Đi tìm nguyên nhân học sinh hút thuốc lá

GD&TĐ - Một trong những nguyên nhân học sinh hút thuốc lá chính là việc mua bán thuốc lá quá dễ dàng.

Trường THPT Xuân Phương mời Công an quận Nam Từ Liêm về hướng dẫn cho học sinh các kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội. Ảnh NTCC.
Trường THPT Xuân Phương mời Công an quận Nam Từ Liêm về hướng dẫn cho học sinh các kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội. Ảnh NTCC.

Những nguyên nhân khiến học sinh tìm đến thuốc lá

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Minh Tuyết – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện nay, học sinh hút thuốc lá là hiện tượng không hiếm gặp, nó đang có nguy cơ trở thành một trào lưu.

Nguyên nhân học sinh hút thuốc thì có rất nhiều như: thiếu bản lĩnh, muốn tìm đến một thú vui mới lạ; có em muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành thông qua việc hút thuốc.

Hay, nhiều em do ảnh hưởng từ gia đình. Ví dụ: Trong gia đình có người thân hút thuốc, các em bắt chước theo để thử cảm giác hút thuốc là như thế nào. Một số em, do ảnh hưởng bởi một số diễn viên, ca sĩ mình hâm mộ hay bộ phim mình thích nên bắt chước thói quen của họ.

Đặc biệt hiện nay, việc mua bán thuốc lá dễ dàng đối với trẻ vị thành niên, sự thiếu quan tâm nhắc nhở của người lớn dẫn đến tăng tỷ lệ hút thuốc lá ở học sinh.

Cô Tuyết cũng phân tích thêm, khi cuộc sống hiện nay có nhiều cạm bẫy, nhiều em kỹ năng từ chối hạn chế dẫn đến khi trong nhóm bạn mình chơi có thành viên hút thuốc lá rủ rê dẫn đến bản thân dễ sa vào những lời rủ rê đó.

Theo đó, cô Tuyết cho rằng để ngăn chặn tệ nạn hút thuốc lá trong trường học thì cần có sự phối hợp giữa học sinh, nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng.

Đối với nhà trường cần trang bị cho các em kỹ năng từ chối; phân tích cho các em hiểu rõ tác hại của việc hút thuốc lá để có lập trường vững vàng trước những lời mời gọi của bạn bè.

Đối với học sinh: Khi bị lôi kéo mình hút thuốc, nên hạn chế tiếp xúc ở không gian riêng. Mạnh dạn phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, gia đình học sinh hút thuốc biết để thầy cô và gia đình có biện pháp xử lý. Nên thẳng thắn nói “không”, tỏ rõ lập trường của bản thân khi bị lôi kéo.

Đối với gia đình: Cần sát sao, đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lý, những thay đổi mà học sinh đang có. Nên động viên các em khi áp lực trong việc học.

Bố mẹ, người thân trong gia đình nên làm gương cho con cái, không nên hút thuốc lá, thường xuyên giáo dục các em về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các em như thế nào.

Đối với cơ quan chức năng: Cần có những quy định về quản lý việc buôn bán thuốc lá, nên có các cơ chế tài xử phạt đối với những cửa hàng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Học sinh Trường THPT Xuân Phương tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường THPT Xuân Phương tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh NTCC.

Đẩy mạnh giáo dục

Đối với Trường THPT Xuân Phương, để giáo dục học sinh về việc phòng chống tệ nạn hút thuốc lá, nhà trường luôn đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các trang thông tin của nhà trường như Website, Facebook, Zalo…

Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề đầu tuần, sinh hoạt dưới cờ có nội dung phòng chống tệ nạn hút thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học. Mời Công an quận Nam Từ Liêm, Học viện Cảnh sát nhân dân về tuyên truyền cho học sinh tác hại của việc hút thuốc và cách phòng ngừa.

Đưa việc hút thuốc lá trở thành một trong những điều cấm trong Nội quy học sinh. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc ngay từ đầu năm học.

Tăng cường công tác giám thị, vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền và kiểm tra giám sát hàng ngày.

Treo các băng rôn, khẩu hiệu, các hình ảnh minh họa để tác động vào thị giác, có tác dụng nhắc nhở các em mọi lúc mọi nơi.

“Thầy cô chủ nhiệm và thầy cô các bộ môn trong quá trình giảng dạy cũng luôn lồng ghép khéo léo nội dung tuyên truyền giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, trong đó có việc hút thuốc”, cô Tuyết nói.

Đồng thời, nhà trường cũng xây dựng văn hóa trường học không thuốc lá sẽ tác động tích cực đến các em học sinh. Trước hết đảm bảo cho các em có được một cơ thể khỏe mạnh, một trí tuệ minh mẫn và tiết kiệm được một khoản tiền không phải bỏ ra để mua thuốc hút.

Tuổi các em chưa làm ra tiền, nếu muốn hút thuốc, các em sẽ phải tiết kiệm tiền ăn sáng bố mẹ cho hoặc đi làm thêm để có tiền.

Hơn nữa, hình ảnh học sinh với gương mặt non nớt đã phì phèo điếu thuốc trên môi là một hình ảnh không đẹp, mất đi vẻ hồn nhiên đáng yêu của tuổi học trò.

Hút thuốc lá sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như ăn cắp, ăn trộm để có tiền mua thuốc và dễ sa vào các tệ nạn khác của xã hội.

Từ hút thuốc lá đến hút thuốc phiện, sa vào tệ nạn ma túy và kết thúc cuộc đời trong khói thuốc là việc dễ xảy ra. Cho nên, xây dựng trường học không thuốc lá là trách nhiệm của các nhà quản lý và sự vào cuộc của toàn xã hội. Đó cũng là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.