Bộ An ninh Nội địa Mỹ ban hành lệnh cấm sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng bởi họ phát hiện mối đe dọa vài tuần trước. Theo đó, những thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại di động không được mang lên máy bay. Máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh... được chuyển sang hành lý ký gửi sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng. Quy định này được áp dụng với khoảng 12 hãng hàng không từ 8 nước ở vùng Trung Đông và Bắc Phi như Jordan, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Chỉ vài giờ sau, Anh cũng đưa ra thông báo tương tự, áp dụng với các chuyến bay đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Anh cho biết các biện pháp này sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 25-3.
Các quan chức Mỹ không nói rõ lệnh cấm kéo dài bao lâu, nhưng hãng hàng không Emirates cho biết hãng được chỉ thị thực thi lệnh cấm cho đến ngày 14-10.
Vì sao cấm?
Theo một quan chức Mỹ, thông tin tình báo thu được trong những tuần gần đây cho thấy nhánh Al-Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP) đang hoàn thiện kỹ thuật giấu các vật liệu nổ trong pin, chi tiết cấu thành trong máy tính xách tay và các thiết bị điện tử thương mại khác. Các quan chức Mỹ cho biết các phần tử khủng bố đang thiết kế chế tạo “bom cải tiến”, trong đó có việc cài thiết bị nổ cực mạnh vào bên trong máy tính xách tay. AQAP tại Yemen hiện có trong tay một trong những kẻ chế tạo bom khét tiếng nhất thế giới là Ibrahim Hassan al-Asiri. AQAP từng lên kế hoạch làm nổ tung máy bay chở khách của Mỹ. Các nhà chức trách Mỹ tin rằng hiện có những âm mưu tương tự như vụ đánh bom năm ngoái ở Somalia, khi một quả bom giấu trong máy tính xách tay phát nổ, tạo ra một lỗ hổng lớn trên thân máy bay.
Theo một quan chức hàng không, giới tình báo cho biết lệnh cấm này không phải là “động thái chính trị” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một quan chức chống khủng bố Mỹ cho biết: “Washington lo ngại những kẻ khủng bố nhắm mục tiêu hàng không dân dụng, trong đó có các sân bay trong 2 năm qua. Các nguồn tin của chúng tôi cho biết rằng các nhóm khủng bố đang ráo riết lên kế hoạch tấn công ngành hàng không dân dụng”.
Nhiều hãng hàng không ở Trung Đông bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: CNN
Ảnh hưởng
Các hãng hàng không Trung Đông phải đối mặt với những hạn chế về đi lại mới sau lệnh cấm của Mỹ.
Lệnh cấm này có thể ảnh hưởng đến khoảng 50 chuyến bay mỗi ngày. Các nhà phân tích dự đoán nó sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc kiểm tra tại sân bay và dẫn đến sự sụp đổ của nhiều hãng hàng không bị cấm khi hành khách chọn các tuyến đường khác. Turkish Airlines và 3 nhà khai thác hàng đầu ở Vùng Vịnh, dẫn đầu bởi Emirates, có nguy cơ bị mất thị phần nhiều nhất bởi lệnh cấm của Mỹ vì những hành khách trên các chuyến bay của các hãng này cần truy cập máy tính xách tay và các thiết bị khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Arslan lo ngại, lệnh cấm sẽ làm giảm sự thoải mái trong chuyến bay và dẫn đến sự sụt giảm số lượng hành khách. Ông đề nghị Mỹ “dỡ bỏ hoặc nới lỏng” lệnh cấm này.
Mark Martin, chuyên gia tư vấn hàng không ở Dubai cho rằng, lệnh cấm không thể làm chệch hướng mối đe dọa khủng bố vì bọn khủng bố vẫn có thể bay từ Trung Đông thông qua các sân bay khác, như Frankfurt, nơi vẫn chưa có giới hạn về các thiết bị được mang lên máy bay, và đến Mỹ. Theo ông Martin, “không ai muốn rời khỏi máy tính xách tay hoặc máy tính bảng của mình trên một chuyến bay đường dài, đặc biệt là khi chúng chứa những dữ liệu nhạy cảm”.