Nhấn mạnh tự chủ đại học là nội dung trọng tâm trong lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này, 6 nội dung chủ yếu của tự chủ đại học đã được các chuyên gia thảo luận, cho ý kiến gồm: Khái niệm về tự chủ đại học, điều kiện đảm bảo tự chủ, nội dung tự chủ, mức độ tự chủ và lộ trình giao quyền tự chủ.
Theo đó, về khái niệm tự chủ, các ý kiến thống nhất với 3 nội dung tự chủ chính là tự chủ về học thuật; tự chủ về tổ chức nhân sự và tự chủ về tài chính, tài sản. Việc giao tự chủ phụ thuộc vào năng lực của các cơ sở giáo dục đại học và cần có điều kiện, lộ trình để phân quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài vấn đề trách nhiệm giải trình; thành phần, số lượng Hội đồng trường; tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường..., các ý kiến cũng nêu ra 2 vấn đề có ý nghĩa quan trọng liên quan trực tiếp đến tự chủ là cơ chế quản lý nhà nước và sự đồng bộ của Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như tính khả thi của Luật khi ban hành...
Ông Phạm Tất Thắng phát biểu tại tọa đàm |
Nhận định các ý kiến góp ý chất lượng, có trách nhiệm và tâm huyết, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đồng thời lưu ý: Vì là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nên có những giới hạn nhất định về số điều và những vấn đề sửa đổi. Do đó, có những vấn đề sẽ bổ sung ngay, có vấn đề cơ quan quản lý sẽ cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, có vấn đề tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu...
Làm rõ hơn một số vấn đề về tự chủ đại học trong sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Mục đích sau cùng của tự chủ là để hệ thống giáo dục đại học tốt hơn, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra đều khẳng định: Tinh thần là tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Luật, thông qua tại kì họp thứ 6, đảm bảo chất lượng, khả thi, sau khi được thông qua có tác động tích cực đến giáo dục đại học trong cả nước.