Theo dự thảo Đề án “Phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030” vừa được tỉnh Cà Mau đưa ra lấy ý kiến.
Theo Đề án này, Cà Mau cần nguồn kinh phí hơn 31.000 tỷ đồng ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Từ nguồn vốn hơn 31.000 tỷ đồng, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 177 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.300 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí trên 24.800 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện Đề án gồm vốn ngân sách tỉnh, ngân sách hỗ trợ từ Trung ương; Quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác.
Sạt lở khiến diện tích rừng phòng hộ ven biển ở Cà Mau ngày càng bị thu hẹp |
Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dưới sự hướng dẫn của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.
Mục tiêu Đề án là phấn đấu đến năm 2025, các khu dân cư ven biển, ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu ven sông, ven biển.; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tỉnh Cà Mau hiện có 355 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 420km với mức độ sạt lở khác nhau. Diện tích rừng phòng hộ bị mất do sạt lở mỗi năm trung bình khoảng 400ha, dự kiến đến năm 2030 diện tích rừng phòng hộ của tỉnh Cà Mau còn lại khoảng 27.900ha.