Phiêu cùng đêm hát ca trù cửa Đình đầu Xuân ở làng Ngãi Cầu

GD&TĐ - Đến với đêm hát cửa Đình của CLB ca trù làng Ngãi cầu, khán giả được lắng nghe âm sắc trầm, đục của tiếng đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa của các ca nương. Giọng ca vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ.

Phiêu cùng đêm hát ca trù cửa Đình đầu Xuân ở làng Ngãi Cầu

Ngãi Cầu là một ngôi làng cổ tại Việt Nam. Làng được cho là đã có từ thời Lý. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã từng đặt đại bản doanh tại Ngãi Cầu khi kéo đại quân ra bao vây thành Đông Quan.

Làng Ngãi Cầu thuộc địa phận xã An Khánh, ở phía Nam huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nằm cách trung tâm TP Hà Nội 15km, ngôi làng vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng cổ với quần thể đình, chùa, lễ hội và những làn điệu dân ca.

Trong đó, phải kể đến hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc hát ca trù - một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt, đặc biệt là hình thức hát cửa Đình.

Đình Ngãi Cầu được liệt vào Di tích Kiến trúc, nghệ thuật của Việt Nam và là một danh thắng của Hà Nội xưa kia. Đình được tạo dựng từ thế kỷ 17, qua 3 lần trùng tu, thờ nữ thần Bản Thổ và bốn vị tướng thời Hùng Duệ Vương làm thần Hoàng làng.

Đình được xây dựng trên một khu đất rộng, có quy mô với nhiều nếp nhà ngang dọc. Kiến trúc đình theo kiểu 8 giáp 12 cửa bao gồm: Nghi môn với 3 gian kiểu vì kèo chồng rường, 2 tầng, 8 mái và đại đình là kiến trúc lớn gồm 5 gian, 4 mái. Hai dãy giải vũ nằm song song với phương đình.

Đình Ngãi Cầu nổi tiếng với lễ hội rước kiệu 5 năm tổ chức một lần, mở hội vào 8 tháng Giêng âm lịch. Tương truyền, Đức Thánh Mẫu của làng sinh ngày 8 tháng Ba năm Giáp Tý (298 Tr.CN), nên làng có tục lệ tổ chức ăn lễ bánh trôi bánh chay vào mồng 8 thay vì mồng 3 như nhiều làng quê ở Việt Nam.

Lễ rước gồm 7 kiệu (Lọng trước đi đầu, 4 kiệu 4 vị tướng, kiệu rước Thánh Mẫu và kiệu song loan). Kiệu nặng nhất lên tới... 1 tạ, cần tới 36 cô gái (chưa chồng) khiêng 2 kiệu Thánh Mẫu và Thành Hoàng.

Các kiệu còn lại do những chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú đảm trách, đều là người dân gốc của làng. Những cụ bà, cụ ông mặc áo đỏ, nhai trầu bỏm bẻm, uống trà trên đình hoặc đi theo đám rước. Trong hội có hát chèo, cải lương, thi vật, cờ tướng và nhiều trò chơi dân gian được bày ra suốt dọc từ Đình tới Quán.

Nổi tiếng là một trong 2 ngôi làng ca trù nổi tiếng đất Bắc, các nghệ nhân làng Ngãi Cầu đã cố gắng duy trì di sản truyền thống của quê hương mình. Cho dù hiện nay nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc không còn nhưng con cháu bà và các nghệ nhân khác của làng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của  CLB ca trù.

Được thành lập vào năm 1993, CLB ca trù Ngãi cầu vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn tại căn nhà cổ của nghệ nhân Bùi Thế Kiên. Với mong muốn truyền dạy môn nghệ thuật đặc sắc của làng cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Bùi Thế Kiên đã mở những lớp ca trù miễn phí vào những dịp hè.

Hàng năm cứ vào ngày hội làng, mồng 8, mồng 9 tháng giêng âm lịch, CLB ca trù lại trải chiếu hát tại sân đình. Hát cửa Đình là hình thức sinh hoạt ca trù phục vụ cho nghi lễ thờ thánh thần ở các đình làng hay miếu thờ. Có thể nói hát cửa Đình vừa là cỗ tinh thần để cúng thành hoàng làng, cũng là một món ăn tinh thần của quần chúng, từ lâu đã trở thành nghi lễ tôn giáo tin ngưỡng dân gian đặc sắc.

Xuất phát từ lòng tự hào dân tộc, ông cha ta đã muốn thông qua hình thức hát cửa Đình để giáo giục truyền thống đấu tranh với cái xấu, gìn giữ nét đẹp trong xã hội. Chính vì vậy, hát cửa Đình trước hết phải trang nghiêm, cách hát phải minh bạch, điệu bộ phải đoan chính, lời hát phải rõ ràng. Nội dung những bài hát được biểu diễn chủ yếu là ca ngợi quê hương đất nước, những nét đẹp văn hóa của dân tộc, và có ý chúc tụng dân làng là chính.

Đến với đêm hát cửa Đình của CLB ca trù làng Ngãi cầu, khán giả được lắng nghe âm sắc trầm, đục của tiếng đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa của các ca nương. Giọng ca vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ.

Ca trù hay là thế, đây là loại hình âm nhạc thanh tao, lịch lãm của người kinh kỳ xưa. Ca từ, giọng hát hòa cùng âm thanh của các nhạc khí: Phách, đàn đáy, trống chầu làm mê say lòng người. Phút chốc người nghe như được hưởng trọn vẹn cái thanh tao của một không gian văn hóa truyền thống để quên đi cái xô bồ của cuộc sống hiện đại mà phiêu cùng câu hát ca trù.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ