Cả nước ghi nhận gần 70.000 ca mắc tay chân miệng

GD&TĐ - Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, 18 ca tử vong.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng. (Ảnh minh hoạ)
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng. (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần 33/2023 (từ 14 - 20/8), cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, 18 ca tử vong.

So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3), số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52%. Số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Tại TPHCM, trong tuần 33, số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm với 1.869 ca bệnh được ghi nhận.

Trong khi đó, ở tuần 31, TPHCM ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, tuần 30 là 2.665 ca mắc.

Còn tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, trong những tuần gần đây, trên địa bàn Thành phố ghi nhận trung bình từ 40 - 50 ca mắc tay chân miệng/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ dịch.

Hiện Hà Nội còn 1 ổ dịch tay chân miệng hoạt động tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với 2 ca bệnh.

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do virus EV71.

Bệnh có thể xảy ra trên mọi nhóm người. Tuy nhiên, có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.

Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Ở Việt Nam, bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71.

Chính đặc điểm này khiến các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

ThS Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Khi trẻ điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của con, tránh biến chứng.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng là sốt cao không đáp ứng với điều trị. Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ, uống thuốc vẫn không hạ sốt.

Trẻ có thể giật mình - dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc, sau đó ngủ tiếp.

Một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng... cũng cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ