Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

GD&TĐ - Một trong những bệnh về mắt thường gặp là bệnh đau mắt đỏ.

Minh họa: ITN
Minh họa: ITN

Điều lạ là, người mắc bệnh không chỉ đau mắt, đỏ mắt mà còn ho khục khặc, nuốt đau. Ngoài ra, xung quanh hai lỗ tai hạch nổi to và đau khi sờ nắn…

Đau mắt đỏ bản chất là một bệnh viêm kết mạc, nhưng lại tiến triển thành dịch vì sự lây lan nhanh giữa những người trong nhà và trong cộng đồng, nhất là trong các nhà trẻ và các lớp mẫu giáo.

Dịch đau mắt đỏ chỉ mới xuất hiện chừng hơn 30 năm nay, nhưng nó lại tác oai tác quái nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, nhất là vào mùa mưa bão, lúc mà điều kiện vệ sinh và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhiều.

Tác nhân gây bệnh và đường lây truyền

Bệnh đau mắt đỏ không có “chế độ ưu tiên” cho độ tuổi nào và giới tính nào nên bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gặp ở cả hai giới với tỉ lệ mắc tương đồng nhau. Vì bệnh không có tính miễn dịch, do đó, một người có thể mắc bệnh lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm.

Tác nhân gây bệnh là một loại virus có tên là Adeno virus. Khi Adeno virus xâm nhập, người bệnh bị nhiễm virus toàn thân. Đau mắt và đỏ mắt chỉ là một biểu hiện nổi trội của nhiều biểu hiện khác. Khi bệnh toàn phát, còn có các dấu hiệu của viêm họng và sưng hạch, nên các nhà chuyên môn còn gọi “gộp” là bệnh viêm kết mạc - họng - hạch.

Adeno virus lây lan qua 2 đường. Đầu tiên là đường hô hâp trên, qua các phân tử nước bọt do nói, ho hoặc hắt hơi của người bệnh văng ra. Lây qua đường hô hấp thường có biểu hiện toàn thân. Đường thứ 2 là lây do tiếp xúc trực tiếp như dùng chung khăn mặt, chậu rửa, bể tắm, bắt tay.

Người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân “vô tình” đưa tác nhân gây bệnh vào mắt, nên mắt sẽ có biểu hiện chiếm ưu thế hơn là toàn thân. Nhiều trường hợp không có biểu hiện toàn thân, mà chỉ có biểu hiện ở mắt.

Những biểu hiện thường gặp

- Toàn thân: Các biểu hiện toàn thân ban đầu rất giống với những người mắc bệnh cảm cúm thông thường. Đó là cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh và sốt.

- Viêm mắt: Người bệnh có cảm giác cợm xốn ở mắt, chảy nhiều nước mắt, đổ ghèn, sợ ánh sáng. Mi mắt phù nề, mở khó, nhất là về buổi sáng khi ghèn đọng nhiều, làm cho mi trên và mi dưới dính lại với nhau, phải dùng nước để làm mềm mới mở mắt ra được.

Kết mạc mắt bị viêm, đỏ do có sự thoát huyết thành chấm lớn hoặc thành đám. Ban đầu chỉ bị ở một mắt, sau đó “kéo theo” mắt kia. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cả hai mắt cùng nhau hợp lực đau nhức đồng thời làm khổ người bệnh.

- Viêm họng: Người bệnh ho khục khặc, cảm giác rát họng, nuốt đau. Khi há to họng ra để khám sẽ thấy họng đỏ và sung huyết.

- Nổi hạch: Chung quanh hai lỗ tai, hạch xuất hiện. Các hạch dần nổi lên khá rõ và có cảm giác đau khi sờ nắn.

Hướng điều trị

Bệnh do virus gây ra nên nếu không bội nhiễm do vi khuẩn cơ hội tấn công thì không cần phải dùng thuốc kháng sinh, vì thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus.

Có thể xông hơ bằng một nồi nước lá thơm để “cải thiện” tốt bệnh cảnh toàn thân, giống như một trường hợp cảm cúm thông thường. Chỉ cần hỗ trợ thêm các loại vitamine nhóm B, C và A là đủ.

Tại mắt, tra các loại thuốc nhỏ mắt phổ biến, không có corticoids, như Natrichlorid 9‰, Chlorocid 4‰, Neocin 25mg/5ml... Các loại thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoids (dexamethasone, hydrocortisone...) chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ.

Bệnh nhân và người nhà không nên mua các loại thuốc đó sử dụng một cách tùy tiện, vì cái lợi như mong muốn sẽ ít hơn những điều bất lợi và thậm chí nguy hiểm cho đôi “cửa sổ tâm hồn” có thể xảy ra.

Trẻ bị đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng cha mẹ không được chủ quan. Ảnh: ITN

Trẻ bị đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng cha mẹ không được chủ quan. Ảnh: ITN

Cách phòng tránh

Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ tốt nhất là tuyệt đối không dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt với người bệnh. Khi gặp gỡ, cần tránh những cái bắt tay “chuyển” virus từ người bệnh sang người lành. Khi đi ra ngoài đường cần đeo kính mắt để tránh gió bụi...

Người đang mắc bệnh đau mắt đỏ không nên thể hiện tình cảm bằng những cách thường hay thể hiện là ôm trẻ nhỏ hoặc chạm tay vào trẻ. Những người tham gia chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ cần phải sát trùng tay trước và sau khi chăm sóc hoặc rửa sạch hai bàn tay bằng xà phòng.

Khi dịch đau mắt đỏ đang bùng phát, các bể bơi công cộng cần tạm thời đóng cửa để tránh lây lan theo diện rộng. Cách ly người bệnh tốt nhất qua việc nghỉ ngơi tại nhà và luôn rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chậu Lavabo đặt bàn giá rẻ bồn cầu trứng bồn rửa mặt chính hãngTìm hiểu về điều trị võng mạc đtđ hiệu quả