Báo động đau mắt đỏ ở trẻ

GD&TĐ - Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trên trẻ em thường nặng do miễn dịch còn non yếu, các mô mềm quanh mắt lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng.

Trẻ bị đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC
Trẻ bị đau mắt đỏ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trên trẻ em thường nặng do miễn dịch còn non yếu, các mô mềm quanh mắt lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Ngoài ra, với trẻ nhũ nhi, bệnh hay kèm xuất hiện giả mạc hay chảy máu mắt.

Bệnh khởi phát sau 3 - 7 ngày

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt đã tiếp nhận gần 50 ca trẻ viêm kết mạc cấp. Trong đó, có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc)…

Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng 7. Trong tháng 8, bệnh viện ghi nhận hơn 2.400 trường hợp. Tương tự, tại Khoa Mắt - Bệnh viện Quân y 103, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

Theo ThS.BS Lưu Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt). Bệnh thường xuất hiện vào mùa Xuân Hè, dễ lây lan thành dịch.

Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus. Ngoài ra, bệnh có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).

Bệnh thường khởi phát từ 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

“Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ”, ThS.BS Lưu Quỳnh Anh cho biết.

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu

Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, dạng viêm kết mạc nặng nhất là do Adenovirus gây ra. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4 - 5 ngày kể từ lúc khởi phát, biểu hiện nhẹ hơn so với mắt thứ nhất. Bởi, cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus.

Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có tiếp xúc gần giữa các cá nhân. Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Virus nhóm Adeno có 51 chủng khác nhau của virus chứa DNA mạch đôi. Tuy giống nhau về cấu trúc, nhưng có kháng nguyên khác nhau. Virus thuộc nhóm ổn định cao, gây bệnh trên toàn thế giới từ bệnh ở đường hô hấp đến ống sinh dục tiết niệu, dạ dày ruột và mắt. Thường biểu hiện ở một bên mắt (2/3 các trường hợp), không có biểu hiện toàn thân.

Sau một thời gian ủ bệnh khoảng 8 ngày, mắt trở nên đỏ, gỉ mắt lẫn với nước kèm theo cảm giác có dị vật trong mắt. Các dấu hiệu khác có thể thấy như sưng đau hạch trước tai, kết mạc sụn mi có hột nổi lên.

“Viêm kết mạc trên trẻ em thường nặng do miễn dịch còn non yếu, các mô mềm quanh mắt lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Cha mẹ hay đưa trẻ đi khám vì thấy mắt sưng như quả nhót, đỏ mắt, ra ghèn nhiều, khó mở to để khám hay tra thuốc”, bác sĩ Cương cho biết. Ngoài ra, với trẻ nhũ nhi, bệnh hay kèm xuất hiện giả mạc hay chảy máu mắt.

Theo chuyên gia này, điều trị viêm kết mạc trên trẻ em phức tạp và cần nhiều thời gian hơn người lớn. Trẻ có thể phải đến viện để bóc giả mạc vài lần ở thể viêm kết mạc có giả mạc. Các biến chứng có thể gặp là trầy xước giác mạc, viêm loét giác mạc gây sẹo và loạn thị sau này, phản ứng màng bồ đào. Ngoài ra, viêm nội nhãn nội sinh (không do chấn thương) là biến chứng hi hữu.

Bác sĩ Cương cho biết, trong hơn 2 năm Covid-19 bùng phát, người dân gần như không gặp đau mắt đỏ. Lý do là vì người dân luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, duy trì khẩu trang - giãn cách - sát trùng. Viêm kết mạc là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng.

Tuy nhiên, khoảng 10 - 15% bệnh nhân gặp biến chứng và di chứng. Với trẻ em, cần đặc biệt lưu ý vì bé không biết nói, quấy khóc khiến việc tra nhỏ thuốc và khám mắt khó khăn.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Cụ thể, cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu mắt chảy nhiều nước, có nhiều ghèn rỉ thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh. Sau đó, bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn - uống, chậu - khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ. Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi... Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần đưa bé đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.