, chăm học, ngoan ngoãn trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ dàng nổi cáu, thậm chí là nói dối, bỏ học, ăn cắp để có tiền mua thuốc hút.

“Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng phòng ở ký túc xá của sinh viên. Trong đó, nhấn mạnh đến tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, chúng tôi phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha để sinh viên biết, từ đó tránh xa. Thông qua các khẩu hiệu, các hình ảnh nguy hại của thuốc lá, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp đến sinh viên: Cùng chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc” – TS Thanh Thảo nhấn mạnh.

Sinh viên Đỗ Hoàng Giang cho biết Học viện Quản lý giáo dục tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động ngoại khoá để truyền cho sinh viên nói không với các loại thuốc lá. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Đỗ Hoàng Giang cho biết Học viện Quản lý giáo dục tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động ngoại khoá để truyền cho sinh viên nói không với các loại thuốc lá. Ảnh: NVCC.

Theo báo cáo mới nhất, toàn quốc có khoảng 15,6 triệu người hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào; trong đó nam giới chiếm 45,3% và nữ giới chiếm 1,1%. Hàng năm, Việt Nam chi tới 24.000 tỷ đồng để điều trị mới cho hàng trăm nghìn bệnh nhân thuộc 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra, như ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính...

Tại Hà Nội, tỷ lệ hút thuốc lá chung của người dân là 24,1%. Trong đó, 49,18% là nam giới và 0,5% là nữ giới, ở độ tuổi từ 18 - 69. Đáng chú ý, trong đó, 81,7% là người dân từ 11 – 22 tuổi. Nhóm tuổi này chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Các chuyên gia y tế đánh giá, tỷ lệ tới 81,7% học sinh, sinh viên hút thuốc trên địa bàn là con số đáng báo động. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh mà còn gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội.

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 loại hóa chất, bao gồm 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của hàng loạt bệnh không lây nhiễm như: tai biến mạch máu não, bệnh đường hô hấp mạn tính, ung thư (phổi, gan, dạ dày, vòm họng…), bệnh tim, đái tháo đường. Trên thế giới, hơn 8 triệu người đã chết do hút thuốc trực tiếp và có tới 890.000 người thiệt mạng do hút thuốc thụ động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ