Ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới
Khoảng 10 năm trở lại đây, để thu hút người dùng, ngành công nghiệp thuốc lá đã nghiên cứu và dần chuyển đổi từ sản xuất thuốc lá truyền thống sang sản xuất thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá nung nóng... với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới.
Rất nhiều quảng cáo được đưa ra gây hiểu lầm rằng thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là thuốc lá điện tử ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, thậm chí có thể được sử dụng như một phương pháp giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên, trên thực tế, nó không những có tác hại như thuốc lá truyền thống mà còn có nguy cơ gây tác động xấu tới xã hội, môi trường như có thể gây cháy nổ, tai nạn cho người sử dụng do dụng cụ hút không bảo đảm an toàn, hoặc ngộ độc do sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Cấu tạo của thuốc lá điện tử gồm pin lithium, công tắc kích hoạt làm nóng tinh dầu, bộ vi xử lý, bình chứa tinh dầu, bộ phận đốt tinh dầu và cuối cùng là tẩu thuốc. Tuy nhiên, đó chỉ là thiết kế phần cứng. Phần quan trọng nhất của mỗi điếu thuốc lá điện tử là tinh dầu chứa các chất nicotine, propylene glycol, glycerine, các hương liệu vị bạc hà, anh đào, socola, cà phê…
Cũng như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử đưa một lượng nicotine (được hấp thu qua phổi vào máu) vào cơ thể. Ngoài việc là một loại thuốc gây nghiện cao, nicotine trở nên rất độc hại khi sử dụng với nồng độ cao.
Trên thế giới đã có trường hợp tử vong khi chất lỏng nicotine trong thuốc lá điện tử hấp thu qua da. Nicotine ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim. Lượng nicotine càng lớn thì huyết áp và nhịp tim càng cao. Điều này có thể gây loạn nhịp tim. Khi dùng liều lượng lớn nicotine, loạn nhịp tim có thể gây suy tim và tử vong.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.
Trước thực trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học trên cả nước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các đơn vị giáo dục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành công văn về tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, shisha). Dư luận đánh giá, đây là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn “đường đi” của các loại thuốc lá mới vào trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, tiềm ẩn nguy cơ trước mắt và lâu dài về sức khỏe của học sinh, sinh viên.
Một số bệnh liên quan đến hút thuốc lá. |
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội), nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường học không khói thuốc, thời gian qua, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tập trung tuyên truyền giáo dục cho học sinh lối sống lành mạnh vì chính mình và vì cộng đồng.
Cùng với đó, các nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như: Tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tới học sinh các cấp trong giờ học ngoại khóa, sau giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp.
Các nhà trường đã tổ chức lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong một số môn học; phối hợp với Công an quận Hà Đông ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn trường học; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.
Còn thầy Hoàng Châu Tuấn- Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: Không chỉ Ban Giám hiệu mà Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng cùng vào cuộc triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá, thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt tổ, đội, nhóm để nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá mới đối với sức khỏe con người.
Ngoài ra, nhà trường cũng thành lập Đội phòng, chống hút thuốc lá, với lực lượng nòng cốt chính là những em học sinh đã từng hút thuốc hoặc có nguy cơ hút thuốc lá. Sử dụng lực lượng này bởi chính các em biết rõ nhất bạn mình ai là người hút thuốc, hút vào thời điểm nào, hút ở đâu, hút loại thuốc lá nào, để từ đó có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Hằng- giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Học sinh cấp THPT là đối tượng rất dễ bị lôi kéo, nhất là ở lứa tuổi này tâm sinh lý thay đổi, muốn chứng tỏ bản thân... Do đó, nhà trường đã tuyên truyền cho học sinh về khuyến cáo của Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá mới rất có hại cho sức khỏe của chính người hút và những người xung quanh, trong đó nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gặp các bệnh về tim mạch, hô hấp.
Hiện nay, tại nhiều trường học đã tăng cường các biện pháp từ giáo dục đến giám sát để học sinh không tiếp cận và sử dụng các loại thuốc lá mới này. Tuy nhiên, việc các em sử dụng thuốc lá bên ngoài trường học, sau giờ tan trường là rất khó kiểm soát. Do đó, bên cạnh sự sát sao của nhà trường, rất cần sự vào cuộc của gia đình, và toàn xã hội để các em nhận rõ tác hại của các loại thuốc lá mới.