Ca trù Chanh Thôn - vật báu quốc gia

GD&TĐ -  Ngày 7/9, những bạn trẻ yêu mến di sản văn hóa phi vật thể ca trù sẽ tham gia trải nghiệm, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đặc sắc này tại làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên – một trong những cái nôi của ca trù Hà Nội.

Một buổi biểu diễn ca trù
Một buổi biểu diễn ca trù

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam” do Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội thuộc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức.

Thương hiệu vang danh một thuở

Vào năm 2007, một năm sau khi nghệ thuật hát ca trù ở nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì bất ngờ người ta phát hiện ra ở Chanh Thôn, thuộc xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên cũng đã có phường hát ca trù từ trước Cách mạng Tháng 8.

Có thuở số ca nương ở đây khá đông, tới 32 người, cùng với đó là 17 kép đàn rất điêu luyện. Vậy mà số nghệ sĩ này rơi rụng dần sau 60 năm chìm lấp trong chiến tranh và sự hối hả của cuộc mưu sinh...

Theo sách lịch sử xã Văn Nhân, vào đầu thế kỷ XIX, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, vốn là một kép đàn cừ khôi về làng Chanh Thôn sinh sống, đã lập ra phường hát và truyền dạy đàn, hát ca trù cho con cháu.

Vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, ca trù Chanh Thôn đã kết hợp với các phường giáo ca trù xung quanh thành phố Hà Nội tổ chức hội thi đàn và hát ca trù để chọn kép đàn và ca nương giỏi đi phục vụ cung đình Huế. Phường hát của Chanh Thôn ngày đó thường hay được chọn đi hát nhiều lần và đã trở thành một thương hiệu vang danh một thuở.

Người ta vẫn nhớ hồi đó có ca nương Nguyễn Thị Ước còn được mời vào Huế biểu diễn hàng tháng trời. Chả thế mà vào những năm 1937-1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán, ở vùng Đông Bắc Bắc bộ. Những ca quán này có một màu sắc riêng khác với các phường hát ca trù ở trong nội thành Hà Nội như Khâm Thiên, Thái Hà... đã thu hút nhiều văn nhân từ khắp nơi về cầm chầu.

Các nghệ nhân ca trù Chanh Thôn đều cao tuổi
Các nghệ nhân ca trù Chanh Thôn đều cao tuổi

Cho đến cuối năm 2006, đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn đã được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”.

Niềm vui dồn dập về với người dân Chanh Thôn khi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận 2 đào hát là bà Nguyễn Thị Khướu, bà Nguyễn Thị Vượn và kép đàn, ông Vũ Văn Khoái là Nghệ nhân Dân gian; nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn được công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian. Cùng thời gian này, CLB Ca trù Chanh Thôn được thành lập, nòng cốt là 3 nghệ nhân với nhiệm vụ vừa bảo tồn vốn cổ của ông cha, vừa truyền lửa yêu ca trù cho lớp trẻ trong thôn.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, chúng tôi rất vui vì dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn minh mẫn, đặc biệt là lời ca vẫn mềm mại, làm mê đắm người nghe. Trong câu chuyện với chúng tôi bao nhiêu hồi ức thời trẻ đầy nhiệt huyết lại ùa về trong con người đã gắn cả cuộc đời với những thanh âm "tom tom chát chát".

Bây giờ bà Nguyễn Thị Khướu là nghệ nhân duy nhất còn sức để truyền dạy cho thế hệ trẻ Chanh Thôn. Bà Khướu được học ca trù từ năm 10 tuổi, nối nghiệp bà nội và bố - một ông trùm ca quán ở Tổng Vạn Điểm khi xưa. Nhớ lại một thời được sống trong không gian ca trù của gia đình, bà kể: “Khi xưa tôi theo bố đi khắp nơi, từ Bắc Ninh đến Hưng Yên rồi vùng Thường Tín, Phú Xuyên. Tự hào nhất là đi đến đâu cũng được người người yêu mến”.

 Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khen giọng hát của các bà ở đây như bà Khướu, bà Vượn hay không kém gì nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc, một người hát ca trù nổi tiếng ở nước ta. Theo nhạc sĩ, hiếm có nơi nào còn lại một nhóm nghệ sĩ hát ca trù “nguyên đai nguyên kiện” như thế. Nghĩa là ca trù gốc, vốn cổ, lời xưa của các giai nhân tài tử thời đầu thế kỷ 19.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhận định, ca trù Chanh Thôn là vật báu quốc gia. Ở đây các nghệ sĩ còn giữ được nguyên bản vốn ca trù cổ. Họ là một pho sử sống, bảo tàng sống về văn hóa dân gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ