Ca mắc đau mắt đỏ gia tăng đột biến ở TPHCM

GD&TĐ - Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. (Ảnh minh hoạ)
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. (Ảnh minh hoạ)

Từ đầu năm đến nay, TPHCM có hơn 71.700 ca đau mắt đỏ.

Trong bối cảnh số ca đau mắt đỏ tại TPHCM có xu hướng tăng nhanh, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Bệnh viện Mắt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford khẩn trương tìm chính xác tác nhân gây bệnh.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, theo thống kê, trong tuần cuối tháng 8 vừa qua, đơn vị này đã khám cho 188 trẻ đau mắt đỏ (chiếm phần lớn trẻ đến khám các bệnh lý liên quan đến mắt).

Còn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ giữa tháng 8 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng lên 35 - 40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50% (trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%, còn lại là người lớn).

Riêng ở Bệnh viện Mắt TPHCM, trung bình một ngày tiếp nhận 60 - 70 người đến khám vì đau mắt đỏ.

Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện ở TPHCM, số ca đau mắt đỏ từ đầu năm đến nay là 71.740 ca. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng.

Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.

Các bác sĩ cho biết, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng.

Triệu chứng của bệnh sẽ có các dấu hiệu như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm…

Theo BSCKII Nguyễn Thị Diệu Thơ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt TPHCM, hằng năm, tháng 8 đến tháng 11 thường ghi nhận nhiều ca bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp.

“Hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Adenovirus nên phần lớn việc điều trị các trường hợp vẫn là theo dõi và sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn. Có một số trường hợp qua giai đoạn viêm giác mạc. Bởi, giai đoạn đầu là viêm kết mạc nên chỉ ở trên kết mạc mắt. Sau đó, nếu viêm giác mạc thì có thể là viêm dai dẳng và cần phải điều trị kéo dài”, bác sĩ Thơ cho biết.

Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ