Bước tiến giúp sinh viên sư phạm tự chủ về tài chính

GD&TĐ - Góp ý cho Dự thảo Luật GD sửa đổi, phần lớn các ý kiến của giảng viên và SV Trường ĐH Xây dựng tập trung vào những vấn đề như: Quyền lợi của người học, bình đẳng giới trong trường học, tín dụng SV…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nên đưa bình đẳng giới vào môn học

Nhận xét về vai trò và quyền lợi của người học, Phan Đức Mạnh, SV năm nhất Khoa Công trình thủy, Trường ĐH Xây dựng cho rằng: Bình đẳng giới cần thể hiện rõ ở các môn học, đặc biệt là GD thể chất. Hiện chương trình môn Thể dục ở cấp THPT chỉ dừng lại ở mức bảo đảm thể chất cho HS trong quá trình học. Còn với đại học, môn học này trở thành tiêu chí quan trọng để ra được trường. Tuy nhiên, đa số nội dung được sắp xếp trong chương trình yêu cầu người học phải có sức khỏe, thể lực tốt.

Về trường chuyên, hiện nay chương trình trường chuyên cũng giống như phổ thông, trong khi đó Trường chuyên thời gian học môn chuyên nhiều, một số môn không đảm bảo được, SV Phan Đức Mạnh kiến nghị có lộ trình đào tạo riêng cho HS học môn chuyên, cần có sự phân bổ hợp lý các môn học. Ví dụ HS chuyên Văn thì nên học chuyên Văn nhiều hơn là Toán và ngược lại, có thể theo tỉ lệ 70% -30 %..

Khi nói về vấn đề trường chất lượng cao, Hoàng Đình Đức, Khoa Công trình cho rằng, nên mở một số trường chất lượng cao ở các thành phố lớn; người học có điều kiện tốt nhất để đóng học phí. Đây là trường nòng cốt bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Giúp SV tự chủ về tài chính

Góp ý về chính sách học bổng của SV, thầy Bùi Quang Trung – Trưởng phòng Công tác SV – ĐH Xây dựng cho rằng: Vay tín dụng sư phạm là một bước tiến giúp SV tự chủ về tài chính.

Quy định không thu học phí đối với HSSV sư phạm là không phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay do nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi. Nhiều SV sư phạm ra trường không làm đúng ngành sư phạm, gây lãng phí nhân lực và ngân sách. Thực tiễn cho thấy miễn học phí không thực sự là lý do để khuyến khích SV vào ngành sư phạm. Sửa quy định về chế độ tín dụng sư phạm giúp SV sư phạm được vay vốn để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học trong dự thảo Luật GD (sửa đổi) là hoàn toàn hợp lý. Bởi Nhà nước đã cho vay để trang trải; những SV nào chuyển ngành nghề phải trả lại cho Nhà nước.

Góp ý về chính sách đối với người học, TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho rằng: Trong Điều 83 về học bổng và trợ cấp xã hội có viết: “Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho HS đạt kết quả học tập xuất sắc ở các trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 61 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở các cơ sở GD nghề nghiệp, GD ĐH…”. Viết như thế này có thể hiểu rằng tất cả SV đạt loại khá sẽ được cấp học bổng. Cần phải chỉnh sửa câu chữ nếu không người đọc sẽ hiểu là tất cả HS khá sẽ được cấp học bổng.

Về nhiệm vụ và quyền lợi của người học, TS Phạm Xuân Anh cho rằng, có thể nên ghép Điều 82 Các hành vi người học không được làm với Điều 80 Nhiệm vụ của người học hoặc quy chế HSSV thì phù hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ