Các giải pháp hữu hiệu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục

GD&TĐ - Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được xác định là nhân tố quyết định việc đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay còn bộc lộ những yếu kém về phẩm chất và năng lực.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được xác định là nhân tố quyết định việc đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa/Minh Phong
Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được xác định là nhân tố quyết định việc đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa/Minh Phong

Do đó, cần có những đánh giá thực trạng và các giải pháp hữu hiệu để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý của ngành đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục và xác định đây là khâu then chốt quyết định sự thành bại trong công cuộc đổi mới của GD-ĐT hiện nay.

GS Phạm Quang Trung dẫn giải, tính đến nay, cả nước có 15.400 cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) làm việc ở Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, khoảng 90.000 CBQLGD (Ban Giám hiệu các trường, Ban chủ nhiệm các khoa, lãnh đạo các phòng, ban) làm việc tại gần 40.000 trường học các loại, trong đó có trên 400 trường đại học, cao đẳng;

Đội ngũ CBQLGD chiếm khoảng 10% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, trong đó khoảng 18% ở giáo dục mầm non, 65% ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, 6% cao đẳng, đại học, 11% ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Phần lớn CBQLGD là những nhà giáo khá, giỏi được bổ nhiệm, được điều động từ nhà giáo sang làm công tác quản lý. Đa số đội ngũ CBQLGD của ngành là những người năng động, thích ứng luôn coi trọng đạo đức người thầy và thích ứng nhanh với sự đổi mới.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục ở một bộ phận cán bộ quản lý có tiến bộ, nhất là ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Từ thực tế, GS Phạm Quang Trung đề xuất 7 giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện để lập lại trật tự, kỷ cương nền nếp trong dạy và học và quản lý giáo dục, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, tạo môi trường giáo dục lành mạnh.

Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Thứ hai, củng cố sắp xếp lại để nâng cao năng lực hệ thống trường sư phạm

Tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất cho hai trường Đại học Sư phạm trọng điểm. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay. Tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng ký túc xá cho các trường sư phạm.

Hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy, học tập, phòng thí nghiệm, thực hành. Ưu tiên tập trung đầu tư cho các trường sư phạm đào tạo các loại hình giáo viên còn thiếu. Xây dựng đội ngũ giảng viên sư phạm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất và năng lực vững vàng đáp ứng yêu cầu đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học ở trường sư phạm.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đưa giảng viên trẻ đi đào tạo tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các dự án vay vốn nước ngoài. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học giáo dục với các trường đại học, cao đẳng danh tiếng trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục mở các lớp tạo nguồn tuyển sinh cao học cho các trường sư phạm các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các trường này có trách nhiệm đảm bảo chỉ tiêu, cử các cán bộ có đủ năng lực đi đào tạo cao học và nghiên cứu sinh. Phấn đấu tăng số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo có học vị tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư để nâng cao chất lượng đào tạo cho ngành.

Rà soát xây dựng quy hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng. Trước mắt chỉ đạo các địa phương giải quyết ngay tình trạng thiếu giáo viên các cấp.

Xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học. Đẩy mạnh bồi dưỡng chuẩn hóa số giáo viên dưới chuẩn, đồng thời chấm dứt đào tạo giáo viên dưới chuẩn.

Bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, phương pháp nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trình độ tay nghề, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên các cấp.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong các trường cao đẳng, đại học, chú trọng nghiên cứu khoa học vào việc đổi mới nội dung phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD.

Củng cố các cơ sở đào tạo bồi dưỡng CBQLGD hiện có. Tập trung đầu tư xây dựng Học viện Quản lý giáo dục và Trường CBQLGD thành phố Hồ Chí Minh đủ khả năng đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD có trình độ cao và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục.

Từng bước hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD trên cơ sở các quy định về nội dung, chương trình, đội ngũ cán bộ, giảng viên và cán bộ quản lý, về cơ sở vật chất và trang thiết bị, về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng CBQLGD phải đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Chỉ đạo xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý theo hướng cập nhật, linh hoạt và thiết thực. Thống nhất hệ thống văn bằng chứng chỉ về đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD; quy định giá trị pháp lý của các văn bằng chứng chỉ đó trong quản lý, sử dụng đội ngũ CBQLGD.

Thiết kế các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng chức danh CBQLGD. Xây dựng hệ thống tiêu chí để kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD làm cơ sở để đánh giá về hiệu quả của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD.

Khẩn trương ban hành khung năng lực, bộ chuẩn để đánh giá đội ngũ CBQLGD hiện có, trên cơ sở đó có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực đáp ứng với yêu cầu hiện nay.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý đội ngũ CBQLGD hiện có. Trên cơ sở kết quả điều tra tổng thể đội ngũ CBQLGD, tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các địa phương trong việc đánh giá, phân loại và có kế hoạch sử dụng hợp lý đội ngũ CBQLGD.

Thực hiện việc bố trí và sử dụng đội ngũ CBQLGD trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức cụ thể cho từng cấp học, đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, triển khai công tác luân chuyển cán bộ quản lý giữa các cơ sở giáo dục.

Thực hiện giải pháp sắp xếp, giải quyết CBQLGD yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, về tư tưởng chính trị đạo đức, hạn chế về sức khỏe, tuổi cao, không còn đủ điều kiện đứng lớp và công tác trong ngành giáo dục theo các chế độ, chính sách hợp lý.

Thực hiện đủ chỉ tiêu biên chế cho các cơ sở giáo dục đồng thời ban hành quy định về nghĩa vụ của người tốt nghiệp đại học, cao đẳng được hưởng các chi phí đào tạo chuyên môn do Nhà nước cấp trong khóa học phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của Nhà nước; thu hồi học phí của những sinh viên được hưởng các chi phí đào tạo không chấp hành sự điều động.

Thứ năm, đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của CBQLGD

Hoàn thiện các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, pháp luật về giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra chuyên môn và quản lý chất lượng giáo dục.

Thực hiện chế độ luân chuyển các CBQLGD giỏi tăng cường cho các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có biểu hiện yếu kém chậm phát triển.

Trên cơ sở quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức của Nhà nước, hoàn thiện nội dung hồ sơ quản lý CBQLGD, đồng thời nâng cấp, hiện đại hóa công cụ quản lý thông qua việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhân sự.

Tăng cường công tác dự báo, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ CBQLGD. Có chính sách điều tiết số lượng và cơ cấu đội ngũ này cho phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục.

Kiện toàn công tác quản lý từ Bộ đến các cấp quản lý giáo dục tại địa phương theo hướng phân công, phân cấp về trách nhiệm, quyền hạn, không trùng lặp, chồng chéo, bảo đảm sự phân công hợp lý giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý đội ngũ CBQLGD.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ CBQLGD

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ CBQLGD; khẩn trương rà soát để điều chỉnh và xây dựng mới hệ thống văn bản quy định về chế độ công tác, định mức lao động, tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo và CBQLGD.

Thực hiện phân cấp trong tuyển dụng giáo viên để nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý ngành. Xây dựng chính sách thu hút đối với cán bộ khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chế độ chính sách đối với CBQLGD. Đặc biệt chú ý tới CBQLGD công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, CBQLGD là người dân tộc thiểu số, CBQLGD nữ có trình độ cao. Xây dựng và triển khai thực hiện Chuẩn hiệu trưởng và Chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên..

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBQLGD

Củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong nhà trường; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện kỷ luật đối với cán bộ quản lý. Thực hiện định kỳ đánh giá cán bộ và có sàng lọc kịp thời đối với những người mất uy tín và biểu hiện không có năng lực quản lý giáo dục. 

"Việc tăng cường bồi dưỡng, đào tạo CBQLGD về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức và xây dựng chính sách giải quyết thu nhập cho họ một cách cơ bản để CBQLGD yên tâm tập trung hoàn thành nhiệm vụ cần được giải quyết đồng bộ trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

Trước hết phải tập trung đầu tư xây dựng Đề án cán bộ quản lý các cấp chiến lược lâu dài để có thể phát triển đội ngũ cán bộ quản lý ngang tầm nhiệm vụ yêu cầu mới" - GS Phạm Quang Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.