Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cần đồng bộ, phù hợp

Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cần đồng bộ, phù hợp

(GD&TĐ) - Sáng nay 07/04 tại Đại học Thái Nguyên, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý và Giám đốc Đại học Thái Nguyên Từ Quang Hiển, 15 trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã cùng tham gia bàn thảo các giải pháp thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.  

Thứ trưởng Trần Quang Quý và Giám đốc Từ Quang Hiển điều hành Hội nghị
Thứ trưởng Trần Quang Quý và Giám đốc Từ Quang Hiển điều hành Hội nghị

Với quan điểm, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy là nhiệm vụ cốt lõi, lâu dài trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của cơ sở giáo dục đại học trong xu thế cạnh tranh, là lương tâm, trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội, đối với đất nước, GS.TS Từ Quang Hiển – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã tổ chức quán triệt nội dung thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên trong toàn Đại học. Giao cho các bộ phận chức năng của Đại học xây dựng thành Đề án với các chỉ tiêu kế hoạch và biện pháp thực hiện chi tiết, cụ thể cho từng năm.

Đại học Thái Nguyên xây dựng những chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên có thể tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ như: Ưu tiên 01 đề tài cấp Bộ cho nghiên cứu sinh, thực hiện nâng lương sớm cho nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ đúng thời hạn, thưởng thêm 01 bậc lương cho nghiên cứu sinh đã hoàn thành luận án tiến sĩ trước thời gian quy định, bố trí nhà ở cho các giảng viên trẻ, đưa việc thực hiện các chỉ tiêu đi học tiến sĩ, thạc sĩ, tiếng Anh, tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua hàng năm...

Bên cạnh đó, các trường thành viên trong Đại học cũng đề ra nhiều chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu sinh, như hỗ trợ một khoản tiền từ 20 – 50  triệu đồng/nghiên cứu sinh, thưởng hiện vật cho nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ trước thời gian quy định.

Ông Nguyễn Văn Tư (Đại học Y – Dược): Quan trọng nhất là ý thức học tập trong SV, trò thụ động thì thầy cũng chịu, chất lượng phải từ 2 phía.
Ông Nguyễn Văn Tư (Đại học Y – Dược): Quan trọng nhất là ý thức học tập trong SV, trò thụ động thì thầy cũng chịu, chất lượng phải từ 2 phía.

Thực tế cho thấy, trong quá trình tổ chức dạy học, giảng viên dạy thế nào, tổ chức thi thế nào thì sinh viên học thế đó. Trong nhiều căn nguyên gây ra tình trạng thụ động, trì trệ, thiếu phương pháp học tập của sinh viên thì cách dạy, cách tổ chức dạy học, cách thi là nguyên nhân cơ bản nhất.

PGS.TS Trịnh Xuân Tráng (Trường Đại học Y Dược) khẳng định việc thực hiện đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập của người học vừa phản ánh kiến thức người học đồng thời có tác động trở lại đối với quá trình học tập. Nếu quá trình kiểm tra, đánh giá không công bằng thì có tác dụng tiêu cực, vì vậy việc thực hiện tốt khâu kiểm tra thi đánh giá kết quả học tập khách quan công bằng là một trong các điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng đào tạo.  

Trước 15/5 các trường phải có cam kết về chất lượng và chương trình hành động
 Ông Nguyễn Quốc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và du lịch: Năm học 2008 – 2009 trường chúng tôi chi gần 1 tỷ cho các đối tượng chính sách, người dân tộc, điều này ảnh hưởng đến chi chung cho đào tạo, mong Nhà nước có giải pháp tháo gỡ. 

Đến nay mặc dù trên 90% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo nhưng chất lượng còn có nhiều vấn đề, nhiều kiến thức kỹ năng chưa được cập nhật, trình độ ngoại ngữ nhìn chung còn yếu, trình độ tin học còn hạn chế, các kỹ năng mềm còn yếu. Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của thực tiễn cuộc sống. 

Từ thực tế đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, PGS.TS Trần Chí Thiện ( Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh) cho rằng: Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa, các bộ môn và giảng viên cần phải xác định đúng chiến lược phát triển xây dựng nhà trường cho trúng, phù hợp với các điều kiện cho phép; Xác định rõ chuẩn đầu ra cho từng chuyên ngành; Lãnh đạo trường, khoa, bộ môn cần chú trọng triển khai công tác “ba công khai” trong đó không ngừng cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của người học - sinh viên là rất quan trọng, ngoài những cố gắng của thầy cô giáo, nhà trường thì sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo có vai trò quyết định tới thành công của việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trước 15/5 các trường phải có cam kết về chất lượng và chương trình hành động
Trước 15/5 các trường phải có cam kết về chất lượng và chương trình hành động

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định: Sau 23 năm đổi mới, giáo dục đại học đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung, điều này đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những quan tâm lớn để phát triển giáo dục đại học. Lần đầu tiên năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng toàn quốc, Thủ tướng đã chỉ ra những yếu kém cần tháo gỡ, đặc biệt là hạn chế về quản lý.

Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên, đến nay chuyển biến còn chậm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần đổi mới triệt để công tác quản lý giáo dục đại học là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành. Thứ trưởng nhấn mạnh trong thời gian tới các trường cần tiếp tục thảo luân rộng rãi trong cán bộ giảng viên, sinh viên các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trước 15/5 nhà trường phải có cam kết về chất lượng, căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng kế hoạch hành động gửi về Bộ và đưa lên website để công luận biết.

ND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.