Báo động sạt lở, sụt lún đất tại Cà Mau

GD&TĐ - Đầu mùa khô, nhiều tuyến đường trên địa bàn Cà Mau liên tiếp xảy ra sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân.

Một tuyến đường trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở.
Một tuyến đường trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở.

Mới đầu mùa khô, thế nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn Cà Mau liên tiếp xảy ra sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân.

Nơm nớp với sạt lở, sụt lún

Các vụ sạt lở, sụt lún đất chủ yếu xảy ra trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: Tính đến ngày 21/2, toàn huyện xảy ra hơn 300 điểm sạt lở, sụt lún thuộc vùng ngọt với tổng chiều dài gần 9.000m.

Trong đó, đường bê tông hơn 6.500m, còn lại là đường đất đen, ước thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân trên 11,6 tỷ đồng. Địa phương có điểm sạt lở, sụt lún nhiều nhất là xã Khánh Hải với hơn 100 điểm, kế đến là các xã: Trần Hợi, Khánh Bình và Khánh Lộc.

Ông Trần Văn Thái, ngụ ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, rạng sáng 21/2 ông thức dậy ra trước sân đi bộ dọc tuyến đường trước nhà tập thể dục theo thói quen. Vừa tập xong quay vào nhà thì có tiếng động lớn, đất rung nhẹ, ông Thái quay người lại thì thấy đoạn đường trước nhà hơn 30m đã bị sụt lún, mặt lộ nghiêng xuống sông.

Còn anh Trần Văn Đan, ngụ ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc đi đến đoạn đường bị sụt lún buộc phải dừng xe lại. Anh Đan cho biết, anh cũng như nhiều người dân rất lo lắng, bất an khi lưu thông trên các tuyến lộ giao thông nông thôn trên địa bàn, bởi không biết khi nào bị sụt lún, sạt lở.

“Người lớn đi lại đã khó, đối với trẻ em, học sinh việc lưu thông trên các tuyến lộ giao thông nông thôn trong mùa khô này càng khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao hơn”, anh Trần Văn Đan lo lắng.

Ngành chuyên môn huyện Trần Văn Thời nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đất các tuyến đường là do thời tiết năm nay diễn biến bất thường, nắng hạn gay gắt.

Thêm vào đó, việc bơm tát nước phục vụ sản xuất của người dân làm cho các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện rất lớn, khiến mất phản áp của nước vào thành bờ sông.

Ngoài ra, các tuyến đường kể trên có đặc điểm địa chất yếu, lại có một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu cũng gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất.

Nếu mùa khô tiếp tục kéo dài, không chỉ các tuyến lộ giao thông nông thôn, tuyến đường Co Xáng - Tắc Thủ - Đá Bạc và tuyến đê biển Tây đoạn từ Đá Bạc về Kênh Mới đi qua địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng như từng xảy ra vào năm 2020.

Cây gỗ lớn trên tuyến Co Xáng - Tắc Thủ - Đá Bạc được đốn hạ nhằm giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Cây gỗ lớn trên tuyến Co Xáng - Tắc Thủ - Đá Bạc được đốn hạ nhằm giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Khẩn cấp cứu đường, cứu đê biển

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: Trước tình hình sạt lở, sụt lún, huyện đã có chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân; quản lý chặt chẽ các phương tiện nạo vét, múc kênh rạch, không để các phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Chính quyền cơ sở không để người dân nạo vét đất cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Được biết, tỉnh Cà Mau cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng.

Trong chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở, sụt lún đất, lộ giao thông trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo huyện Trần Văn Thời thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo; Tiến hành gia cố chân đê, cắt tỉa hoặc đốn hạ những thân cây gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải các tuyến đường; giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn, nhằm giảm nguy cơ sụt lún tuyến đê do hạn hán, thiếu nước.

Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư các công trình tiếp nguồn cho tỉnh Cà Mau với việc đưa nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm.

Việc tiếp nước ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích 90.000ha), chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh rạch bởi khi sản xuất vụ 2 nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã bắt đầu cạn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của El Nino, từ nay đến tháng 6 khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước sẽ tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Điều đó đồng nghĩa, tình hình sạt lở, sụt lún các tuyến đường giao thông sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, năm 2020 tỉnh này chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai với hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó hạn hán thiệt hại đến 800 tỷ đồng. Với nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, tỉnh Cà Mau quyết tâm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô 2023 - 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.