Làm rõ trách nhiệm vụ sập kè chống sạt lở gần 20 tỉ đồng ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, nguyên nhân xảy ra sự cố công trình là khách quan.

Kè bị sập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đền Mẫu.
Kè bị sập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đền Mẫu.

Sau gần nửa năm kiểm tra đánh giá, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của sự cố công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Kè chống sạt lở vừa xây xong đã sập

Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và Trạm bơm Phú Bình II tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Tổng giá trị gói thầu được phê duyệt là 19,5 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian thi công xong trước tháng 3/2023.

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc. Đơn vị thi công xây lắp là liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh.

Đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc. Trung tâm Kiểm định, giám sát công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc là đơn vị tư vấn giám sát.

Việc lựa chọn nhà thầu được tiến hành theo hình thức chỉ định thầu. Công trình gồm 2 hạng mục chính là xử lý sạt trượt khu vực Đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m.

Người dân sống gần khu vực Đền Mẫu (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) chưa kịp vui mừng vì công trình cấp bách chống sạt lở sông Phó Đáy chuẩn bị được nghiệm thu thì đã xảy ra sự cố.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, ngày 28/6/2023, khu vực Đền Mẫu thuộc Dự án Xây dựng bờ kè sông Phó Đáy bắt đầu xuất hiện một số vị trí nứt nhỏ tại sân phía ngoài đền, vị trí giữa tường chắn bê tông và mái nghiêng. Chủ đầu tư cùng các đơn vị đã liên tục thực hiện quan trắc chuyển vị ngay sau khi xuất hiện các vết nứt nhỏ.

Tuy nhiên, tình trạng sụt lún khu vực đền diễn ra phức tạp, diễn biến chuyển vị nhanh và liên tục. Từ 22 – 23 giờ ngày 28/6/2023, toàn bộ các hạng mục công trình kè xây dựng mới ở khu vực Đền Mẫu đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Phần tường chắn bê tông bị xô đổ hoàn toàn, khu vực sân phía ngoài đền bị sụt lún; hệ thống lan can, sàn bê tông gãy vỡ nghiêm trọng.

Trước sự cố trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản yêu cầu thực hiện các giải pháp để khắc phục, xử lý sự cố. Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ hiện trường trước khi tổ chức tháo dỡ, thu dọn hiện trường một phần các cấu kiện cần thiết để giảm tải cho cung trượt, hạn chế tiếp tục sạt trượt và đảm bảo an toàn cho công trình lân cận.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác giám định để xác định nguyên nhân gây sạt lở và sự cố công trình; báo cáo kết quả giám định, tham mưu đề xuất giải pháp xử lý với UBND tỉnh…

Hàng loạt nguyên nhân gây sự cố

Văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành thông báo, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện nội dung thông báo đảm bảo quy định và đảm bảo chất lượng công trình bền vững.

Sau khoảng 6 tháng từ khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố thuộc công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Đồng thời, xác định trách nhiệm trong khắc phục sự cố này.

Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định nguyên nhân chính gây ra sự cố là do tác dụng gây rung động trong khu vực của dòng chảy khi bị cản trở bởi công trình nằm ngang sông tại bến phà Phú Hậu cũ; sự biến đổi về cấu trúc địa chất và các đặc trưng cơ học của khu vực.

Nguyên nhân phụ được xác định do địa hình của lưu vực sông Phó Đáy rất dốc so với các lưu vực sông lân cận, kết hợp với địa hình đáy sông Lô tại khu vực cửa ra sông Phó Đáy thấp nên lũ trên sông Phó Đáy lên nhanh nhưng cũng rút nhanh gây xói lở mất an toàn bờ sông…

Nguyên nhân chủ quan là do tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi tại khu vực công trình như biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận; giải pháp thiết kế thiên về yêu cầu kinh tế, dự trữ an toàn về kỹ thuật ở mức vừa đủ theo yêu cầu của TCVN 8419:2022.

Đơn vị thi công chưa đảm bảo được độ đồng nhất của kết cấu, có sự chênh lệch về cường độ bê tông tại các vị trí lấy mẫu, mặc dù các vị trí lấy mẫu đáp ứng được cường độ bê tông theo yêu cầu thiết kế và theo TCVN 239:2006.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, nguyên nhân xảy ra sự cố công trình là khách quan. Tại thời điểm xảy ra sự cố công trình chưa được bàn giao đưa vào sử dụng.

Do đó, trách nhiệm khắc phục sự cố công trình thuộc về nhà thầu thi công bao gồm: Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh; đơn vị bảo hiểm công trình là Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Hàng không.

Trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo khắc phục gồm: Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế và đơn vị tư vấn giám sát.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các bên có liên quan phải khắc phục sự cố công trình, chịu trách nhiệm về các thiệt hại do sự cố công trình gây ra; chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến giải pháp khắc phục và khắc phục tạm thời trong quá trình khắc phục sự cố công trình; tháo dỡ công trình, hạng mục công trình mất an toàn.

Về hạng mục xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu (từ cọc A34 đến cọc A142) mất an toàn cần phải phá dỡ thu dọn để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình lân cận.

Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm định trên cơ sở các nguyên nhân sự cố đã đánh giá khẩn trương đưa ra giải pháp thiết kế xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đồng thời đảm bảo an toàn cho khu vực Đền Mẫu và Cây Đề.

Đơn vị thi công tập trung nhân vật lực để tổ chức triển khai thi công sau khi phương án xử lý được chủ đầu tư chấp thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...