Cà phê… đột biến

GD&TĐ - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc có nhóm khách đi du lịch ghé vào một quán cà phê tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để giải khát.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nước uống thì cũng chỉ là các loại bình thường như kem thập cẩm, đá xay trà chanh và cà phê nhưng riêng tiền cà phê 4 ly lên tới 996.000 đồng, tính ra mỗi ly là 249.000 đồng. Ly cà phê này được mang một cái tên rất kêu: “Phượng hoàng lửa”.

Nhiều người cho rằng, chủ quán bán theo cách “chặt chém”; còn chủ quán thì nói rằng mình đã đưa bảng giá cho khách trước khi gọi loại nước mà khách yêu cầu. Nghĩa là mọi thứ đều công khai chứ không phải chủ quán tù mù về giá, đợi khách uống xong mới tính tiền như một vài vụ việc lùm xùm về giá cả đã từng xảy ra.

Lý giải cho ly cà phê giá 249.000 đồng này, chủ quán tiết lộ rằng, đây là những ly cà phê “có một không hai”; rằng trong cà phê có mật ong rừng nguyên chất, có loại rượu đặc biệt và nguyên liệu do nhà trồng được. Tất cả những gì được chủ quán cho là “đặc biệt” ấy, nghe qua cũng chẳng có gì… đặc biệt cả.

Có chăng là, giá đắt vậy, lại được chủ quán công khai trên menu nhưng vẫn có người sử dụng, đấy mới là điều “đặc biệt”. Chuyện thuận mua vừa bán nên không thể trách chủ quán, cũng không nên phê phán chuyện “lãng phí” với những ai dùng loại cà phê này.

Vậy cắt nghĩa câu chuyện này như thế nào để cho… lọt tai đây? Chỉ có thể gọi đây là loại cà phê… đột biến mà thôi. Một năm trước, cả nước, đặc biệt là giới chơi lan phát rồ vì có ba chậu lan của một chủ nhân ở Bình Phước sở hữu có giá… 32 tỷ đồng. Họ gọi đó là lan đột biến gen, nhưng chỉ giới chơi lan mới biết sự khác nhau của “đột biến” và lan bình thường mà thôi.

Nếu bán cây lan hàng tỷ đồng ấy cho người “ngoại đạo lan” thì vài triệu bạc chưa chắc họ đã mua nhưng những ai “ghiền lan” thì lại khác. Sở thích thì hoàn toàn không có giá cụ thể. Một khi đã thích, nhà lại “có điều kiện” nên tiền bạc là chuyện không quá đặt nặng, miễn sao thỏa mãn niềm yêu thích ấy.

Cơn sốt lan đột biến ấy bỗng nhiên… hạ nhiệt đột ngột. Có người giàu lên nhanh chóng nhưng cũng lắm anh sạt nghiệp vì lan đột biến mình vừa mua tiền tỷ ấy, đột ngột thành… củi. Mới đây, giới chơi hoa lại sốt với loại cây bạch hải đường, giá lên tới vài trăm triệu một cây.

Người ngoại đạo về lan và bạch hải đường thì cũng không nên bàn gì nhiều về những thứ mình không thích và không sành này. Nhưng cà phê… đột biến thì có lẽ không thể không nói đến vì nhiều người dân Việt Nam uống cà phê mỗi ngày.

Các loại nguyên liệu “đặc biệt” khiến ly cà phê trở thành siêu đắt như vậy thì còn tạm chấp nhận nhưng khi anh chủ quán nói thêm rằng “trong ly cà phê ấy chứa nhiều công thức đặc biệt biểu tượng cho tài lộc sinh sôi” thì người sử dụng món hàng này không phải chỉ là uống cà phê, mà là uống niềm tin về tài lộc nữa. Mà niềm tin thì vô giá.

Có điều, bên ngành thuế cũng cần lưu tâm đến các loại “đột biến” ấy vì bán trà đá vỉa hè mà còn “dọa” đánh thuế thì giao dịch hàng tỷ đồng chả lẽ lại không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ