Ca trù 'lội ngược dòng' định hình chuẩn mực

GD&TĐ - Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 vừa diễn ra có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội với 56 tiết mục.

Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sau 13 năm được UNESCO ghi danh, nghệ thuật ca trù không chỉ “lội ngược dòng” thoát tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, mà còn từng bước định hình chuẩn mực giá trị.

Nhiều câu lạc bộ ca trù đầu tư công phu khôi phục những thể cách, không gian diễn xướng đã bị mai một. Các nhóm kỳ công sưu tầm, khôi phục lại các thể cách ít phổ biến, trình diễn những thể cách khó để lưu truyền, giới thiệu tới công chúng.

Xuất hiện ca trù trường học

Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 vừa diễn ra có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội với 56 tiết mục. Với sự nâng cao cả chất và lượng, xuất hiện những nhân tố mới cho thấy di sản ca trù đang ngày càng khởi sắc.

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) - cho biết, Liên hoan Ca trù Hà Nội 2022 với mong muốn tìm kiếm các đào nương, kép đàn, trống chầu tài năng, tiếp bước các thế hệ cha ông duy trì, bảo vệ và phát huy giá trị.

Liên hoan lần này, thí sinh tham dự trong độ từ 5 - 83 tuổi, tổng số người tham gia lên đến hơn 140 người. Ngoài những tiêu chí chung về trang phục, không gian biểu diễn, sự hòa hợp ăn ý, tiêu chí riêng đối với mỗi hạng mục dự thi cũng được chú trọng.

Đặc biệt, xuất hiện các nhóm ca trù mới như Ca trù Đại học FPT, nhóm Triều Xương và một số thí sinh tự do. Nhóm Ca trù Đại học FPT được hình thành trên cơ sở phát hiện các nhân tố tiềm năng trong quá trình đưa ca trù vào giảng dạy ở môn học nghệ thuật truyền thống.

Theo đánh giá của hội đồng thẩm định, các tiết mục tham dự liên hoan năm nay có nội dung đề tài phong phú. Các nhóm, câu lạc bộ rất nhiệt tình và có sự luyện tập nghiêm túc. Điều đáng mừng là có những tiết mục được trình diễn bởi 3 thế hệ trong 1 gia đình.

Ngày 1/10/2009, ca trù được ghi danh di sản, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội là trung tâm ca trù lớn nhất cả nước. Bởi vậy, Hà Nội cũng phải đảm đương trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản, đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp để định hình các chuẩn mực.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, nếu so với thời điểm được UNESCO vinh danh, Hà Nội hiện đã vượt trội về số lượng các câu lạc bộ cũng như các đào nương, kép đàn. Từ chỗ chỉ có một vài giáo phường hoạt động lay lắt, đến nay đã có hàng chục nhóm ca trù hoạt động thường xuyên và có nhiều nghệ nhân tích cực trao truyền.

Các nhóm ca trù nổi bật của Hà Nội có thể kể đến như: CLB Ca trù Hà Nội (hoạt động tại đình Kim Ngân, Hoàn Kiếm), Thái Hà (27 Thụy Khuê, Tây Hồ), Lỗ Khê (Đông Anh), Đồng Chữ (Chương Mỹ), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên)…

Đáng chú ý có ba điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần: Bích Câu đạo quán, đền Quan Đế và đình Kim Ngân - thu hút công chúng và khách du lịch đến thưởng thức. Việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện có hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 200 người thực hành. Các câu lạc bộ còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và sáng tác thêm hàng chục làn điệu mới.

6 giải Nhất được trao cho các cá nhân trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 - năm 2022.

6 giải Nhất được trao cho các cá nhân trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 - năm 2022.

Chuẩn hóa ca trù theo giá trị nào?

Định hình chuẩn mực ca trù – một số nhà nghiên cứu lại cho rằng không cần thiết. Bởi sau nhiều năm chìm nổi, khán giả Việt vẫn xa lạ với ca trù nguyên gốc. Trong khi nếu đột phá thì dễ “chạm” tới công chúng – như cách nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết kết hợp ca trù với nhạc cụ phương Tây, hay nhạc sĩ Trí Minh khai thác chất liệu mới mẻ. Thậm chí, còn có thể “hát rap ca trù” - vì trong con mắt người trẻ, ca trù sống theo cách khác, mang hơi thở đương đại.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho hay, khi ca trù đã “lội ngược dòng”, đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp thì việc định hình chuẩn mực là yêu cầu cấp bách để chuẩn hóa giá trị di sản. Đó là việc trao truyền, đào tạo các thế hệ kế cận phải đúng quy chuẩn, không thể tùy tiện.

Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả nhân loại. Nhưng để đạt được điều đó, ca trù có chuẩn mực riêng và đã đúc kết cả trăm năm trước khi được thừa nhận. Ngày trước, các đào nương phải hát giọng “kim”, không được hát giọng “thổ”, bởi giọng “thổ” trùng với âm thanh đàn đáy.

Giọng cao phải khác với thanh trầm của đàn đáy và giọng hát đó phải gieo phách lúc giòn, lúc rơi. Vào cuối thế kỷ 20, Hà Nội có những nghệ nhân đạt đỉnh cao của nghệ thuật như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản… Họ đều là những nghệ nhân bậc thầy với những lối hát khác nhau, mỗi người một phong cách nhưng đều giữ các nguyên tắc chung.

Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù.

Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 có sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ ca trù.

Vừa có thơ, vừa có nhạc, ca trù là loại hình nghệ thuật thịnh hành nhất nhì xưa kia. Ca trù có thể cách đa dạng, với 5 không gian diễn xướng khác nhau - tôn nghiêm ở cửa đình (hát thờ), cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi).

Phố Khâm Thiên trong lòng Hà Nội, một trong những nơi diễn ra các buổi hát ca trù thâu đêm tới sáng, giới văn nhân trí thức lẫn những người yêu nhạc tấp nập hội hè.

Nhưng trong đời sống hiện đại, mấy người “cảm” được cái hay, cái đẹp của ca trù? Thanh âm ca trù có sự vang vọng đặc trưng và ma mị, từ nhạc cụ cho đến tiếng nhả chữ nảy đanh như “hạt ngọc đổ mâm vàng”. Cách mà ca trù đang sống trong hiện tại cũng giống như một thanh âm vọng lại.

Bởi vậy theo ông Đặng Hoành Loan, ngoài việc thúc đẩy truyền dạy, thực hành ca trù và phát hiện tài năng ở nhiều lứa tuổi, phải tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo công chúng nhận ra cái hay nét đẹp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.